Đó là nhận định được đưa ra khi các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về mô hình tổ chức các cơ quan tư pháp tại Hội thảo “Mô hình tổ chức cơ quan tư pháp – kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (3/5) tại Hà Nội, trong khuôn khổ thực hiện Chương trình đối tác tư pháp (do EU, Đan Mạch, Thụy Điển tài trợ).
Một phiên tòa lưu động. Ảnh minh họa |
Tòa án phải độc lập
Với vai trò là “hạt nhân”, đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, nhất là tăng cường tính độc lập cho hoạt động xét xử, luôn là vấn đề được các nhiều chuyên gia trong và ngoài nước mổ xẻ tại nhiều diễn đàn. Ở nhiều nước châu Âu, cơ quan tư pháp vẫn thuộc Bộ Tư pháp và đôi khi Bộ trưởng là Trưởng Công tố nên theo GS.Liling Yue (Đại học Chính pháp, Bắc Kinh, Trung Quốc), mô hình này khiến cơ quan tư pháp là tòa án “không có sự độc lập thực sự” trong khi tính độc lập là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của tòa án nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung.
Hiện Việt Nam đang quan niệm cơ quan tư pháp bao gồm tòa án và viện kiểm sát, nhưng trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992, “khái niệm thế nào là cơ quan tư pháp” vẫn là vấn đề “đầy trăn trở”. Ông Trịnh Xuân Toản (Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương) cho biết, đổi mới tổ chức tòa án theo chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam xác định rõ “tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN, chế độ XHCH và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”.
Mô hình tổ chức tòa án nhân dân gồm 4 cấp: sơ thẩm khu vực, cấp tỉnh, cấp cao và tối cao đang được bàn thảo để “không ảnh hưởng đến việc tiếp cận tòa án của công chúng”. Thực tế cho thấy, việc thành lập tòa án sơ cấp khu vực sẽ kéo theo nhiều vấn đề, trong đó có lo ngại về hạn chế khả năng tiếp cận tòa án của công chúng do “cách trở về địa lý giữa khu dân cư và tòa án” ở một số địa bàn.
Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, ngoài 4 cấp tòa án nhân dân gồm: tối cao, cấp cao, trung cấp, sơ cấp, các tòa sơ cấp còn thành lập hơn 30.000 đơn vị trực thuộc là các tòa án nhân dân ở thị xã, thị trấn và thôn bản nằm dưới cấp huyện để người dân có điều kiện “tiếp cận rộng rãi với hệ thống tòa án”, các chuyên gia cho rằng, xác định ranh giới địa hạt hành chính và thẩm quyền của tòa án cần cân nhắc đến khả năng thành lập các “chân rết” của tòa án sơ thẩm khu vực ở cơ sở để đưa tòa án đến gần với dân hơn.
Nâng thẩm quyền sẽ đẩy tòa sơ thẩm xa dân
Đó là cảnh báo của TS.Tô Văn Hòa (Đại học Luật Hà Nội) khi bàn về mối quan hệ giữa nguyên tắc hai cấp xét xử và định hướng tổ chức tòa án 4 cấp theo tinh thần cải cách tư pháp. Phân tích về nguyên tắc hai cấp xét xử hiện hành, TS.Tô Văn Hòa lưu ý, nguyên tắc này được xem là nguyên tắc nền tảng tác động trực tiếp tới cách thức tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án hiện đại, là căn cứ trực tiếp của chủ trương chuyển đổi cơ cấu tổ chức của hệ thống tòa án từ tổ chức theo cấp hành chính lãnh thổ sang cơ cấu tổ chức 4 cấp. Vì thế, “việc chuyển đổi tổ chức tòa án từng cấp theo định hướng cải cách tư pháp phải vừa đáp ứng yêu cầu và phát huy hết các ưu điểm của nguyên tắc hai cấp xét xử, đồng thời vẫn bảo đảm sự vận hành trơn tru khi chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới”.
Theo ông Hòa, việc phân định thẩm quyền xét xử của tòa án sơ thẩm khu vực thuộc phạm vi của các ngành luật tố tụng. Tuy nhiên về nguyên tắc thẩm quyền này chỉ bao gồm những vụ việc ít nghiêm trọng, có giá trị tranh chấp hay mức án tối đa thấp, có bản chất không phức tạp.
“Điều này là hết sức cần thiết bởi vì chỉ có như vậy tòa án mới đáp ứng được nhu cầu đi tìm công lý phổ biến trong xã hội. Cũng chỉ có như vậy tòa án mới có thể tổ chức gần gũi được với người dân. Càng nâng thẩm quyền tòa án sơ thẩm khu vực lên càng làm cho tòa án này xa dân hơn hoặc gây tình trạng sử dụng không hiệu quả nguồn lực của tòa án. Một hệ thống tòa án nếu không có khả năng giải quyết một cách kịp thời các tranh chấp cho dù nhỏ của người dân thì cũng không phải là một hệ thống tòa án hiệu quả” – ông Hòa nhận định…
Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án sẽ là “tiêu chuẩn” để các cơ quan tư pháp khác tiến hành đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến, cả từ góc độ khoa học và cả do thực tiễn có nhiều thay đổi khi cụ thể các chủ trương cải cách tư pháp nên cơ bản đến nay công việc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Nếu không muốn cải cách tư pháp bị “tắc nghẽn” thì không thể trì hoãn việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đổi mới hệ thống cơ quan này như thực tiễn từ nhiều quốc gia trên thế giới đã kiểm nghiệm.
Theo Huy Anh (Pháp luật Việt Nam)
* Bài viết cộng tác xin gửi về email: luatsu@nguoiduatin.vn.
Thông tin về luật sư hữu ích, hấp dẫn tại chuyên mục Luật sư - Báo Người đưa tin.