Apple, Facebook và Google đang phải đối mặt với những thử thách pháp lý mới nhất nhằm kiềm chế quyền lực, sức ảnh hưởng trên thị trường của các công ty này. Liệu một loạt các cuộc điều tra, yêu cầu và dự luật được đề xuất ở Mỹ, châu Âu và nhiều thị trường khác có làm giới Big Tech Mỹ phải nhượng bộ, hoặc thậm chí bị chia tách?
Apple vừa bị kiện chống độc quyền tại Ấn Độ bởi một tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến tỉ lệ phí hoa hồng mà hãng này áp dụng đối với các khoản thanh toán trong ứng dụng từ App Store. Theo đơn kiện này, Apple đã lạm dụng vị trí độc quyền của mình, khiến cho nhiều nhà phát triển ứng dụng không thể bước chân vào thị trường và có thể dẫn đến tổn hại cho người dùng.
Trước đó, giới lập pháp Hàn Quốc cũng đã thông qua dự luật cấm Apple và các công ty điều hành chợ ứng dụng độc quyền hệ thống thanh toán trong ứng dụng. Apple cũng đã có động thái nhượng bộ với vấn đề tương tự khi hạ tỉ lệ phí hoa hồng từ 30% xuống 15% cho các nhà phát triển ứng dụng có doanh thu dưới 1 triệu USD/1 năm và nới lỏng một số hạn chế về giao tiếp giữa bên phát triển ứng dụng và người dùng.
Google lại đang phải đối mặt với nhiều đơn kiện từ giới lập pháp và tư pháp Mỹ. Đơn kiện mới nhất được nộp lên tòa án Quận Bắc California tháng 7/2021 của 36 tiểu bang và Washington cáo buộc Google đã vi phạm luật khi duy trì vị thế độc quyền phân phối ứng dụng Android, hệ thống thanh toán trong ứng dụng và có hành vi lừa dối khách hàng. Vụ kiện này đã đặt thêm một thử thách pháp lý nữa đối với "gã khổng lồ" công nghệ bên cạnh hai đơn kiện từ bộ Tư pháp Mỹ và nhiều tiểu bang vào cuối năm ngoái liên quan đến thị trường công cụ tìm kiếm và một đơn kiện liên quan đến thị trường quảng cáo online.
Mới đây nhất, vào ngày 2/9 vừa qua, bộ Tư pháp Mỹ thông báo sẽ tăng tốc cuộc điều tra liên quan đến hoạt động quảng cáo của Google và chuẩn bị đâm một đơn kiện nữa.
Facebook cũng không đứng ngoài "cơn bão" pháp lý dồn dập này. Cuối năm 2020, mạng xã hội này đã bị ủy ban Thương mại Liên bang và 48 tiểu bang/vùng lãnh thổ kiện do hành vi độc quyền và áp chế đối thủ cạnh tranh, cụ thể trong thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp.
Facebook giành được nửa chiến thắng khi tòa án Quận Columbia hủy vụ kiện của các tiểu bang và đơn kiện của FTC, nhưng vào ngày 19/8 vừa qua FTC đã nộp lại đơn kiện có sửa đổi, hứa hẹn một cuộc đấu pháp lý dài hơi với Facebook.
Không chỉ có vậy, ở phía bên kia Đại Tây Dương, Facebook cũng đang bị điều tra bởi ủy ban châu Âu và cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh về cách Facebook sử dụng dịch vụ Marketplace và Dating nhằm có lợi thế trên thị trường mạng xã hội.
Bên ngoài những vụ kiện tụng liên miên, giới Big Tech Mỹ cũng cần dè chừng một số dự luật mới đang được bàn thảo và ủng hộ bởi các nhà lập pháp từ cả hai chính đảng tại Mỹ.
Vào tháng Sáu vừa qua, ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói gồm 6 dự luật được soạn thảo nhằm kiểm soát quyền lực khổng lồ của nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) trên thị trường.
6 dự luật này, với số hiệu H.R. 3816, 3825, 3826, 3843, 3849 và 3860, bao gồm các nội dung cấm hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát các thương vụ mua bán và sáp nhập mang tính độc quyền và phản cạnh tranh, cho phép chia tách các mảng hoạt động khác nhau của một tập đoàn, cho phép người dùng thêm quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân khi chuyển đổi dịch vụ, cấp thêm ngân sách cho cơ quan thực thi luật chống độc quyền, và cấm các công ty chuyển vụ kiện sang tòa án có lợi hơn.
Phong trào thúc đẩy pháp luật chống độc quyền với các công ty công nghệ cũng được ủng hộ bởi nhiều cá nhân, tổ chức phi lợi nhuận và nhóm hoạt động chính trị ủng hộ.
Ngày 2/9 vừa qua, tổ chức Public Citizen cùng hàng chục nhóm hoạt động phi lợi nhuận đã kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua gói dự luật kìm hãm quyền lực của Big Tech. Trong phát biểu của mình, nhóm các tổ chức đã nói rằng nước Mỹ đang có vấn đề nghiêm trọng với vị thế độc quyền và tập trung tài sản của nhiều tập đoàn lớn, và khi nào điều này còn tồn tại nền dân chủ và điều kiện kinh tế của người Mỹ sẽ còn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.
Với số lượng và quy mô của những thách thức pháp lý đối với các tập đoàn trong nhóm GAFA, một số người kỳ vọng rằng sức ảnh hưởng của các tập đoàn này lên xã hội và nền kinh tế Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới có thể bị kìm hãm phần nào. Tuy nhiên, cuộc đấu giữa các nhà lập pháp, giới hoạt động chính trị và các tập đoàn công nghệ sẽ còn kéo dài chưa hồi kết. Ngay cả những dự luật hứa hẹn sẽ trở nên rất khác biệt khi được thông qua do vận động hành lang và tranh chấp giữa các đảng phái, dẫn đến việc những kỳ vọng này khó trở thành hiện thực.