Xuất hiện nhiều điểm ùn tắc cục bộ
Theo điều chỉnh mới của UBND TP.Hà Nội, từ ngày 13/2 học sinh các trường THPT, THCN sẽ được về sớm hơn một tiếng so với thời điểm trước đó. Theo đó, học sinh ở hai khối học này sẽ bắt đầu vào học lúc 7h và tan học lúc 18h. Với khối học sinh mầm non, tiểu học, THCS cha mẹ có thể đón con trước 17h30' nhằm tránh gây ùn tắc cục bộ trên một số tuyến phố có các trường gần nhau, đồng thời giãn thời gian giao ca giữa hai ca học sáng và chiều. Quyết định này hi vọng sẽ chấm dứt chuỗi ngày "nháo nhác" của học sinh vì khung giờ học "lệch pha".
Việc điều chỉnh giờ học lần hai này được nhiều người dân TP. hưởng ứng so với quyết định lần trước, nhiều người cũng kỳ vọng lần này sẽ góp phần giải quyết được nạn ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Theo ghi nhận của PV, sau hai ngày thực hiện việc điều chỉnh giờ tan học từ 19h xuống 18h, thì tình trạng tắc đường trong giờ cao điểm đã có những chuyển biến khá tích cực. Nhiều "điểm đen" của tắc đường trước đây như ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng, đảo giao thông Cầu Giấy, ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến... đã không còn tắc như trước. Giao thông trong giờ cao điểm tại những điểm chốt này thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, tắc thì có giảm nhưng lại xuất hiện ùn ứ cục bộ tại một số địa điểm mà trước đó lại khá thông thoáng. Trước đây giao thông tại ngã ba Chùa Hà - Cầu Giấy khá thông thoáng, nhưng sau khi có quyết định đổi giờ học, ở đây lại là một trong những "điểm đen" của việc ùn ứ, tắc cục bộ.
Tại phố Tôn Đức Thắng vào lúc 18h, học sinh trường THPT Đống Đa tan học. Tất cả ùa ra đường Tôn Đức Thắng, dòng người vốn đã bị ách tắc, lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Phía ngõ Thổ Quan - đường dẫn vào trường Đống Đa cũng bị ùn ứ cục bộ do lượng học sinh đổ ra xung đột với luồng giao thông đi vào. Cũng tại thời điểm đó, tại cổng trường THPT Việt Đức cũng xảy ra tình trạng ùn ứ khá nghiêm trọng kéo dài từ 18h đến hơn 19h mới kết thúc.
Cảnh tắc đường trên phố Tôn Đức Thắng khi học sinh trường THPT Đống Đa tan học
Trao đổi nhanh với PV, một phụ huynh đang chờ đón con trước cổng trường Đống Đa bức xúc cho biết: "Rõ ràng nguyên nhân tắc đường đâu chỉ có học sinh, sinh viên, vậy tại sao những bất cập của vấn đề này lại đổ lên đầu các em? Việc thay đổi giờ học như vừa qua đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình chúng tôi, sức khỏe của con tôi cũng bị giảm sút nghiêm trọng".
Vị phụ huynh này cũng khẳng định dù đã điều chỉnh giờ học nhưng tình trạng ùn ứ cục bộ vẫn diễn ra tại nhiều ngả đường của TP..
Là người có thâm niên hơn 20 năm công tác trong ngành CSGT, hiểu rõ những quy luật tắc đường của Thủ đô, thượng tá Lê Đức Đoàn (đội CSGT số 1 công an Hà Nội) đã thẳng thắn cho biết, trong ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ tan học xuống 18h, tình trạng ách tắc trên tuyến đường anh phụ trách đã có giảm đi khá nhiều so với trước đó. Tuy nhiên, thượng tá Đoàn cũng nói thêm, cần phải kiểm nghiệm thực tế một thời gian nữa thì mới khẳng định được sự hiệu quả hay không của quyết định mới này.
Vẫn còn phải điều chỉnh?
Cũng như lần điều chỉnh trước, quyết định lần này của UBND TP.Hà Nội gặp phải nhiều phản ứng trái chiều của dư luận Thủ đô cũng như của các chuyên gia giao thông.
