Đó là câu chuyện của đội bóng trẻ em nghèo dân tộc Bahnar dưới tuổi 15 (của xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) thường xuyên đoạt giải bóng đá vô địch quốc gia cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở độ tuổi 14-15. Đây là mảnh đất có truyền thống sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá ưu tú. Nhưng để có được thành quả ấy, đội bóng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn.
Hình ảnh của đội bóng xã Glar
Đỉnh cao vinh quang cho trẻ nghèo
Chúng tôi tìm về cái nôi đào tạo bóng đá khá nổi tiếng của đại ngàn Gia Lai, để tận mục sở thị đội bóng nhiều lần đoạt giải vô địch quốc gia dành cho trẻ em nghèo dưới tuổi 15. Dù là những cầu thủ trẻ nhiều lần chạm tới đỉnh vinh quang của mùa giải trong nước và được đi thi đấu ở nước ngoài nhưng các cầu thủ sau những giải đấu và đằng sau những huy chương, cúp vàng lại trở về cuộc sống bần nông lam lũ với một tương lai vô định.
Nhiều năm nay, ông Khelly Khiêm (58 tuổi, trú xã Glar) từ một cán bộ văn hóa xã đã kiêm luôn chức vụ huấn luyện viên cho đội bóng trẻ em nghèo dân tộc Bahnar dưới tuổi 15 của xã. Ông Khiêm kể, chẳng biết phong trào yêu bóng đá xuất hiện ở xã Glar từ khi nào, nhưng từ hồi còn trẻ ông đã tham gia vào đội bóng của xã để đi thi đấu các giải huyện và tỉnh. Ông Khiêm tự hào: "Phong trào đá bóng của xã rất mạnh, xã có 12 thôn thì 11 thôn có sân bóng, thậm chí có thôn có đến hai sân bóng. Dù không được ai dẫn dắt nhưng từ sau giải phóng đến giờ, đội bóng của xã Glar rất nhiều lần giành giải nhất tỉnh. Còn thi đấu ở huyện từ xưa tới nay mới duy nhất đứng nhì một lần, còn lại đều đứng nhất".
Ở bất cứ giải đấu nào, ở tất cả các độ tuổi thì xã đều có thể tham gia và lần nào cũng đạt được thành tích cao, như các giải dành cho U30, U40… Nhưng điều tự hào nhất của huấn luyện viên Khiêm và người dân xã Glar chính là đội bóng dành cho trẻ em nghèo dưới tuổi 15 của xã. Khi tất cả các cầu thủ trẻ của đội đều có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có em mồ côi cha mẹ, thất học nhưng với niềm đam mê bóng đá của mình, các em luôn cố gắng khắc phục để liên tục đứng trên đỉnh cao vinh quang của giải. Không chỉ liên tục đoạt giải nhất tỉnh, mà ngay cả giải vô địch quốc gia năm nào đội cũng đều vào đến chung kết. Đặc biệt, đã 5 lần đội bóng này đứng đầu giải vô địch quốc gia vào các năm 2005, 2007, 2009, 2011 và 2012. Đội còn thường xuyên được chọn đi ra nước ngoài thi đấu với các đội bóng khác trong khu vực dành cho trẻ em nghèo.
Nhận cúp vàng rồi về bám rẫy
Đang hào hứng với những thành tích đáng nể của đội bóng, giọng ông huấn luyện viên không chuyên bỗng dưng chùng xuống khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của các cầu thủ. Nhiều năm qua, đội bóng của ông liên tục thay đổi cầu thủ để phù hợp với quy định tuổi tác của giải. Nhưng có một điều mà dường như không đổi mới, đó là sau giây phút chạm tới đỉnh vinh quang thì các em lại phải trở về với một cuộc sống cơ cực, quanh năm bám rẫy hoặc đi làm thuê. Bởi, các em đều có chung hoàn cảnh nghèo khó, sớm phải mưu sinh bằng nghề rẫy, thậm chí phải nghỉ học sớm để đi làm thuê, làm mướn.
