Trao đổi với PV về ý kiến bán cây sưa 400 tuổi ở đình Đông Cốc (xã Hà Mãn – Thuận Thành – Bắc Ninh) của một số người dân trong thôn, một lãnh đạo của UBND huyện Thuận Thành cho biết: Cây sưa tại đình làng Đông Cốc được xác định là tài sản cộng đồng nếu dân muốn bán thì phải xin phép các cấp. Tuy nhiên, hiện tại huyện cũng chưa có suy nghĩ gì đến chuyện này.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành cũng cung cấp thêm thông tin liên quan đến vu việc đấu giá cây sưa 200 tuổi diễn ra hơn 1 năm trước. Theo đó, huyện Thuận Thành đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã Hà Mãn và lãnh đạo thôn Đông Cốc kiểm điểm vì những sai sót xảy ra trong quá trình đấu giá và chia tiền bán sưa cho người dân.
Trao đổi với PV, một số đại gia đến từ làng gỗ tại Đồng Kỵ (Từ Sơn – Bắc Ninh) cũng hào hứng cho biết, nếu thực sự người dân có nguyện vọng và được cơ quan chức năng cho phép họ sẽ sẵn sàng xem xét cụ thể bởi cây sưa 400 tuổi như ở đình Đông Cốc không còn nhiều.
Theo, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội): Mặc dù cây sưa đỏ ở làng Đông Cốc là loại cây thuộc nhóm 1A (nhóm đặc biệt quý hiếm, Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng gỗ sưa vì mục đích thương mại) nhưng không phải là cây trồng ở trong rừng. Vì vậy, cây sưa này không thuộc sự quản lý của Nhà nước.
Trong trường hợp cây sưa thuộc tài sản chung của cộng đồng dân cư xã Hà Mãn thì theo quy định tại khoản 2, Điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015, các thành viên của cộng đồng có quyền được định đoạt tài sản theo thỏa thuận vì lợi ích chung của cộng đồng, và việc bán cây sưa được sự đồng ý của cộng đồng không vi phạm điều cấm của luật và đạo đức xã hội.
Trước đó, tiếp xúc với PV một số người dân thôn Đông Cốc bày tỏ ý tưởng muốn bán cây sưa 400 tuổi giá 100 tỷ đồng. Họ cho rằng cây sưa này và cây sưa 200 tuổi cùng nằm trong khuôn viên đình do đó cây sưa 400 tuổi này cũng có thể bán. Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân Đông Cốc không đồng ý bán cây sưa 400 tuổi vì cho rằng cây có giá trị tinh thần gắn với di tích đình Đông Cốc.