“Số hóa” để đơn giản thủ tục hành chính
Theo ghi nhận của PV, quyết định xoay quanh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân của Chính phủ được nhiều người dân tán thành, ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn về vấn đề hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân cần được hiểu rõ hơn.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân...
Việc triển khai thực hiện phương án này, bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 30/10/2017.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 bộ Công an) cho biết: “Hiện nay công tác đăng ký quản lý cư trú đang được xác định là một trong những biện pháp quản lý Nhà nước hết sức quan trọng. Việc đó vừa đảm bảo phục vụ Nhà nước phát triển chính sách quản lý kinh tế, xã hội, đồng thời đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, phòng chống tội phạm...
Tuy nhiên, công tác quản lý cư trú đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công, quản lý trên sổ sách giấy tờ là chính. Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi cư trú của công dân. Do quản lý thủ công nên giữa các ngành, các cấp chưa có sự kết nối với nhau. Việc giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước với công dân vẫn đang chủ yếu dựa vào chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu.
Dự kiến, đến năm 2020, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đưa vào sử dụng”.
Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết thêm: “Hiện tại, bộ Công an đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Dự kiến, vào giữa tháng 11 này, bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc.
Sau đó, sẽ chỉ đạo các địa phương tổ chức hội nghị và bộ Công an sẽ tiến hành tập huấn nghiệp vụ thu thập thông tin cho cán bộ, đặc biệt lực lượng công an cơ sở thu thập thông tin.
Bộ Công an đã tính toán đến các phương án để triển khai và cũng đã tổ chức khảo sát đối với các vùng miền để đánh giá toàn bộ cơ sở hạ tầng, chất lượng dữ liệu thông tin cũng như trình độ cán bộ, trình độ dân trí...
Trên cơ sở đó sẽ đưa ra phương pháp tổ chức triển khai cho phù hợp với từng địa bàn”.
Liên quan đến một số băn khoăn của người dân khi cho rằng các tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm... khi được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư thì liệu có đảm bảo thông tin riêng tư của cá nhân, Thượng tá Phú giải thích: Bộ Công an sẽ căn cứ chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị, tổ chức để thống nhất quy định mỗi nơi chỉ được khai thác bao nhiêu trường thông tin để phục vụ cho chức năng nhiệm vụ đó, không phải cơ quan nào muốn khai thác thông tin cũng được.
PV báo Người Đưa Tin cũng đã liên hệ với công an một số tỉnh và công an phường trên địa bàn Hà Nội, được biết, hiện các địa phương vẫn đang chờ bộ Công an hướng dẫn cụ thể để triển khai.
Chuyển đổi hình thức quản lý dân cư
Ngày 7/11, bộ Công an tổ chức họp báo về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Theo thông tin từ bộ Công an cho thấy, thực chất của vấn đề là bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển thông tin dữ liệu công dân sang số hóa để đơn giản thủ tục giấy tờ cho công dân, tránh gây phiền nhiễu.
Trong buổi họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, các nước trên thế giới không nước nào bỏ sổ hộ khẩu cả, chẳng qua là quản lý bằng công nghệ thông tin. Ở đây là thay đổi quản lý. Người dân sau này chỉ khai một lần đầu, từ đó về sau cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật thông tin. Không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu.
Trung tướng Vệ cũng thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tổng hợp các dữ liệu về dân cư Việt Nam.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí vai trò hết sức quan trọng: Thông qua việc tổ chức thu thập thông tin sẽ tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, đảm bảo an sinh xã hội, là căn cứ quan trọng để cơ quan Nhà nước nghiên cứu, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, đi lại cho người dân.
Thông tin sẽ được thu thập, cập nhật thường xuyên góp phần quản lý chặt, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Bên cạnh đó, nó còn được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin nhằm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử, theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.
Chí Công (thực hiện)