Hội nghị được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức; từ đó, đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; bà Đỗ Thị Thu Hằng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam và ông Trần Minh Ngọc, Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An đồng chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự. Điều này cho thấy, sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, Giải Báo chí Quốc gia được báo giới nói riêng và xã hội nói chung hưởng ứng, đón nhận hàng năm. Tham dự Giải là các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, hoạt động trong lĩnh vực báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử trong cả nước bằng những tác phẩm xuất sắc nhất sáng tác trong một năm lao động bền bỉ.
Hội đồng Giải, Ban Tổ chức Giải, đặc biệt là Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là cơ quan chủ trì đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chất lượng Giải ngày càng nâng cao. Những tác phẩm được chọn trao giải thực sự đạt chất lượng về chính trị, tư tưởng, có nội dung phong phú, phản ánh trung thực bức tranh đời sống đất nước và có hình thức, kỹ thuật thể hiện sáng tạo, đạt hiệu quả xã hội cao.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giải đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, cơ quan báo chí. Qua đó, phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, theo đúng tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13/8/2004 của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới và Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.
Giải Báo chí Quốc gia thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với người làm báo; ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người được giải nói riêng trong lĩnh vực hoạt động đặc thù. Đồng thời, Giải thưởng có tác dụng động viên, cổ vũ giới báo chí tiếp tục hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, xứng đáng với vai trò, vị thế của báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Nhiều cơ quan báo chí, nhà báo đã tích cực tham gia và có cách làm hay để động viên, khuyến khích các nhà báo của đơn vị mình tham gia giải; tìm tòi, phát hiện đề tài phù hợp để thực hiện các tác phẩm tham dự.
Theo bà Hằng, hai năm gần đây, phần mềm chấm giải online của Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, hỗ trợ đáng kể cho tác giả tham dự cũng như cho công tác của Hội đồng giám khảo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khâu trong công tác tuyển chọn chưa được số hóa. Phần mềm chấm giải vẫn dừng ở mức hỗ trợ thẩm định tác phẩm, chưa hỗ trợ được công tác chấm giải đặc thù của Hội đồng sơ, chung khảo; chưa có cơ chế lưu trữ tư liệu tác phẩm đoạt giải cũng như các văn bản, quy định có liên quan. Thời gian tới, cùng với chiến lược chuyển đổi số, Hội Nhà báo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tiến quy trình và chuyển đổi số Giải Báo chí Quốc gia, góp phần đẩy mạnh vị thế của Giải, xứng tầm là sân chơi nghiệp vụ uy tín nhất của những người làm báo Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắt và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của giải; phạm vi đề tài được khuyến khích và phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Với tinh thần thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến, làm rõ các kết quả nổi bật cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai tham dự Giải Báo chí Quốc gia hàng năm, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giải phù hợp với tình hình thực tế hiện nay cũng như đánh giá việc thực hiện Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao các ý kiến thảo luận, đóng góp vào 2 chủ đề là tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao. Đây là hai nội dung thiết thực, sát sườn với đời sống báo chí hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động báo chí thay đổi nhanh trong những năm gần đây, do đó việc tổng kết, đánh giá có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của tác phẩm tham dự và Giải báo chí Quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh, làm báo trước hết là làm nghề, thể hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho xã hội; đồng thời tham gia Giải báo chí Quốc gia là tham gia sân chơi nghề nghiệp lớn nhất, có uy tín nhất cho những người làm báo trong nền báo chí cách mạng Việt Nam để rèn luyện, thử thách, cập nhật kiến thức, học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà báo, cơ quan báo chí với nhau. Vì vậy, mong muốn các bộ, ngành quan tâm phối hợp; các tổ chức hội, chi hội, liên chi hội và các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm xây dựng, hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao, tác phẩm báo chí tham gia Giải Báo chí Quốc gia.