Ông Khiêm với vẻ mặt trầm ngâm và tiếp lời: "Điển hình như lứa cầu thủ năm nay có 12 em, thì có đến 3 em bị mồ côi cha, mẹ và một số em đã phải nghỉ học từ sớm để đi làm thuê như em Môn (mồ côi mẹ), Rô Ma và H'Mu (đều mồ côi cha). Một số em còn lại may mắn khi cha mẹ còn sống, nhưng vì sinh ra trong cảnh nghèo khổ nên phải mưu sinh vất vả từ rất sớm. Em nào may mắn hơn thì còn được đến trường, còn lại thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình kiếm sống. Cuộc sống mưu sinh vốn khó khăn là vậy, nhưng các em vẫn không từ bỏ lòng đam mê yêu bóng đá của mình. Dù có mệt nhọc đến đâu thì chiều nào các cầu thủ nhí cũng đều dành ít nhất là 1 tiếng đồng hồ để tập luyện. Thậm chí nhiều hôm, các em đi rẫy hoặc đi làm thuê chưa kịp về nhà hay nghỉ ngơi là đã lao ngay ra sân bóng để vui với trái bóng tròn. Chính sự đam mê cháy bỏng này đã giúp các em chiến thắng hoàn cảnh, liên tục được đứng trên đỉnh vinh quang của giải đấu: "Thầy trò chúng tôi không hề được đào tạo hay hướng dẫn gì, mà chỉ là tự học hỏi từ những lần đi thi đấu với các đội và học hỏi ở trên ti vi thôi. Còn chúng tôi chiến thắng là nhờ vào sự đoàn kết, sự đam mê và nỗ lực của các em", ông Khiêm tiết lộ.
Là một đội bóng nhưng các em không hề có bất cứ một đồng kinh phí hay nhà tài trợ nào. Ngay cả đến đồng phục thi đấu của đội mỗi em cũng chỉ có một bộ chỉ dành cho những ngày đi thi đấu ở các mùa giải và mỗi lần mặc xong các em phải giặt thật sạch và nộp lại cho huấn luyện viên để các cầu thủ năm sau mặc. Vì vậy, các em luôn có ý thức và giữ gìn thật kĩ bộ đồng phục ấy.
Nhắc đến vấn đề khó khăn nhất với đội bóng, theo ông Khiêm điều trước tiên phải kể đến đó là kinh phí đi thi đấu, vì không phải lúc nào đội cũng nhận được sự tài trợ của huyện hoặc của tỉnh, mà có lúc phải tự lo chi phí để được tham gia. "Vì đội không có bất cứ nhà tài trợ nào nên nhiều lúc đi thi đấu, thầy trò phải tự lo lấy kinh phí. Lúc đó, cả đội lại kéo nhau đi làm cỏ thuê để lấy tiền thi đấu, trước khi ra sân thì mỗi em ăn một tô bún 20 nghìn đồng là xong", ông Khiêm bộc bạch. Khi thi đấu xong nhận được giải cao thì đó chính là nguồn động viên và như tiếp thêm sức mạnh để đội bóng của làng cố gắng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn.
Mong được đào tạo thành cầu thủ chuyên nghiệp "Trước đây, đã có hai cầu thủ của xã được đội bóng Thái Sơn Nam trong TP.HCM gọi vào đá nhưng sau một thời gian tập luyện, các em nhớ nhà quá nên đã bỏ về. Thỉnh thoảng cũng có một vài em khi vào làm thuê cho công ty 75 hoặc các công ty cao su thì các em cũng trở thành nhân vật chính trong đội bóng của công ty. Còn lại thì chưa bao giờ có ai về chọn lựa các em, giúp các em trở thành cầu thủ chuyên nghiệp cả", huấn luyện viên Khiêm trăn trở. |
Nhật Khánh