Dạo hơn 2 chục năm trước, nơi ngã 5 đầu ô Yên Phụ có một quán bia hơi rất ngon, đông khách và nhộn nhịp. Chiều chiều, sau giờ làm việc, mình hay cùng mấy ông bạn ra đó tụ tập bia rượu. Ngồi uống lai rai, rồi cả tranh thủ đánh giày, mua báo, mua vé số.... của cái tốp “Ga vơ rốt” (Gavroche là nhân vật trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo, một biểu tượng của những “đứa trẻ đường phố” ở Paris-TS) mưu sinh nơi vỉa hè quán nhậu này.
Cả bọn chúng đều ở trọ cùng nhau dưới bãi Phúc Tân, nghe chúng khoe thế. Có thằng bé bán vé số là bé bỏng nhất trong đội quân vỉa hè ấy. Nó gầy khẳng khiu, da đen nhẻm, quãng 12-13 tuổi, nói giọng đặc miền biển Thanh Hoá. Nó không kể, nhưng mấy đứa lớn hơn bán báo, đánh giày kia kể, rằng nó mồ côi mẹ, bố đi làm thuê trồng cà phê mãi trong Tây Nguyên, và đã lấy vợ khác trong đó.
Thằng bé có đôi mắt ngơ ngác thật buồn. Nhưng tính cách cũng thật lỳ. Bàn nhậu nào nó cũng đến đứng bên cạnh rất lâu, chìa tập vé số ra trước mặt khách nhậu mà chẳng nói năng mời chào gì. Nhìn nó gầy bé tội nghiệp, mình số không “đỏ bạc” nhưng vẫn thỉnh thoảng mua động viên nó.
Một bữa gần Tết, mua mấy vé Xổ số KTTĐ đặc biệt xong, mình hỏi đùa: “Nếu chú trúng số đặc biệt này thì ra Tết chú sẽ chia lộc cho mày một nửa giải thưởng nhé?”. Nó thè lưỡi, rụt rè bảo: “Chú trúng thì con xin chú đôi dép nhựa tổ ong thôi ạ….”. Mình nhìn xuống, thấy đôi bàn chân nó gầy guộc, nhem nhuốc, xỏ trong đôi dép nhựa rách to quá khổ, quai dép đã được buộc chằng thêm túm dây nilon vàng khè.
Hết kỳ nghỉ Tết. Đi làm cái là hội nhậu lại í ới hò nhau lên mở hàng cho quán bia, lại xách thêm cả rượu Tết còn dư lên nhậu. Nhớ tới thằng bé bán vé số và câu đùa bữa trong năm, mình rẽ qua hàng dép ngay phố Yên Phụ gần quán, mua cho nó đôi dép tổ ong trắng muốt, coi như quà mừng tuổi nó luôn.
Đã sau Rằm. Đội quân bán báo, đánh giày vỉa hè quen thuộc đã từ quê lên hành nghề đông đủ. Nhưng nhậu đến tối mịt vẫn không thấy thằng bé bán vé số xuất hiện. Rồi hôm ấy và cả gần tuần sau nữa, vẫn chẳng thấy cu bán vé số đâu. Đôi dép mình mua cho nó vẫn cứ nằm yên trong cốp xe mình.
Sang tuần sau nữa, sốt ruột gọi thằng bé đánh giày đồng hương cùng trọ dưới Phúc Tân với nó lại hỏi :
“Thằng bán vé số đâu cu? Nó ăn Tết gì mà kỹ thế, lâu lên thế?”.
“Ôi chú ơi, nó ở hẳn trong quê với ông bà nội rồi, không lên Thủ đô nữa đâu…”. Mình hỏi tiếp : “Sao? Nó về quê đi học à? Hay chán nghề bán vé số?”.
“Không. Hôm bọn cháu ra bến xe để về quê ăn Tết, lúc chạy vội qua đường để bắt xe, nó bị tuột dép, dừng lại lấy thì bị cái ô tô tải đâm sầm vào, gãy cả 2 chân. Giờ nó què chân không đi lại được nữa rồi chú ơi…”.
Ngụm rượu xuân ngon nơi cổ họng mình chợt đắng ngắt. Mình dắt thằng bé đánh giầy ra bãi gửi xe, mở cốp lấy đôi dép ra dúi vào tay nó. Nó ngơ ngác lắp bắp: “Ơ chú cho cháu ạ?”. Mình bần thần gật gật đầu, không nói được một lời nào. Và thực sự là không biết nói gì với nó lúc đó.
Chiều ấy. Và nhiều buổi chiều sau nữa, những bữa nhậu nơi quán đó, hễ cứ nhìn thấy mấy đứa bé đánh giày, bán báo và vé số quanh quán, mình lại thấy rượu bia sao mà nhạt thếch.
Tối nay, chuẩn bị cúng Giao thừa đón Tết Nhâm Dần cùng con cháu, lại chợt nhớ thằng bé bán vé số tội nghiệp với cái Tết Nguyên đán của nó năm xưa…
Tết nào thì Tết, với trẻ em nghèo khó thì cũng đều buồn tủi như đêm 30 không trăng không sao thôi…Không biết mình nghĩ vậy có đúng không nữa?
Vũ Hùng