Bộ Giao thông Vận tải từng ban hành Thông tư 58 quy định: Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép hạng A4 bằng vật liệu giấy phải đổi sang vật liệu PET trước ngày 31/12/2016; giấy phép lái xe mô tô không thời hạn, giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3 phải xong trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng của thời hạn chuyển đổi này, nếu người có giấy phép lái xe giấy chưa đổi sang vật liệu PET thì phải thi lại lý thuyết để được cấp giấy phép lái xe mới.
Thông tư 58 từng khiến dư luận bức xúc, bị bộ Tư pháp “tuýt còi”. Mới đây, bộ Giao Thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 12 huỷ bỏ quy định bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang vật liệu nhựa PET.
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái luật gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho người dân là câu chuyện không còn mới. Thế nhưng, việc xử lý dường như còn đang bỏ ngỏ. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải xung quanh vấn đề này.
PV: Mới đây, bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 12 huỷ bỏ quy định tại Thông tư 58 kể trên. Ông có bình luận gì về trách nhiệm của bộ Giao thông Vận tải khi ban hành văn bản sai luật?
Ông Phạm Thế Minh: Trước hết, tôi muốn nói về việc đổi giấy phép lại xe. Nếu là lý do chuyển vùng hay cần trình độ cao hơn thì không vấn đề gì. Thông thường ở các nước, trong một quốc gia, bằng lái xe có thể đi đâu cũng được. Lái xe cũng là một nghề, không phải cứ lâu lâu lại đổi bằng một lần.
Về việc ban hành thông tư sai quy định pháp luật, tôi nghĩ có thể do trình độ của người tham mưu. Cần phải hiểu rằng, chất liệu nào không quan trọng. Không phải bằng nhựa là oai hơn bằng giấy.
PV: Vậy theo ông, bộ Giao thông Vận tải cần có động thái xin lỗi người dân và xử lý nghiêm với người tham mưu cũng như ký văn bản sai?
Ông Phạm Thế Minh: Thông tư mới đúng luật đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, với Thông tư trước đây đã từng khiến người dân thắc mắc cần làm rõ ai là người tham mưu sai. Không những thế, cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao sai. Nếu do vô tình, có thể nhắc nhở, cảnh cáo. Nếu có chuyện “chung chi” giữa người tham mưu, ký duyệt văn bản với đội ngũ chuyển đổi bằng sang vật liệu PET để hưởng lợi, phải xử lý thật nặng.
Hơn nữa, nếu có thể khảo sát và thống kê mức độ thiệt hại của người dân, của cơ quan Nhà nước do ban hành Thông tư sai gây ra thì rất tốt. Căn cứ vào mức độ gây thiệt hại lớn như thế nào để xử lý tương xứng. Mức độ đến đâu, xử lý đến đấy. Như vậy cũng là biện pháp để nhắc nhở cho đội ngũ sau này làm việc một cách trách nhiệm hơn.
PV: Được biết, sau khi ban hành Thông tư 12 thay thế Thông tư 58 như đã nói ở trên, bộ Giao thông vận tải chưa có động thái gì về sai sót trước đó. Vậy theo ông, để văn bản không ra đời theo kiểu “trên mây, trên gió”, cần biện pháp gì?
Ông Phạm Thế Minh: Ban hành văn bản không hợp, sai luật, nếu phải xin lỗi thì ở nước ta sợ rằng không kịp xin lỗi. Không chỉ bộ GTVT mà ở các bộ khác cũng có những quy định tréo ngoe. Chỉ cần soi ở đâu là thấy lỗi ở đấy. Dư luận sẽ thắc mắc lỗi sai do chế tài hay do con người? Theo tôi, nếu còn đội ngũ công chức tuyển dụng kiểu ồ ạt, đưa con cháu vào với trình độ yếu, sẽ còn tình trạng này.
Do vậy, cần tinh giản bộ máy. Trình độ cán bộ cần phải được nâng cao hơn. Phải thay ngay những người đủ trình độ, nhất là với những công việc soạn thảo văn bản như thế này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu