Trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Thấm nhuần tinh thần đó, trong suốt những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị Điện Biên từ tỉnh đến cơ sở đạt được những kết quả tích cực.
Đặc biệt, với đặc thù là tỉnh biên giới miền núi, tình hình phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, do vậy công tác dân vận của Điện Biên đã được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt là quan tâm ở những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, được thể hiện qua một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, các cấp ủy đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, cốt cán, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thành lập các tổ dân vận hoạt động tại cơ sở đạt hiệu quả, thiết thực; xây dựng mô hình điển hình như: “Dòng họ bình yên”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ dân vận tại các thôn, bản” tại các huyện Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Điện Biên Đông...
Thứ ba, phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; những ý kiến góp ý phải được rà soát xem xét, làm rõ và thông báo kịp thời để nhân dân biết giám sát. Nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng, đời sống nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận, nhất là những nội dung khó, sức ì lớn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, việc thực hiện các chính sách dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo.
Thứ năm, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy đội ngũ cán bộ làm tham mưu và trực tiếp làm công tác dân vận, lựa chọn bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác để tham mưu cho cấp ủy về công tác vận động quần chúng. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận của hệ thống chính trị đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhờ việc triển khai công tác dân vận đồng bộ, có hiệu quả, với nhiều mô hình, sáng kiến mới, trong những năm qua, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên ngày càng tin tưởng, phấn khởi và đồng thuận thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế xã hội, các cuộc vận động do các cấp chính quyền địa phương phát động.
Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm từ 4-5%/năm, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 6 đến 7%/năm. Chất lượng giáo dục, y tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên; văn hoá truyền thống các dân tộc được giữ vững, đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được phát huy, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới, tỉnh Điện Biên xác định cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ công tác dân vận được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và chính quyền. Cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan trong hệ thống chính trị. Khơi dậy mạnh mẽ ý thức tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh, bền vững.
Mùa A Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên