Hơn 50 năm qua, ông Nguyễn Hữu Nghị (còn gọi là Sỹ Nghị, SN 1947) trú ở xã Thường Nga, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) được nhiều người từ Bắc chí Nam biết đến như một thần y với biệt tài chữa bệnh xương khớp hữu hiệu bằng thảo dược.
Thầy thuốc vì người nghèo
Ông Nguyễn Hữu Nghị sinh ra trong một gia đình nghèo, có truyền thống 5 đời làm nghề bốc thuốc cứu người. Thuở nhỏ, ông sớm được cha mình truyền dạy lại kinh nghiệm về cách dùng lá cây để cứu chữa người bị gãy xương. Những người không may bị tai nạn liên quan tới đến xương khớp, chỉ cần vài ba đường nắn từ đôi "bàn tay vàng" và dăm thang thuốc rẻ bèo sẽ trở nên lành lặn.
Cũng bởi lý do đó nên người dân khắp nơi gọi ông với cái tên thân mến "thần y". Nhiều người ở các địa phương xa xôi như Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Bình hay xa hơn Khánh Hòa, ở các tỉnh Tây Nguyên... cũng tìm tới ông để chữa trị các bệnh xương khớp.
Công việc chữa bệnh hàng ngày của "thần y".
Năm 1965, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Nghị tình nguyện tham gia quân ngũ và chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị). Đi chiến trường được 3 năm cũng là lúc bố và ông nội lần lượt ra đi, hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn nữa, vì lý do sức khỏe nên ông sớm được xuất ngũ về quê hương theo học lớp y. Sau khi học xong, ông được xã cử về làm y tá tại trạm xá, phụ trách mảng đông y để chữa bệnh cho người dân. Sự nghiệp làm nghề bốc thuốc cứu người của "thần y" cũng khơi nguồn từ đây.
Công tác tại trạm y tế xã Nga Lộc (nay là xã Thường Nga - PV), ông là người sớm biết kết hợp giữa các kiến thức về y học hiện đại và y học gia truyền để cho ra đời những bài thuốc từ lá cây rất rẻ mà lại có tác dụng kỳ diệu trong việc nối xương cứu chữa những người gặp rủi ro.
Năm 1995 sau 25 năm làm trong trạm y tế, ông Nguyễn Hữu Nghị quyết định xin nghỉ hưu để chuyên tâm hơn cho niềm đam mê bốc thuốc cứu người. Số lượng người bệnh đến khám hằng ngày có khi lên đến hàng trăm bệnh nhân, dù mệt nhọc, căng thẳng nhưng ông vẫn cố gắng hết mình mong sao chữa lành lặn hết cho tất cả.
"Tôi luôn quan niệm người ta cũng như mình, không may gặp các tai nạn, họ mới tìm đến lương y chỉ mong chữa khỏi bệnh. Với tôi chữa lành bệnh, mang lại niềm vui cho mọi người chính là hạnh phúc của mình", ông Nghị chia sẻ.
Thuốc để "thần y" cứu chữa cho người bệnh chủ yếu các lá cây trong vườn, cùng với các lá cây ông tìm được trên rừng, những lúc quá nhiều bệnh nhân đến khám, ông lại tìm mua của người dân trong vùng. Điều này cũng góp phần không nhỏ mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng chục hộ dân ở trong xã.
Hằng năm tổng chi phí ông mua nguyên liệu để chế biến thuốc lên đến hàng trăm triệu đồng, tuy vậy khi toa thuốc tới tay người tiêu dùng chỉ có giá dăm ba nghìn trên một thang thuốc mà thôi. Những bệnh nhân đến khám có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người già ông miễn phí thuốc, người ở xa tới ông đều giảm giá.
Trong xã, ông Nghị thường xuyên động viên người nghèo cố gắng lao động để cải thiện cuộc sống. Ông cũng tích cực hỗ trợ cho nhiều gia đình nghèo khó, chính sách bằng chính những khoản tiền dành dụm hằng ngày từ việc bán thuốc. Sinh viên nghèo vượt khó ông cũng có những phần thưởng để động viên những người kế tiếp học hăng say hơn nữa để mang vinh quang về cho xã nhà.
Bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh, bốc thuốc.
Bàn tay thần kỳ
Không khó để tìm được đến nhà vị lương y nổi tiếng này, hàng ngày vẫn có rất nhiều bệnh nhân từ khắp nơi đổ về xã Nga Lộc để được "thần y" cứu chữa, nên người ta chỉ việc đi theo nhau là sẽ tới nơi. Trên khoảng sân rộng rãi trước nhà ông có hàng chục bệnh nhân đang ngồi la liệt chờ đến lượt được khám, hàng chục loại thảo dược được bày ra phơi làm thuốc. Ngồi lẫn trong đám người làm đang hì hục cắt lá thuốc, lương y Nguyễn Hữu Nghị tay quẹt vội những giọt mồ hôi rồi lại chăm chút phân chia các loại thuốc cho một bệnh nhân bị gãy đùi phải.
