Ký ức hào hùng
Bằng giọng ngọt ngào xứ Quảng, ông Lê Đình Phương (SN 1928, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) kể, ông là con út trong gia đình có 6 chị em. Hoàn cảnh khó khăn, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã phải ra đồng cắt cỏ, chăn trâu và thấu hiểu cái đói, sự nghèo. Năm 1945, Hòa Vang trở thành trận địa lớn của thực dân Pháp. Chứng kiến nhiều đồng hương vô tội đổ máu, người sống lại bị kìm kẹp, bức ép, ông tự nhủ không thể chấp nhận sự đàn áp ấy.
Qua tìm hiểu, ông được biết, có một đội tự vệ bí mật đang hoạt động tại địa phương. Không ngần ngại, thanh niên tuổi 17 ngỏ ý với cha mẹ xin được dấn thân để bảo vệ hòa bình đất nước. Ngày đầu tiên đến với cách mạng, chân tay vẫn còn vụng về, trái tim giật thót khi nghe tiếng máy bay vi vu trên đầu hay tiếng xì xào của địch. Thế nhưng, được sự động viên của đồng đội, ông nhanh chóng vượt qua sợ hãi.
Ông bảo, lúc đó, vũ khí chưa có, lực lượng mỏng, không có kinh nghiệm chiến đấu nên khó lại thêm khó. Trong khi đó, Thực dân Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, đạn dược đầy đủ. Phe ta không thể chống chọi thẳng mặt. Thay vào đó, ta đánh bằng phương thức bí mật, tập kích bất ngờ. Cứ thế, những chiến thắng thầm lặng đều đều diễn ra khiến địch lo lắng. Thay vào đó, tâm thế quân ta ngày càng phấn khởi. Chính ông cũng gieo niềm tin vào một chiến thắng trong tương lai.
Có lúc, nhiều tháng liền ăn dầm nằm dề trên núi, lương thực thiếu, phải hái trái rừng, đào củ, ăn lõi cây, uống nước suối… lấp tạm bao tử. Trang phục mục nát, rách chỗ nào vá chỗ ấy. Chiếc quần cứ dày thêm theo năm tháng. Thế nhưng, chưa một lần, ông và đồng đội nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Họ luôn động viên nhau: “Đói mấy cũng được, rách mấy cũng chịu nhưng phải đánh tới cùng”.
Cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi. Chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui, ông lại vào tập kết tại Quy Nhơn tham gia diệt Mỹ. Sự hào hứng của chiến thắng càng hun đúc ý chí, gieo tin tưởng ở người lính trẻ. Ông không ngần ngại cùng đồng đội xông pha vào chiến địa. Bom rơi, đạn lạc vào ông khá nhiều. Đến nỗi, ông không còn nhớ mình bị thương bao nhiêu lần, nhưng những vết sẹo vẫn chằng chịt trên cơ thể. Mỗi khi trái gió trở trời, cơn đau lại kéo về.
Điều khiến ông nhớ nhất là những đồng đội phải chịu đói, chịu khát chống chọi với sốt rét. Anh em vào sinh ra tử tóc rụng dần vì cơn bệnh quái ác. Và, không ít đồng chí đã phải bỏ mạng trên chiến trận giữa đạn bom khốc liệt. Ông bảo, dẫu biết chiến tranh là phải chịu đựng đau thương, mất mát, hàng trăm lần chứng kiến đồng đội ngã xuống, nhưng mỗi khi bắt gặp cảnh ấy vẫn không kìm được nước mắt.
Hòa bình lập lại, ông trở về quê. Khi ấy, vợ ông là bà Đặng Thị Tình (SN 1929) đang bán hàng ở chợ. Bà chạy đến, ôm ông rấm rứt khóc. Cả nhà mừng mừng tủi tủi siết chặt tay nhau. Đoàn viên chỉ tròn ba hôm, ông trở lại đơn vị rồi sang tham gia chiến trường Campuchia. Bốn năm sau, ông về lành lặn. Đến nay, ông đã về hưu với hàm Đại tá quân đội.
Ngồi nhẩm tính, từng cống hiến cho đất nước ở nhiều nhiệm vụ khác nhau từ bộ Văn hóa qua bộ Công an, từ bộ Thủy lợi đến Bộ Tư lệnh Phòng không rồi dừng chân ở cục Bảo vệ An ninh Quân đội. Ông bảo: “Trải qua 3 cuộc chiến tranh, bao nhiêu người ngã xuống, còn tôi trở về là một may mắn. Đến nay, thấy đất nước thay da đổi thịt, ngày càng đổi mới lại mừng vô kể”.
Những mùa ngóng đợi
Ông nhớ lại, qua người thân giới thiệu, ông đã sớm kết hôn với cô gái cùng quê đẹp người, đẹp nết. Đám cưới chỉ là vài ba mâm cơm nhỏ trước sự chứng kiến của 2 họ. Động phòng hoa chúc chưa được một tuần, ông lên đường rồi biền biệt. Suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, diệt Mỹ, vợ chồng chỉ gặp nhau đếm trên đầu ngón tay. Lần nào về thăm nhà cũng chỉ một hai ngày, 1 tuần, lâu nhất là 1 tháng “nhân dịp bị sốt rét nặng”.
