Quá trình bị bắt tạm giam 9 tháng 10 ngày, anh Mai Đắc Chung cho rằng bản thân mình và gia đình đã phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là về tinh thần, sức khỏe và sự nghiệp.
Chia sẻ với PV, anh Chung cho hay: “Tôi đã có yêu cầu VKSND TP. Bắc Kạn (tỉnh bắc Kạn - PV) phải bồi thường về thiệt hại tinh thần, sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất và các thiệt hại khác với số tiền là 13 tỉ đồng.
Bản thân tôi là Đảng viên, cũng là công chức Nhà nước, làm việc ở Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông thuộc sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bắc Kạn.
Ngoài ra, tôi còn là cổ đông của công ty TNHH xe máy Bắc Kạn do mẹ tôi làm Giám đốc. Vì việc tôi phải ngồi tù oan sai nên đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của bản thân tôi và gia đình”.
Nói về số tiền 13 tỉ, anh Chung cho rằng, thiệt hại do tổn thất tinh thần của bản thân phải được bồi thường 2 tỉ đồng, mẹ đẻ 1 tỉ đồng và vợ là 1,5 tỉ đồng.
Anh Mai Đắc Chung cho biết: “Mức độ tổn thất tinh thần của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào nhận thức, địa vị, tầm ảnh hưởng của người bị thiệt hại, không thể so sánh tổn thất của một người lao động phổ thông với một người cán bộ lãnh đạo được”.
Ngoài ra, thiệt hại cho tổn hại sức khỏe, anh Chung đòi bồi thường 420 triệu đồng, trong đó có chi phí đi lại và thu nhập bị mất của mẹ và vợ trong thời gian chăm sóc anh Chung là 90 triệu đồng.
Nói về điều này, anh Chung giải thích: “Trong thời gian bị tạm giam, bản thân tôi bị mắc bệnh cao huyết áp, là loại bệnh nặng có thể phải điều trị cả đời, do đó việc bồi thường 420 triệu đồng cũng là hợp lý”.
Bên cạnh đó, anh Chung đòi bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất là 7,4 tỉ đồng, chi phí thuê luật sư 50 triệu đồng, đi lại ăn uống hết 600 triệu đồng và các khoản chi phí khác.
Mặc dù đã diễn ra hai buổi thương lượng giữa đại diện VKS và anh Mai Đắc Chung, nhưng hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất.
Bà Nguyễn Thùy Dương, đại diện VKSND TP. Bắc Kạn cho biết: “Quan điểm của VKS là thương lượng được thì tốt nhất, nhưng trong trường hợp của anh Mai Đắc Chung, số tiền anh đòi bồi thường thiệt hại là quá lớn, không đúng với quy định của pháp luật.
Ví dụ trong việc đòi bồi thường tổn thất tinh thần, anh Chung đưa ra số tiền là 4,5 tỉ đồng, trong đó có cả bồi thường tinh thần cho mẹ và vợ. Nhưng theo quy định của pháp luật, số tiền bồi thường trong những ngày bị tạm giam, tạm giữ là gấp 3 lần thu nhập trung bình của một người/1 ngày, ngoài ra mẹ và vợ anh Chung không thuộc diện bồi thường.
Vì vậy VKS chỉ đồng ý bồi thường với số tiền là 65 triệu đồng cho sự tổn thất tinh thần của anh Chung theo tính toán của VKS, dựa trên cơ sở của pháp luật. Các yêu cầu khác của anh Chung cũng tương tự, cần dựa vào pháp luật chứ không thể thích thế nào cũng được”.
Bởi vì không có sự thống nhất trong việc bồi thường giữa hai bên, anh Mai Đắc Chung đã đệ đơn lên Tòa án nhân dân TP. Bắc Kạn để giải quyết.
Bà Dương cũng cho hay: “Trong sự việc của anh Mai Đắc Chung, VKS thừa nhận có sai sót. Viện trưởng, Viện phó và chuyên viên của VKSND TP. Bắc Kạn cũng đã nhận quyết định kỉ luật của ngành.
Việc bồi thường thiệt hại cho anh Mai Đắc Chung, VKS cũng thống nhất quan điểm là thương lượng giữa hai bên. Nhưng vì yêu cầu của anh Chung quá lớn, nhiều khoản không đúng với quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 nên việc anh Chung trình đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân TP. Bắc Kạn, VKS chấp nhận hầu tòa để Tòa án giải quyết theo đúng luật định”.
Nói về yêu cầu đòi bồi thường 13 tỉ đồng của anh Mai Đắc Chung cho những tổn thất của mình và gia đình khi phải chịu cảnh ngồi tù oan hơn 9 tháng trời, luật sư Trịnh Ngọc Thành chia sẻ: “Việc bồi thường oan sai trong các vụ án thường rất phức tạp trong việc tính toán mức độ bồi thường.
Để lượng hóa cụ thể được những thiệt hại của người bị oan là điều gần như không thể. Vì thực tế, những mất mát mà người bị oan phải gánh chịu là rất lớn. Tuy nhiên, theo quy định, việc bồi thường phải căn cứ vào Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Các khoản thiệt hại được bồi thường, quy định tại Chương IV của Luật này, bao gồm các khoản như:
Thiệt hại do tài sản bị xâm hại, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại vật chất do tổn hại về sức khỏe…Việc thương lượng bồi thường giữa các bên phải căn cứ vào những quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trong trường hợp anh Mai Đắc Chung phải ngồi tù oan 9 tháng 10 ngày, anh Chung đòi bồi thường số tiền là 13 tỉ đồng, trong đó có 4,5 tỉ đồng cho những thiệt hại về tinh thần của bản thân, mẹ và vợ là không đúng với quy định của pháp luật".
Theo đó, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần bao gồm những ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam.
Ngoài ra những ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử mà không bị tạm giữ, tạm giam được xác định là một ngày lương tối thiểu cho một ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa quy định về thiệt hại về tinh thần cho người thân mà người bị oan sai vẫn còn sống, do đó anh Mai Đắc Chung yêu cầu bồi thường do tổn thất về tinh thần của mẹ và vợ anh là chưa có căn cứ.
"Việc anh Chung yêu cầu bồi thường 13 tỉ, riêng khoản tổn thất về tinh thần là 4,5 tỉ đồng là tương đối lớn, rất khó để Viện kiểm sát chấp nhận, dẫn đến khó thương lượng, buộc lòng VKS phải để Tòa án phán xét nếu các bên không đưa ra được một con số phù hợp, đúng với quy định pháp luật. Việc để Tòa án phân xử là bất đắc dĩ, nhưng với mức đề nghị bồi thường quá cao như vậy là không đúng và Viện kiểm sát không thể quyết định được", luật sư Thành phân tích.
Hồng Nhung