Khi mọi người đang chăm chú nhìn lương y bốc thuốc thì bỗng có tiếng la to từ ngoài ngõ. Đứa bé là trạc chừng trên 10 tuổi được một phụ nữ hớt hải bế vào với cánh tay trái sưng vù, cong queo. Ông Nghị nhanh chóng hỏi thăm rồi cẩn thận sờ cánh tay cháu bé, nắn mạnh một lúc.
Sau khi nghe thấy một tiếng kêu thì cháu bé đã trở lại bình thường, không còn thấy đau nhói nữa. Chờ khoảng vài chục phút, "thần y" đưa cho mẹ cậu bé mấy thang thuốc rồi dặn dò: "Chị đừng cho cháu vận động nhiều, về sắc thuốc này uống đều đặn, nội trong một tuần là sẽ khỏi".
Anh Hùng ở xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) sau một lần đi chơi về do trời tối, không nhìn rõ đường nên đâm phải cột mốc. Vụ tai nạn nặng tới mức làm anh gãy xương ở 3 vị trí: Chân, sườn và tay, xương có nơi bị vỡ vụn. Mặc dù gia đình đã đưa ra Hà Nội để đóng đinh, sắp lại xương vụn nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp tục chữa trị nên phải trở về. Lúc bấy giờ, anh Hùng đã nằm liệt tại chỗ, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người thân. Nghe tin "thần y" Nguyễn Hữu Nghị có biệt tài chữa bệnh xương khớp, gia đình đã tìm đến với mong muốn con mình hết cảnh nằm liệt giường.
Điều kỳ diệu đã xảy ra khi chỉ sau 6 tháng uống thuốc lá của ông Nghị, anh Hùng đã đứng dậy bắt đầu có bước đi tập tễnh đầu tiên. Hiện nay, anh Hùng đã đi làm bình thường, thỉnh thoảng anh còn ghé qua sân bóng xã tham gia thi đấu thể thao.
Anh Hùng chia sẻ: "May mắn cho tôi là đã gặp được "thần y" Nguyễn Hữu Nghị, nếu không đành chịu cảnh tàn tật suốt đời rồi. Chi phí để cho tôi nằm viện gia đình không thể gánh nổi, thế nhưng khi uống vài chục thang thuốc giá rẻ lại có hiệu quả diệu kỳ. Giờ tôi đi lại và lao động bình thường rồi, thật lòng tôi mang ơn "thần y" suốt đời".
Hơn ai hết, ông Nguyễn Văn Hồng là một thương binh ở cùng xã là người hiểu rõ nhất về cái tài của người đồng đội cũ. Bị chấn thương khi chiến đấu tại chiến trường miền Nam, mấy chục năm trời ông Hồng phải đồng hành cùng chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt nhờ vào đôi bàn tay của người vợ. Bằng các phương pháp chữa trị đơn giản cùng với việc dùng các lá cây có sẵn trong vườn sắc cho uống, chỉ sau thời gian ngắn "thần y" Nghị đã chữa trị giúp ông Hồng bỏ hẳn xe lăn, mọi công việc đồng áng như gặt hái, cày bừa đều làm rất tốt.
Truyền nghề cho hậu thế
Năm nay lương y Nguyễn Hữu Nghị đã bước sang tuổi 67 và ông đã bắt đầu nghĩ tới việc truyền lại nghề cho con cháu. Trong gia đình có tới 7 người con, 3 nam và 4 nữ. Người con trai cả là anh Nguyễn Sỹ Luận (SN 1974) được ông chọn là người sẽ kế cận nghiệp bốc thuốc cứu người. Dù còn non trong công việc nắn xương và bốc thuốc nhưng các động tác anh Luận làm đều thoăn thoắt và mềm mại không kém cha mình là mấy.
"Lâu nay nhiều người biết đến tài chữa bệnh của cha tui, họ tự bốc thuốc rồi rao bán là thuốc của ông Nghị. Điều này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng xấu đến tiếng tăm gia đình nên tôi phải theo học lớp y học cổ truyền, tiếp tục giữ gìn thương hiệu thuốc gia truyền để người dân không bị tiền mất tật mang", anh Luận tâm sự.
Với những đóng góp không nhỏ của mình trong việc bốc thuốc cứu chữa người bị thương, năm 2000 ông đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3; Huân chương vì sức khỏe nhân dân do bộ Y tế trao tặng; Giấy khen do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao; Cúp vàng thương hiệu truyền thống…
Tất cả các khoản tiền thưởng ông Nghị đều trao lại hết cho qũy vì người nghèo. Hiện nay, mặc dù đã là Thầy thuốc ưu tú, ủy viên Hội y học cổ truyền tỉnh Hà Tĩnh nhưng lương y Nguyễn Hữu Nghị vẫn miệt mài làm việc để cứu chữa những người không may mắc phải bệnh xương khớp.
Hồ Ngọc - Nguyễn Long