Điều ông thấy tiếc nuối là trong giây phút thiêng liêng 3 đứa con lần lượt ra đời, ông đều không có mặt. Ông chỉ tạt ngang, ẵm bồng con trong giây lát khi nhận được tin vui. Rồi, ông xuôi Nam, ngược Bắc theo cuộc chiến không kể tháng ngày. Ông nắm tay vợ cười: “Tôi biết ơn bà ấy nhiều lắm! Bà là hậu phương vững chắc, làm động lực để tôi vững tin chiến đấu. Cả 3 đứa con, một mình bà chăm sóc, nuôi lớn”.
Xa cách bởi chiến tranh, sợi dây kết nối ông với gia đình là những lá thư đến muộn. Lá vui cho biết con đã biết lật, biết đi, biết nói… Lá thông báo cha mẹ ở nhà vẫn khỏe. Lá cho hay, đứa con thứ hai là Lê Đình Chiến (SN 1952) đã theo cha vào Nam tham gia chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc khi vừa tròn 16 tuổi… “Có những lá thư, từ ngày gửi đến ngày nhận cách nhau gần 1 năm. Có lá, tôi cầm trên tay thì đã rách bươm. Nhưng, cầm những tin vui của gia đình là lại đọc đi, đọc lại không biết chán. Đọc nhiều đến mức thuộc từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Đó là những kỷ vật đẹp, tôi vẫn còn giữ lại và xem là của quý đến bây giờ”, ông kể.
Tuy nhiên, cũng không ít lá thư thông báo nỗi đau khiến trái tim người lính quặn thắt. Trong đó, 2 lá khiến ông xót xa nhất, báo tin các con qua đời. Đó là đứa con trai đầu mất chỉ sau vài tháng do bệnh tật. Lá thông báo, anh Chiến đã tử trận trong lúc chiến đấu cách đó mấy tháng. Khi nhận được tin buồn, ông ngồi vật vã, nước mắt cứ trào ra. Nhiều đêm liền thao thức không ngủ được. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con da diết hơn bao giờ hết. Kỷ niệm về đứa con đầu chỉ là lần tạt ngang nhà bồng bế khi mới sinh hơn một tuần. Còn về anh Chiến chỉ là lần ghé thăm trước khi vào tập kết ở Quy Nhơn. Anh lẽo đẽo theo mẹ, đưa cánh tay nhỏ nhắn vẫy vẫy tạm biệt cha.
“Là người cha, chỉ được gặp mặt con một lần rồi nhận được tin đã chết thì ai chẳng đau lòng. Nhưng, chỉ những người rơi vào hoàn cảnh ấy mới thấm, mới thấu hiểu hết. Tuy nhiên, khi ngẫm lại, tôi cảm thấy tự hào, vì con còn trẻ đã dũng cảm nằm xuống vì quê hương, đất nước”, ông chia sẻ.
Riêng cô gái út, ông gặp lần đầu khi đã tròn 20 tuổi. Chiến tranh kết thúc, ông cứ ngỡ đã tạm biệt đau thương. Thế nhưng, vào năm 2009, con gái bất ngờ qua đời. Cú sốc quá lớn khiến ông ngã bệnh nặng, nhiều tháng liền không ngồi dậy nổi. Lúc ấy, người thân cứ ngỡ ông không qua khỏi. Nhưng, nhờ sự động viên của vợ, các cháu cùng tinh thần người lính, ông vực dậy một cách phi thường.
Ngồi bên cạnh, bà Tình vờ giận hờn: “Ông ấy chỉ biết chiến trận, có biết gì vợ con đâu? Tôi với chồng như phận tầm gửi”. Bà kể, thời gian đầu mong ngóng chồng lắm! Hôm sinh đứa con đầu, thấy các sản phụ khác có chồng bên cạnh, ngẫm đến mình là lại tủi thân. Nhưng, theo thời gian, bà quen dần việc chồng vắng nhà. Thay vào đó, bà dồn nỗi nhớ chồng vào để chăm sóc con. “Ngày ấy, tôi luôn chuẩn bị tinh thần nếu nhận tin chồng hy sinh. Tôi nghĩ, nếu ông nằm xuống thì cũng là vì quê hương”, bà nói.
Đến nay, chỉ có hai ông bà nương vào nhau sống trong căn nhà nhỏ ở quê. Hằng ngày, ông bà tự nấu ăn, chăm sóc cho nhau. Mỗi khi ông ốm, bà lại nắn bóp tay chân và ngược lại. Đôi bạn già vẫn cười cười, nói nói, kể lại những kỷ niệm cũ. Có lẽ, họ đang sống để bù lại những tháng ngày xa xách. Nhìn họ, tôi cứ ngỡ, chiến tranh chưa bao giờ ghé thăm.
Đại diện phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho biết, gia đình ông Lê Đình Phương là gia đình chính sách, có công với cách mạng. Ông nhận được tổng cộng 8 huy chương, trong đó có huy chương hạng III kháng chiến chống Pháp, huy chương hạng I kháng chiến chống Mỹ, huy chương chiến công ở Campuchia… Riêng vợ ông là bà Đặng Thị Tình cũng nhận huy chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng I. |