Đổi mới 'vị thế' của luật sư để tranh tụng tiến bộ hơn

Đổi mới 'vị thế' của luật sư để tranh tụng tiến bộ hơn

Thứ 2, 13/05/2013 08:59

Theo chánh án TAND TP Đà Nẵng, việc đổi mới vị trí ngồi thể hiện tinh thần thay đổi mô hình xét xử theo hướng tranh tụng tiến bộ hơn.

Sự đổi mới mà TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng rất cần được ngành tòa án cả nước nhân rộng ngay từ bây giờ.

Gần đây, TAND TP Đà Nẵng đã bố trí lại vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư tại phiên tòa hình sự. Theo đó, HĐXX (thẩm phán, các hội thẩm nhân dân) sẽ ngồi ở vị trí cao nhất và riêng biệt. Ngồi phía dưới và ngay trước HĐXX là bàn của thư ký ghi biên bản phiên tòa. Cũng ngồi phía dưới ngang hàng nhưng ở hai bên và đối diện nhau là bàn của đại diện VKS và bàn của luật sư.

Thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Quận (Chánh án TAND TP Đà Nẵng), việc đổi mới vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư chính là sự thể hiện của tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng. HĐXX giữ vai trò tài phán nên phải ngồi ở vị trí biệt lập và cao nhất. Còn đại diện VKS và luật sư bào chữa lần lượt giữ các vai trò buộc tội và gỡ tội. Hai thành phần này có vai trò ngang nhau trong tố tụng nên cần phải ngồi ngang hàng nhau.

Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác ngành tòa án TP Đà Nẵng năm 2013, Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà (Chánh tòa Hình sự TAND TP Đà Nẵng) cũng từng nhận định: “Chỗ ngồi trong phiên tòa hình sự thể hiện trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng”. Theo Thẩm phán Hà, sự đổi mới về vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư mới đảm bảo được tính chất tài phán của tòa và sự bình đẳng trong tranh tụng giữa các bên buộc tội - gỡ tội.

Luật sư - Đổi mới 'vị thế' của luật sư để tranh tụng tiến bộ hơn

Vị trí ngồi đổi mới tại một phiên tòa hình sự ở TAND TP Đà Nẵng. Ảnh: D.HẰNG

Cùng với sự thay đổi chỗ ngồi, TAND TP Đà Nẵng cũng đã có sự thay đổi rõ rệt trong cách thức xét hỏi tại phiên tòa hình sự. Trong phần xét hỏi, nếu trước đây chủ yếu do HĐXX trực tiếp xét hỏi bị cáo, người bị hại… thì nay HĐXX sẽ hạn chế hỏi, nhường quyền chủ động cho đại diện VKS. Khi nào có vấn đề còn khúc mắc, chưa được làm rõ thì chủ tọa phiên tòa hoặc các thành viên trong HĐXX mới yêu cầu đại diện VKS, luật sư tiếp tục xét hỏi để làm rõ vấn đề.

Theo Chánh án Quận, sự chuyển đổi từ mô hình xét xử xét hỏi sang xu hướng đề cao tính tranh tụng hơn này ban đầu ít nhiều cũng gặp khó khăn do đội ngũ thẩm phán, cán bộ tố tụng còn nặng thói quen cũ. Tuy nhiên, mọi thứ dần dần đã có sự thay đổi trong nội dung xét xử: Tính chất tranh tụng được nâng cao, tòa lấy kết quả tranh luận tại phiên tòa làm căn cứ tuyên án. “Cách thức này sẽ giảm triệt để vấn đề án tại hồ sơ, án bỏ túi” - Chánh án Quận khẳng định.

Cần nhân rộng

Hiện nay việc thay đổi cách thức xét hỏi, nâng cao tính tranh tụng, lấy kết quả tranh luận tại phiên tòa làm căn cứ tuyên án đã được áp dụng tại tất cả các tòa quận, huyện ở Đà Nẵng. Riêng việc đổi mới vị trí ngồi, trước mắt mới thực hiện tại TAND TP Đà Nẵng, sắp tới sẽ triển khai tại các tòa quận, huyện.

Chuyện vị trí ngồi của kiểm sát viên và luật sư đã gây ra khá nhiều tranh cãi từ trước tới nay. Gần chục năm trước, trong giai đoạn đầu của cải cách tư pháp, Pháp Luật TP.HCM cũng từng mở diễn đàn về vấn đề này. Thời điểm đó, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý, bạn đọc gửi về ủng hộ việc phải đổi mới vị trí ngồi như TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng để đề cao sự bình đẳng trong tranh tụng.

Trong Đề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam do VKSND Tối cao đang chủ trì soạn thảo, các vấn đề về vị trí ngồi, cách thức xét hỏi, tranh luận… đều được ghi nhận theo xu hướng tiến bộ. Cho dù đây là chuyện của tương lai nhưng trước mắt, theo chúng tôi, sự đổi mới mà TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng rất cần được ngành tòa án cả nước nhân rộng ngay từ bây giờ.

Khoảng gần ba năm trước, TAND tỉnh Bình Dương là tòa án đầu tiên trong cả nước đã tiến hành thí điểm việc thay đổi vị trí ngồi của HĐXX, kiểm sát viên, luật sư tại phiên tòa hình sự tương tự ở TAND TP Đà Nẵng. Rất tiếc là sau đó, dù được dư luận ủng hộ nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng việc thí điểm này phải dừng lại.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia, đặc biệt là các luật sư cho biết rất hy vọng ngành tòa án Đà Nẵng sẽ thực hiện triệt để việc đổi mới này, đồng thời các địa phương khác cũng sẽ áp dụng vì một nền tố tụng tiến bộ và dân chủ hơn.

Theo Dương Hằng (Pháp luật TP HCM)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.