Đội mũ bảo hiểm khi đi xe... bus

Đội mũ bảo hiểm khi đi xe... bus

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 4, 14/06/2017 05:45

Tại điểm dừng đón hành khách trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) chiều 11/6, một nam thanh niên đã ném gạch vỡ cửa kính xe bus vì... giận bạn gái.

Xi nhan Trái Phải - Đội mũ bảo hiểm khi đi xe... bus

 Hiện trường vụ nam thanh niên ném gạch vỡ cửa kính xe bus vì giận bạn gái. (Ảnh: VNExpress)

Dù đã được cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng, nhiều người vẫn tỏ ra khó chịu với việc đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn khi tham gia giao thông. Người ta chống đối bằng cách “đội tạm cái mũ đểu” khi ra ngoài đường. Thậm chí có người nhìn thấy cảnh sát giao thông mới chụp vội cái mũ lên đầu. Trên tất cả, họ chỉ nghĩ đến việc tránh mất tiền phạt hoặc lo sợ bị gàu, hỏng kiểu tóc chứ không hề quan tâm đến tính mạng, sức khỏe của mình.

Tôi thì ngược lại, tôi thuộc tuýp người tôn thờ sự an toàn. Từ kinh nghiệm của bản thân và bài học của những người xung quanh, tôi nghiệm ra rằng mũ bảo hiểm không chỉ phát huy tác dụng giảm nguy cơ gây chấn thương sọ não khi chúng ta điều khiển/ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy. Sẽ an toàn hơn rất nhiều nếu đi xe bus, xe khách hay tàu hỏa chúng ta cũng ôm vật dụng này theo. Bởi không ai lường trước được những viên đá, viên gạch từ bên kia đường sẽ "đáp" lên cửa kính xe vào lúc nào. 

Trước đây, tôi cứ tưởng rằng chuyện ném đá vào các phương tiện đang lưu thông chỉ diễn ra ở những tuyến đường hẻo lánh, những tỉnh nghèo, dân trí thấp và thủ phạm thường là những đứa trẻ chưa học chưa hết cấp 2, thiếu chốn vui chơi giải trí hoặc mấy tên bợm nhậu mất kiểm soát hành vi…

Nhưng nay, hành vi sai lệch ấy đã xuất hiện ngay giữa thành phố lớn, ở cá nhân “có học”, có nền tảng tri thức tốt. Vào ngày 11/6 vừa qua, một nam sinh viên đã ném gạch vỡ cửa kính xe buýt số 26 trên phố Phạm Ngọc Thạch khiến cho một hành khách bị chảy máu đầu. Lý do thì rất… “trời ơi đất hỡi”: Giận bạn gái(!)

Ném xong, thay vì ở lại giải quyết nốt chuyện tình cảm với bạn gái hay hậu quả do hành vi bốc đồng của mình gây ra, anh chàng đã “chuồn lẹ” khỏi hiện trường và được gắn mác “trẻ trâu” ngay sau đó. Dám nói, dám làm nhưng không dám chịu trách nhiệm - cậu sinh viên hoàn toàn phù hợp với cái mác này.

Vậy mới thấy, cụm từ “trẻ trâu” ngày càng được quy chiếu vào nhiều đối tượng hơn, không còn bó hẹp ở bộ phận thiếu niên ngông cuồng, bốc đồng, ít hiểu biết nhưng thích thể hiện. Hẳn quý độc giả không lạ gì cảnh người trẻ tập tành làm “hổ báo”, thách thức các quy định, luật lệ đến lúc bị bắt hoặc chạm trán “hổ báo xịn” thì lại rụt rè, ngoan ngoãn như mèo con.

Cá nhân tôi cho rằng, vài lời nói suông cùng một tờ biên lai nộp phạt chưa đủ để những kẻ vô ý thức phải nhìn lại mình. Nếu các biện pháp tuyên truyền có hiệu quả với những đứa trẻ chỉ “ném… cho vui”, ném vì “không có việc gì làm” thì nạn ném đá xe khách, tàu hỏa đã không gây bức xúc suốt thời gian dài như thế. 

Thật may vì “đám trẻ trâu” không có khả năng ném đá qua mấy tầng mây. Nếu không thì đi máy bay, tôi cũng phải đội mũ bảo hiểm mất!

Bảo Ngân

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.