Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn luật sư TP.Hà Nội đã có những góc nhìn về vụ việc VTVcab đột ngột “tráo kênh” đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo ông Ứng, trước hết cần xem lại quy định ở Khoản 5.5, Điều 5 hợp đồng cung cấp dịch vụ VTVcab giữa tổng công ty truyền hình Cáp Việt Nam với khách hàng.
Cụ thể: Bên B (VTVcab- PV) được quyền thay đổi số lượng kênh và kênh trong mỗi gói kênh theo từng thời điểm phát sóng trong các trường hợp sau: Chương trình có phương hại đến an ninh, chính trị quốc gia; chương trình vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam; theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam; các trường hợp bất khả kháng như thảm họa thiên nhiên (động đất, lũ lụt, hỏa hoạn,…), chiến tranh, mất điện lưới, cháy biến áp, đứt cáp quang, mất tín hiệu do tín hiệu vệ tinh đột ngột gián đoạn, thay đổi chính sách theo pháp luật của Nhà nước).
Ngoài ra, việc thay đổi được bên B thực hiện sau khi đã đăng tải tại trang điện tử của VTVcab và thông báo tới bên A (khách hàng) dưới một trong các hình thức như nhắn tin trực tiếp tới số điện thoại di động của bên A hoặc gửi thông báo bằng thư đảm bảo, thư điện tử theo địa chỉ đã đăng ký.
“Cho tới nay, chưa có điều gì có thể cho thấy các kênh nằm trong diện bị cắt vừa qua có phương hại đến an ninh, chính trị Quốc gia cũng như vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Cũng không có thông tin nào cho thấy, việc cắt kênh này là theo yêu cầu của cơ quan chức năng, nó cũng không nằm trong các trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, không có lý do gì mà nhà cung cấp dịch vụ có thể bao biện cho việc tự ý thay đổi kênh một cách đơn phương. Điều này trước hết thể hiện sự không tôn trọng khách hàng chứ chưa nói đến vấn đề có vi phạm hợp đồng hay không”, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết.
Cũng theo phân tích của luật sư Ứng, bởi đây là hợp đồng dân sự, được thiết lập trên sự thỏa thuận, thống nhất và tôn trọng giữa các bên với nhau nên bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều phải có ý kiến của bên A (khách hàng) lẫn bên B.
"Ở đây, VTVcab đã tự ý rút bỏ những kênh truyền hình ăn khách để thay thế bởi những kênh khác. Việc thay đổi kênh, cho dù có là một phương án tốt hơn mà không hỏi ý kiến, không được sự đồng ý của khách hàng cũng là hành vi vi phạm hợp đồng”, luật sư Ứng khẳng định.
Không những thế, việc VTVcab không có biện pháp trực tiếp thông báo sự thay đổi với người dùng bằng tin nhắn điện thoại, thư điện tử, thư trực tiếp mà chỉ bao biện bằng cách “chạy chân trang” hoặc các thông báo trên mạng thiếu tính phổ biến cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp của đơn vị này.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, những khách hàng phải chịu tác động từ sự thay đổi kể trên của VTVcab có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng như khởi kiện ra tòa, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ khôi phục lại tình trạng kênh hoặc đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, trước khi phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là khởi kiện, các bên có thể ngồi lại với nhau để đưa ra một phương án hợp lý nhất.
Theo tìm hiểu của PV, từ ngày 1/4, có tổng cộng 22 kênh truyền hình nước ngoài ăn khách đang được phát sóng trên VTVcab và NextTV (của Viettel) đồng thời bị hạ xuống như HBO, MAX, RED, AXN, WarnerTV, Discovery, Animal Planet, Discovery Asia, Fox Sports, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News,… Đây là nhóm kênh nước ngoài do Qnet phân phối cho hầu hết các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Đồng thời với việc hạ kênh “hot”, VTVcab và NextTV lại thay thế bằng hàng loạt kênh mới như FashiON, KIX, Blue Ant Extreme, Baby TV, Cartoon Kids,…
Việc thay đổi này khiến cộng đồng sử dụng VTVcab tại Việt Nam không khỏi bức xúc. Theo đa phần ý kiến, đây là những kênh truyền hình khá ăn khách trên thế giới, việc VTVcab đột ngột cắt “khẩu phần” hấp dẫn này đã khiến cho sự hấp dẫn của kênh giảm đi khá lớn.
Cũng trong thời gian một hai ngày gần đây, làn sóng tẩy chay VTVcab cũng như kêu gọi người dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác cũng thu hút sự chú ý của người dân.