Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc một người dân ở TP.Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng. Xung quanh vấn đề này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, việc xử phạt như vậy là quá nặng, không hợp lý. Vị ĐBQH đặt vấn đề: “Một người được tặng 100 USD đem ra cửa hàng vàng đổi, chỉ cần lập biên bản tịch thu là xong, chứ bây giờ phạt họ những 90 triệu thì đúng là bất cập. Số tiền 100 USD giá trị quá nhỏ, không cần làm lớn chuyện như vậy. Thế còn đối với tiệm vàng, nếu lâu nay cơ quan chức năng của Cần Thơ theo dõi thì thậm chí có thể xử lý nghiêm minh hơn. Đó là một câu chuyện khác”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích thêm: “Nếu địa phương nói rằng làm nghiêm, bây giờ tôi đặt vấn đề, giả sử bao nhiêu vụ việc lớn hơn mà để lọt tội thì lúc đó địa phương chịu trách nhiệm gì?
Trong luật cũng có quy định, nếu hành vi có tác động, mức độ nguy hiểm quá nhỏ, hành vi cá biệt thì nói chung là sẽ xử lý nhẹ”.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Việc mua bán ngoại tệ trái quy định vẫn xảy ra nhiều, nhưng phải làm có trọng tâm, trọng điểm. Còn vụ này, với hành vi đổi 100 USD thì cùng lắm tịch thu số tiền đó thôi”.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho biết: “Tôi cho rằng, xã hội có nhu cầu, chúng ta phải đáp ứng nhu cầu ấy trong khuôn khổ pháp luật là cần thiết và việc pháp luật xử lý nghiêm những vi phạm là cần thiết. Thế nhưng, đúng là qua sự việc này đã làm cho dư luận cảm thấy bức xúc.
Bởi vì, nếu như cả hệ thống pháp luật của chúng ta làm nghiêm như thế này thì hoan nghênh quá. Nhưng tại sao lại chỉ làm một vài trường hợp ở địa phương thôi? Đúng là về mặt lý thì cũng khó trách cơ quan chức năng địa phương, nhưng về tình mà nói thì không ổn”.
Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích: “Thực ra, cái tình cũng rất quan trọng trong luật pháp, để thuyết phục người khác, chứ không phải để dọa nạt. Luật không phải là để dọa nạt mà luật là để mọi người tự nguyện tham gia, thấy được lợi ích của mình ở trong đó mới là quan trọng. Khi cá nhân nào cần có ngoại tệ thì phải đến đúng chỗ sẽ đổi được. Phải chấp nhận chuyện đó, việc này là phải giáo dục, tuyên truyền hình thành thói quen.
Bây giờ tôi cũng thấy địa phương cố gắng gỡ lại bằng cách nói rằng, nếu anh thợ điện có khó khăn thì phải làm đơn xin miễn nộp phạt. Như vậy, lại đơn từ, xin xỏ…
Tôi cho rằng qua sự việc này xảy ra, cả nước đã thấy rồi thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải vào cuộc điều chỉnh lại quy định cho phù hợp. Cái gì đúng thì chúng ta hoan nghênh ủng hộ, nhưng cái gì gây ra hiệu ứng không như mong muốn thì chúng ta phải điều chỉnh lại. Nếu quy định mà không thấu tình đạt lý thì không thuyết phục được ai! Và rồi người ta sẽ đặt ra câu hỏi, thế thì những vụ khác sẽ xử lý ra sao?”.
Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, việc mua bán 10 USD hay 100 USD tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt. Tuy nhiên, về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để quản lý mua bán ngoại tệ, ngăn chặn việc đô la hóa thì cần phân loại mức vi phạm để xử lý phù hợp. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người dân hiểu và nắm rõ hơn các quy định.