Đối với học sinh, đối tượng chính trong quyết định thay đổi lần này cũng có nhiều phản ứng khác nhau, đa phần các em vẫn muốn quay lại với lịch học trước đây, nghĩa là tan học lúc 17h.
Theo GS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh thì 18h chưa phải thời gian phù hợp để giảm thiểu ùn tắc giao thông, vì ai cũng biết đây là khung giờ cao điểm của Hà Nội. Do đó, khối THPT tan vào giờ này sẽ góp một lượng người lớn tham gia giao thông, đã ùn lại càng ùn thêm. Vị GS. này cũng nghi ngờ tính khả thi của quyết định chuyển đổi giờ học lần này.
Trao đổi với PV, một giáo viên đang công tác tại trường THDL Lương Thế Vinh tỏ ra băn khoăn: "Tôi thấy sự điều chỉnh lần này cũng không nhận được sự hưởng ứng của người trong cuộc. Bản thân gia đình chúng tôi và các đồng nghiệp khác vẫn bị đảo lộn, tôi vẫn muốn quay lại lịch học cũ mà từ trước đến giờ vẫn áp dụng", vị giáo viên nọ cho hay.
Theo ông Đỗ Doãn Hải - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: "Khung giờ tan học buổi chiều của khối THPT bắt buộc sau 18h là chưa phù hợp, vì sau 17h30' không phải là thời điểm tốt để học sinh tiếp thu bài học. Mặt khác, tan học vào mùa hè thì không vấn đề gì, nhưng mùa đông đến 18h thì trời đã khá muộn và rất tối, các trường muốn học thì phải bật đèn, việc này vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến sự tiếp thu của các em vào những tiết cuối".
Trái với ý kiến của ông Hải, thầy Phạm Ký Tùng - Phó hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa cho biết, điều chỉnh giờ học lần này hợp lý hơn lần trước. Dù thời gian điều chỉnh không nhiều, chỉ tầm 45' nhưng các em vẫn cần một thời gian nhất định để thích nghi cả trong giờ giấc ở trường cũng như ở nhà. "Nếu việc thay đổi giờ học như hiện nay mà giảm được ùn tắc giao thông thì chúng tôi rất hưởng ứng, nhưng nếu vẫn xảy ra ùn tắc như trước thì TP. cần xem xét lại" - thầy Tùng chia sẻ.
Bằng kinh nghiệm làm việc lâu năm, thượng tá Toàn cho biết: "Đối tượng gây ách tắc giao thông nhiều nhất không phải là học sinh mà chính là lực lượng lao động tự do và xe con mới là nguyên nhân chủ yếu. Mặt khác, bất cập trong việc phân tuyến, lộ trình xe buýt cũng là nguyên nhân gây ra tắc đường. Việc điều chỉnh giờ học lần này vẫn còn những bất cập và cần có thời gian để kiểm nghiệm tính khả thi của nó".
Trong lúc chờ mẹ tới đón, em Thảo Nguyên, học sinh lớp 10 trường THDL Lương Thế Vinh cho biết, hai hôm nay em thấy khá thoải mái vì không phải về nhà muộn như mấy hôm trước. "Tuần trước, bọn em phải học đến tận 7h tối mới về nên rất mệt mỏi và đói nữa. Lớp em có nhiều bạn ở xa mà lại tự đi xe đạp nên rất vất vả. Nếu được lựa chọn thì em vẫn thích quay lại lịch học cũ trước đây, cho bọn em tan học lúc 17h là hợp lý nhất", Thảo Nguyên chia sẻ.
"Dù đã điều chỉnh giờ tan lớp sớm hơn một tiếng, nhưng sinh hoạt của em vẫn bị lệch so với gia đình. Sau 17h30' em thấy khá mệt mỏi và rất khó tiếp thu hơn, em vẫn muốn học lịch cũ, khoảng hơn 17h là được về rồi", em Hoàng Anh, học sinh trường Lương Thế Vinh chia sẻ.
Quốc Triều - Phương Vũ