Đề án nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án là hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật theo hướng, quy định rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền và nội dung tổ chức thi hành pháp luật; quy định cụ thể cách thức, biện pháp theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước và trong từng ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý của các Bộ, ngành và địa phương.
Năm 2018 - 2019, bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Về đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cụ thể, định lượng để xác định được mức độ thực thi pháp luật, cũng như đánh giá được chính xác, toàn diện hiệu quả, tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn.
Từ năm 2018 - 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, hoàn thiện và tổ chức áp dụng thí điểm Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thu thập dữ liệu phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm.
Nhiệm vụ và giải pháp khác là tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Cụ thể, xác lập quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật một cách thống nhất, có hệ thống, rõ ràng, minh bạch. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc ghi nhận, thực thi trách nhiệm Hiến định và luật định của Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan trong việc xử lý theo thẩm quyền các phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, cơ quan Nhà nước tăng cường năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề mới phát sinh, đặc biệt gắn kết với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng quy trình chung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật.