Bình đẳng giới có chọn lọc
Nàng có nhan sắc, cá tính, được nhiều người khen là thông minh. Nàng là mẫu người không dễ lẫn trong đám đông và đặc biệt ý thức được về giá trị của mình. Người đàn ông lọt được vào mắt nàng ngoài sự tương xứng còn phải đáp ứng một điều kiện bắt buộc: hiểu được giá trị của phụ nữ, thấm nhuần tinh thần bình đẳng giới. Không thể có chuyện chồng chúa vợ tôi trong nhà đình nàng!
Rất nhiều chàng trai đã có với nàng một chuyện tình, hoặc một vài cảm xúc "đáng kể", cuối cùng đã ra đi khi lòi cái đuôi gia trưởng, tàn dư của tư tưởng phong kiến lạc hậu.
Nàng làm sao chịu nổi mà không "cho đi" sớm cái kiểu đàn ông chưa cưa được người ta đã lớn tiếng ca tụng công dung ngôn hạnh, đức hy sinh của phụ nữ, ca tụng những chị em biết giữ gìn trinh tiết, những người vợ nguyện suốt đời làm sân sau cho chồng, luôn nín nhịn những lúc chàng to tiếng, biết hy sinh sự nghiệp, ở nhà làm bà nội trợ để chồng chuyên tâm kinh bang tế thế...? Nàng bảo, đàn ông Việt chẳng mấy người thực sự có đầu óc tiến bộ, đó là lý do khiến cho nàng ngoài 30 tuổi vẫn là gái ế.
Lâu lâu, khi được hỏi về chuyện hẹn hò với một anh chàng nào đó, do mai mối hay do tự tìm đến với nhau, nàng lại được dịp xổ ra cả tràng nỗi thất vọng về sự kém tắm của một nửa thế giới: "Cái thằng đó hả? Đừng nhắc nữa mà bực mình. Hắn mời chủ nhật đi xem phim, mình bảo bận lắm, chưa biết có đi được không, em sẽ thông báo với anh trước tối chủ nhật. Không ngờ từ đó đến chủ nhật, hắn chả thèm gọi cú nào. Sau cái tối chuẩn bị váy áo đẹp mà rồi phải ngồi nhà, mình thề cạch mặt hắn".
"Không ngờ hôm sau, hắn lại mặt mo hỏi mình là chủ nhật tới liệu có xem phim được không. Mình điên lên, mắng cho một trận, hắn bảo mấy ngày liền đợi mình trả lời, mình không gọi thì hắn nghĩ bận không đi được, chẳng dám gọi hỏi lại vì sợ làm phiền. Ôi trời, cái thứ đàn ông há miệng chờ sung thế thì mục thất chả lấy được vợ. Chả nhẽ mình là phụ nữ lại đi gọi điện bảo anh ơi em rảnh đấy, đi xem phim nhé. Dù mình bảo sẽ thông báo nhưng hắn là đàn ông thì phải chủ động gọi điện mà hỏi lần nữa chứ".
Lần khác, nàng than thở về một anh chàng "lẽ ra nên kiếm cái váy mà mặc", kẻ mà nàng từng kỳ vọng rất nhiều là có thể cùng mình dệt mộng yêu đương: "Ôi, cái thằng đó, nhìn cái mặt đẹp trai, phong độ ngời ngời, chém gió cứ như thiên tài, thế mà chỉ đi chơi một buổi đã lòi cái đuôi bẩn tính, chi li chả kém mấy bà già nhà quê. Đúng thật là không thể trông mặt mà bắt hình dong được".
Chuyện rằng, chàng và nàng hẹn nhau buổi tối đi uống nước. Cả hai đến một cái quán rất phong cách mà nàng chọn. Họ nói chuyện rất chi là tâm đầu ý hợp. Nàng hài lòng với sự thông minh, suy nghĩ khoáng đạt, phong cách thoải mái tự nhiên rất Tây của chàng. Ấy thế mà, trời xanh thật oái oăm khi chẳng nặn ra ai thực sự men-lỳ cả.
"Lúc ra về, hắn rút ví để thanh toán. Tớ cũng đòi trả tiền. Mới tranh đi giành lại có bốn năm câu, thế mà hắn đã đút tọt cái ví vào túi, giơ tay lên trời bảo thôi anh chịu thua, nhường em lần này. Tớ choáng quá, dằn mặt hắn bằng cách rút xoẹt tờ 200.000 đồng đưa em phục vụ, bảo không cần thối lại. Thế mà cái mặt hắn vẫn nhơn nhơn như không, đúng là không có tự trọng. Có hơn trăm nghìn tiền nước mà vẫn không bao nổi cô gái mình đang cưa cẩm", nàng bĩu môi.
Những người biết nàng đủ lâu có thể hình dung rất rõ sự hùng hổ, kiên quyết của nàng khi tranh quyền trả tiền nước hôm ấy, nó khiến cho bất kỳ anh đàn ông gan dạ nào cũng phải chùn bước chịu thua bởi nghĩ rằng, giành quyền trả tiền của một cô gái cá tính và coi trọng nữ quyền như nàng chính là xúc phạm nàng.
Thế nhưng khi được hỏi: "Đã bình đẳng thì đàn ông hay phụ nữ trả tiền chả được?", nàng trợn mắt: "Dứt khoát là phải bình đẳng, nhưng đàn ông thì vẫn phải cư xử cho đáng mặt đàn ông! Phụ nữ người ta đòi trả tiền thì kệ, mình là đàn ông thì dứt khoát phải bao chứ".
Việc của đàn ông, việc của đàn bà
Sau đây là chuyện của một nàng khác, nữ tính hơn, dịu dàng mềm mỏng hơn, nhưng vẫn là người không chấp nhận sự bất bình đẳng trong gia đình. "Vợ là vợ, không phải osin. Vợ chồng phải chia sẻ việc nhà. Vợ nấu cơm thì chồng rửa bát, vợ lau nhà thì chồng giặt, phơi, gấp quần áo và ngược lại, mắc màn thì mỗi người một tuần", nàng tuyên bố ngay khi bước chân vào hôn nhân.
Chồng nàng có hơi sợ hãi nhưng rồi cũng phải đồng ý. Sao lại không chứ? Hai người đều đi làm, cường độ và thời gian làm việc như nhau, thu nhập như nhau.
Họ hạnh phúc như đôi chim câu cho đến một ngày, nàng buồn rầu phát hiện, chồng nàng so với chồng thiên hạ thì còn lâu mới đáng mặt đàn ông. Và nàng nói thẳng điều đó với thiện ý mong chồng tiến bộ: "Là người đàn ông thì phải lo được cho vợ con một cuộc sống sung sướng, không phải đau đầu nhức óc vì đồng tiền. Đằng này anh thu nhập chẳng hơn gì em. Em cứ cày cuốc thế này, mai mốt già nua xấu xí thì anh lại chê. Đúng là thân phận đàn bà khổ thật".
Nàng nói ngày này qua ngày khác, khiến cho anh chồng dù tức giận nhưng cũng tự thấy nhục nhã vì mình là gã đàn ông bất tài. Anh thấy vợ nói đúng, kiếm tiền nuôi gia đình là việc của đàn ông.
Còn nhiều việc nữa mà nàng cho là thuộc về đàn ông. Thật chướng tai gai mắt nếu nhà có đàn ông mà những khi hỏng điện, hỏng nước, hỏng ti vi, điều hòa..., phụ nữ vẫn phải giải quyết. Đàn bà chân yếu tay mềm, ai lại để làm những việc như thế, dù là gọi thợ đến chăng nữa!
Được nàng "giáo dục", anh chồng tiến bộ thấy rõ sau mấy năm. Anh bắt đầu mang được tiền về cho vợ; nàng thích mua sắm váy áo, giày túi tiền triệu thì cứ vô tư, thích đi spa, tắm trắng gì cũng thoải mái...
Ấy thế nhưng đàn ông là một sinh vật chẳng bao giờ hoàn hảo. Chồng nàng kiếm được tí tiền thì sinh bệnh lười biếng, đổ hết việc nhà cho vợ. Anh không chịu rửa bát, viện cớ mệt vì công việc căng thẳng. Anh không thèm cho quần áo vào máy giặt hay lấy đồ trên dây phơi xuống cất vì còn bận check mai và viết mail giải quyết công việc, cũng chẳng bao giờ mắc màn vì "mệt quá, cứ cho muỗi nó đốt"...
Nàng rền rĩ, nàng than thở, nàng trách móc, nàng chì chiết chồng, nàng kể tội chồng với anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp... Nàng than thân trách phận vì giữa thế kỷ 21 mà vẫn lấy phải anh chồng gia trưởng, coi phụ nữ như kẻ hầu người hạ trong nhà.
"Anh đừng cậy mình làm ra đồng tiền mà coi thường vợ, bắt vợ làm osin không công nhé. Có tí tiền, anh lại coi rửa bát quét nhà là việc hèm kém của đàn bà phải không? Nói cho anh biết, không có việc gì trên đời là việc của riêng đàn bà, đàn ông không phải làm cả. Nam nữ phải bình đẳng", nàng tuyên bố.
Chồng nàng bảo, đây không phải là bất bình đẳng giới, mà là phân công lao động. Đàn ông đã lo kiếm tiền và làm những việc lớn, việc nặng thì phụ nữ phải làm những việc nhỏ, như thế mới công bằng. Nàng nhảy dựng lên, đấy nhé, anh nói một câu đã thể hiện ngay thái độ khinh thường công việc nội trợ, cho nó là việc nhỏ, nhỏ thì anh làm đi...
Chồng nàng cãi không lại, vò đầu bứt tai, chỉ biết than với bạn bè: "Tại sao có những việc các bà ấy nghiễm nhiên coi là thuộc về đàn ông, đàn ông dứt khoát phải làm tốt, không để phụ nữ phải làm, nhưng lại không chấp nhận có những việc thuộc về đàn bà chứ? Lúc bắt mình rửa bát thì kêu nam nữ bình đẳng, vợ rửa được thì chồng cũng phải rửa được. Lúc cần kiếm tiền, cần làm việc nặng thì kêu là đàn ông thì phải lo hết, phụ nữ chỉ sinh con và chăm sóc gia đình thôi".
Chồng nàng cứ tự hỏi mãi mà không biết rốt cục vợ mình muốn cái gì. Anh than, hiểu được phụ nữ thật khó bằng lên trời, hiểu được chết liền.
Theo Xzone