Đà Nẵng sau những cơn mưa về đêm do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 đã trở lại hửng nắng vào sáng ngày 23/9/2013. Đã lâu tôi không tham dự phiên tòa hình sự nào ở Đà Nẵng, nên thật bất ngờ trước sự đổi thay và vị thế lừng lững của trụ sở Tòa án thành phố mới được xây dựng trên trục đường chính Núi Thành. Bước vào bên trong phòng xử rộng mênh mông, với cách bài trí theo mô hình mới, ở đó vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư được bố trí đối diện và ngang bằng với nhau, bàn của Thư ký đặt ngay dưới bàn Hội đồng xét xử và trước mặt bị cáo để tiện theo dõi và ghi biên bản phiên tòa…
(Trụ sở của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Tôi là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đơn vị bị thiệt hại do hành vi của bị cáo gây ra. Là một thanh niên được tuyển dụng vào làm việc tại Chi nhánh Công ty từ khi còn rất trẻ, bị cáo sớm tạo được niềm tin của lãnh đạo và được bổ nhiệm chức vụ kế toán trưởng lúc 21 tuổi. Vậy mà chỉ do không kiềm chế được ma lực của trò cá độ bóng đá trên mang internet mà bị cáo lao vào như con thiêu thân, càng thua càng gỡ, càng lún sâu vào con đường tăm tối không có lối ra… Bí quá hóa liều, bị cáo đã tìm cách giả mạo chữ ký của giám đốc chi nhánh, điều chỉnh công nợ của khách hàng để lập ra các báo cáo tài chính không trung thực để hợp thức hóa cho khoản tiền chiếm đoạt lên tới trên 5,4 tỷ đồng. Tại phiên tòa, hình ảnh người vợ đang nuôi con nhỏ phải nương nhờ cha mẹ chồng đau khổ đón nhận mức án 13 năm tù đối với chồng mình, cũng như lời xin lỗi, hối hận muộn màng của bị cáo đến lãnh đạo và nhân viên chi nhánh gây nhiều xúc động cho những người dự khán phiên tòa.
Tuy nhiên, bên cạnh cảm giác có được vị thế cân bằng trong tranh tụng với nữ kiểm sát viên trẻ tuổi của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, điều khiến tôi bất ngờ khi nhìn thấy, từ khi được dẫn giải đến cho đến khi nữ chủ tọa tuyên án, bị cáo mặc dù đã được cởi khóa còng tay nhưng vẫn bị trói buộc bởi chiếc xích còng chân ! Bước chân bị cáo dường như ngắn hơn, bị kéo lê theo độ dài của chiếc còng dẫn từ chiếc xe chở phạm vào trong phiên tòa. Trong lúc chờ Tòa nghị án, tôi có đến hỏi nữ công tố rằng vì sao ra đến Tòa rồi mà vẫn phải còng chân, thì được trả lời thực tế từ trước đến nay các phiên tòa hình sự diễn ra vẫn phải làm như vậy, còn mấy cán bộ dẫn giải trẻ tuổi giải thích là thực hiện theo yêu cầu của Tòa án, có gì thắc mắc thì đến hỏi Thư ký Tòa…
(Bố trí phòng xử - Tòa án Đà Nẵng)
Theo hiểu biết của tôi thì các ngành pháp luật Trung ương đã có một cải sửa rất cơ bản khi cho phép bị cáo được mặc quần áo bình thường khi ra Tòa thay vì phải mặc bộ đồ có sọc đen của những người đang chấp hành án. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc được quy định tại điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Sự tôn trọng nhân phẩm, quyền con người không chỉ đến từ việc bảo đảm quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa, mà còn ở trong các chi tiết nhỏ như quy định về cách thức xưng hô và việc tháo còng tay của bị cáo trong quá trình diễn ra phiên tòa xét xử tại phòng xử án.
Điều 2 Quy trình bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa ban hành kèm theo Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 ngày 4/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc bảo vệ phiên tòa hình sự và các phiên tòa khác khi Tòa án nhân dân có yêu cầu, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là nòng cốt. Mục đích của quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án, phòng ngừa, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm an ninh, trật tự nơi diễn ra phiên tòa và bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng pháp luật. Tuy nhiên, điều 8 Quy chế quy định việc xích chân bị cáo chỉ trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm; việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch; đồng thời việc mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của Chủ tọa phiên tòa.
Nhìn hình ảnh một bị cáo tuổi còn trẻ, tuy phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 140 Bộ luật hình sự 1999, được Hội đồng xét xử đánh giá có nhiều tình tiết giảm nhẹ, áp dụng cả điều 47 Bộ luật hình sự để quyết định mức án dưới khung hình phạt, nhưng lại bị còng chân suốt trong thời gian diễn ra phiên tòa khiến tôi cảm thấy chạnh lòng và ái ngại vô cùng. Rõ ràng, bên cạnh việc đổi mới cơ sở vật chất và bố trí phòng xử tạo vị thế bình đẳng cho các bên tranh tụng, tôi nghĩ chỉ một chi tiết nhỏ về chiếc còng chân không được tháo cũng có thể khiến cho một phiên tòa kết thúc trong tâm trạng buồn khó tả…
Theo Luật sư Phan Trung Hoài (CTTĐT Liên Đoàn luật sư Việt Nam)