Nhiều rào cản chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp” sáng 15/12, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ rất nhanh và chưa từng có tiền lệ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, Việt Nam cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
“Trong bối cảnh này, đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu. Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, đổi mới sáng tạo về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế - xã hội. Không phải sự thay đổi nào cũng được coi là một đổi mới sáng tạo mà phải thỏa mãn các đặc tính. Thứ nhất là có tính mới, mới so với thế giới, mới so với thị trường, so với doanh nghiệp; Thứ hai là có tính thực tiễn: đưa sản phẩm ra thị trường, hoặc áp dụng quy trình mới trong sản xuất.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Việt Nam đã bắt kịp theo xu hướng, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực, xác định đổi mới sáng tạo, tăng năng suất nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) chỉ rõ: Chuyển đổi số là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai. Chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Theo bà Thuỷ, chuyển đổi số với các hoạt động như: số hóa dữ liệu, quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
Chỉ báo kinh tế số tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam có tỉ lệ thuê bao băng rộng (cả cố đinh và di động) tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Tỉ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực.
Tuy nhiên, môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cụ thể là tỉ lệ giao dịch kỹ thuât số của Việt Nam chỉ đạt 22%. Trong khi đó, ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Đồng thời, tỉ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 10%) so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.
Cùng với đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong chuyển đổi số như chi phí đầu tư vào chuyển đổi số cao, hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển; các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận. Đồng thời, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; các doanh nghiệp còn thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.
Theo Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Cụ thể là những cơ hội về sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng; sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch sẽ khiến giao dịch số tăng mạnh.
Cùng với đó là sự sẵn sàng của các nền tảng công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường với 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, doanh thu là 135 tỷ USD, tăng trưởng 10%. Đặc biệt là các giải pháp và hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bà Thủy cho biết, ngày 7/1/2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Giải bài toán về nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển, trích lập quỹ phát triển. Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn hỗ trợ tài chính để nghiên cứu, phát triển.
Đại diện cho Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ tại hội thảo, TS.Chử Đức Hoàng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp của Việt Nam gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn tài trợ để nghiên cứu, phát triển, làm chủ và thương mại hóa công nghệ mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt về công nghệ không kể nhà nước hay tư nhân cần được khuyến khích về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và hỗ trợ tín dụng (cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn) để hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ.
Ông Hoàng cho rằng, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp so với thế giới.
“Doanh nghiệp còn hạn chế trong việc nhận thức về vai trò của công nghệ, đổi mới công nghệ, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Vì thế, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp”, ông nói.
Cũng theo TS.Chử Đức Hoàng, các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp. Việc thực thi chính sách chưa được áp dụng đồng bộ và thống nhất trong cả nước. Thiết kế và thực thi chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.
Liên quan đến việc giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bà Hoàng Thị Hồng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, các đối tượng doanh nghiệp được Quỹ hỗ trợ có bao gồm những doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, cùng với nhóm doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị với mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.
“Thời hạn vay vốn tối đa không quá 7 năm. Đây là một chu kỳ trung bình của một dự án để có thể đánh giá tối đa hiệu quả một dự án”, bà Hồng nói.
Ngoài ra, bà Hồng cũng cho biết, Quỹ đã công bố cho vay thì doanh nghiệp cũng được hưởng những ưu đãi như phí khuyến khích trả nợ trước hạn và những hỗ trợ khác từ ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp; doanh nghiệp vừa và nhỏ được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi khác của ngân hàng kèm theo chương trình này nhằm nâng cao hiệu quả khoản vay….