Kiếp nghèo, phận bạc
Từ TP. Thái Nguyên, chúng tôi men theo những con dốc ngoằn ngoèo, đá lởm chởm trong cái nắng gay gắt đầu tháng 6 để tới của xóm 3, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Những túp nhà sàn lụp xụp, chật chội, nhếch nhác với mái lá rách nát càng khiến bức tranh đói nghèo ở đây thêm u ám hơn. Thế nhưng vượt lên cái nghèo, cái đói, sự thất học là tình người ấm áp, thương yêu, đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc.
Mẹ con chị Hiên trong căn nhà tồi tàn.
Được sự giới thiệu của người dân, chúng tôi đã tìm gặp người phụ nữ bất hạnh, chị Lý Thị Hiên, 26 tuổi, người dân tộc Nùng. Dù nghèo khó, không chốn dung thân, thế nhưng chị vẫn cố gắng chăm lo, bao bọc đứa con gái bé bỏng bị bệnh tim của mình.
Men theo những nương ngô xanh mướt, chúng tôi tìm đến nhà chị Hiên. Đưa tay chỉ về phía những nương ngô phủ quanh những khoảng núi thấp, người dẫn đường nói với chúng tôi: "Ở đây ngô là cây chủ đạo, gắn bó với đời sống của chúng tôi. Những mùa giáp hạt, ngô là thức ăn chính vì dân không còn gạo, đi mua thì không có tiền". Nhìn những đứa trẻ trần truồng, đen đúa, gày gò, chúng tôi phần nào hiểu được cái đói, cái nghèo nơi đây. Để ra được thế giới bên ngoài, người dân ở đây phải vượt qua những con dốc cao và thẳng đứng, gặp phải trời mưa, gần như không thể ra ngoài vì đường trơn trượt, rất khó đi.
Khó khăn lắm chúng tôi mới leo lên được đến nhà chị Hiên vì sau cơn mưa đêm qua, con dốc lên nhà chị trơn trượt, lầy lội. Vừa đi, người dẫn đường vừa bảo: "Chị Lý Thị Hiên là trường hợp rất khó khăn của bản tôi. Tuy chị xinh đẹp, nết na nhưng cuộc đời lại vô cùng vất vả. Đúng là hồng nhan bạc phận".
Ở cái thời đẹp nhất của người con gái, Hiên được bao chàng trai yêu mến. Nhiều người đến nhà Hiên xin bố mẹ cô cho được làm rể, thế nhưng cô chẳng ưng ai. Khác với những cô gái cùng lứa tuổi, vừa mới lớn là vội đi lấy chồng, Hiên xin bố mẹ cho đi làm công nhân để có tiền phụ giúp gia đình. Trong thời gian làm công nhân, Hiên quen và yêu anh T.. 19 tuổi, Hiên lên xe hoa về nhà chồng ở xã Khe Mô, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Nhìn anh chị, ai cũng mừng cho đôi trai tài, gái sắc. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuộc đời Hiên bước sang trang mới sau khi sinh đứa con đầu lòng là cháu Thảo được 3 tháng.
Kể đến đây chị lau vội giọt nước mắt, nói: "Đến lúc ấy tôi mới biết bố cháu bị nghiện. Đau đớn hơn, khi chồng tôi đi cai nghiện chưa được bao lâu, mẹ chồng tôi liền đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Dù van xin, khóc lóc thế nào, mẹ chồng tôi cũng nhất quyết không cho mẹ con tôi ở lại nhà". Có lẽ, mẹ chồng chị Hiên sợ chị cũng bị mắc căn bệnh thế kỷ (HIV) giống T., con trai bà. Thế nên, bà tránh con dâu như tránh tà, dù cho đứa cháu nội đang mang trọng bệnh.
Cực chẳng đã, chị Hiên đành ôm con về nhà ngoại sống nhờ vào sự giúp đỡ của anh em và bà con hàng xóm. Thấy hoàn cảnh đáng thương của chị, Hội Phụ nữ huyện đã tạo điều kiện giúp chị dựng một căn nhàâ tạm trên nền đất của bố mẹ chị. Trong căn nhà trống hoác rộng hơn chục mét vuông, ngoài chiếc ghế nhựa cũ nát, chúng tôi thấy không có vật dụng nào đáng giá hơn. Ngay cả chiếc chén cho chúng tôi uống nước, cũng là những chiếc sứt quai, sứt miệng cáu bẩn. Mỗi khi mưa gió, căn nhà ọp ẹp ấy như muốn đổ sụp xuống khiến mẹ con chị phải chạy sang nhà ngoại trú tạm. Muốn tiền có sửa nhà để an cư nhưng ngay cả tiền chữa bệnh cho con, chị còn không có, huống gì tiền sửa nhà? Cuộc sống của hai mẹ con chị vô cùng bấp bênh, bởi chị không có ruộng nương, phải sống bằng nghề làm thuê, làm mướn.
Nhìn chị Hiên với dáng người nhỏ nhắn, gày gò cùng nước da đen sạm, ai cũng chạnh lòng. Nhiều người thấy chị còn không dám thuê vì sợ chị ốm yếu, không làm nổi việc. Chị bảo vì con, chị sẵn sàng làm mọi việc, kể cả nặng nhọc, miễn là có tiền để mua gạo, mua thuốc cho con. Điều khiến cho chúng tôi không khỏi xót xa chính là bữa cơm đạm bạc của cháu Thảo. Thấy con kêu đói, chị chạy vội xuống bếp cầm lên một... bắp ngô nếp luộc từ sáng đưa cho Thảo. Đây là bắp ngô duy nhất còn sót lại trong nhà chị. Nhìn con ăn, chị ngậm ngùi, cúi mặt xuống đất, lau vội giọt nước mắt đang lăn trên gò má đen sạm, gày guộc: "Mấy hôm nay em không có ai thuê làm cả nên không có gạo. Có mấy đồng thì hôm vừa rồi phải chi hết vào viện phí cho cháu Thảo. Hôm qua, bác cả cho mẹ con em mấy bắp ngô để ăn. Em không dám ăn, phải để dành cho cháu...".
Mẹ con chị Hiên trong căn nhà tồi tàn.
Những nỗi đaukhông gọi thành tên
Thấy mẹ buồn, bé Thảo chạy vội từ ngoài hè vào nhà, ôm lấy cổ mẹ. Tuy đã hơn 4 tuổi nhưng Thảo vẫn bé như đứa trẻ lên 2, da mặt xanh xao, tím ngắt. Cứ hễ xúc động mạnh là bé Thảo lại bị ngất, người tím tái. Nhìn con đau đớn vì bệnh, chị như đứt từng khúc ruột. Nhiều lúc, chị khóc như một người điên khi thấy mình bất lực, không làm được gì cho đứa con gái bé bỏng của mình. Mấy hôm trước, khi thời tiết thay đổi, Thảo bị sốt cao, khó thở, người lịm dần. "Hoảng quá, tôi ôm cháu chạy ra ngoài đường, vẫy xe xin đi nhờ đến bệnh viện...".
Hoạ vô đơn chí Khi mới chào đời, Thảo cũng khoẻ mạnh và bụ bẫm. Nhìn con lớn lên từng ngày, chị Hiên vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện. Thế nhưng khi sang tháng thứ 3, Thảo phát bệnh, sốt li bì nhiều ngày, không ăn uống gì. Thương con, chị vay mượn họ hàng được ít tiền đưa cháu đi bệnh viện. Khám xong, chị chết lặng khi bác sỹ thông báo con chị Hiên bị tim bẩm sinh và hở van tim độ nặng, vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Nuốt nước mắt vào trong, chị mang con về nhà bởi không có tiền điều trị. Về nhà chưa được bao lâu, chị như chết thêm lần nữa khi trụ cột chính, chỗ dựa tinh thần duy nhất là anh T., chồng chị bị bắt đi cai nghiện bắt buộc. |
"Mùa hè thế này, bệnh của cháu sẽ đỡ hơn. Mùa đông, nhất là những ngày trời rét buốt, lúc nào tôi cũng phải tư thế sẵn sàng để... bế con chạy. Nhiều đêm, tôi chỉ biết ôm con ngồi đợi trời sáng. Cháu Thảo còn nhỏ nhưng biết thương mẹ nên rất nghe lời. Mỗi lần lên cơn, tôi biết là cháu rất đau, mệt nhưng cháu luôn cố gắng không khóc để mẹ đỡ lo. Những lúc như thế, tôi chỉ biết khóc...
Cuộc sống một mẹ, một con cứ thế diễn ra trong căn nhà tồi tàn, trống hoác. "Sau khi cai nghiện về, chồng tôi cũng đến đón mẹ con tôi về nhà. Ở đó, cuộc sống tuy có cơm ăn nhưng tinh thần của mẹ con tôi luôn bất an. Ở với nhau được một thời gian ngắn, chồng tôi lại tiếp tục vào trại cai nghiện. Chồng đi, mẹ chồng tôi lại đuổi hai mẹ con tôi ra khỏi nhà. Thế là hai mẹ con tôi lại về ở với bà ngoại từ đó đến nay. Tôi chẳng oán trách ai, chấp nhận mọi khổ đau để miễn sao con gái tôi không khổ. Nhưng khó quá..." - kể đến đây, chị Hiên cúi mặt, khóc.
Mỗi lần đưa con đi khám bệnh, chị lại phải vay mượn họ hàng. Nhưng họ hàng, anh em chị ai cũng nghèo, lo ăn còn chưa đủ, lấy tiền đâu cho chị vay mãi?. Đã vậy, cuộc sống của chị lại phụ thuộc vào thời vụ, những lúc không có ai thuê, chị chỉ biết đi rừng kiếm củi, kiếm măng để bán, sống qua ngày. Tuy vậy, chị cũng không dám đi quá xa bởi không có ai trông nom cháu Thảo. Với chị, ước mơ duy nhất vào lúc này chính được nhìn thấy nụ cười của đứa con gái yếu ớt mang trong mình trọng bệnh. Nếu phải đánh đổi bất cứ điều gì để ước mơ ấy thành sự thật, chị cũng sẵn sàng.
Cần lắm những tấm lòng hảo tâm Trao đổi với PV, bà Lý Thị Liêu, chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Gia đình chị Hiên là một trong những hộ có hoàn cảnh rất khó khăn của xã. Ngôi nhà mẹ con chị đang ở là nhà tình nghĩa do hội Phụ nữ Huyện Đồng Hỷ và xã Tân Long phối hợp dựng lên vào cuối năm 2012. Nghèo đói và bệnh tật, dường như luôn đi cùng với nhau, vì thế chính quyền và hội Phụ nữ địa phương cũng đã cố gắng hết sức để giúp đỡ cho gia đình chị Hiên nhưng hiện nay bệnh tim của cháu Thảo mỗi ngày một nặng, cần một số tiền lớn để chữa trị. Do vậy, mẹ con chị Hiên rất cần sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân trong và ngoài địa phương. |
Vân Thanh