Trợ giá nhưng vẫn vênh so với đại lý!?
Trong 3 ngày từ 23 đến 25/3, rất nhiều người dân Hà Nội đã tới các điểm đổi mũ bảo hiểm nằm trong chương trình của Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia tại khu vực nội thành để đổi mũ cũ lấy mới. Người dân tới địa điểm này đông đến mức phải xếp hàng, thậm chí xô đẩy nhau. Những hình ảnh đó cho thấy việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm chất lượng đang được người dân hưởng ứng nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng sau khoảng thời gian chương trình này hoạt động, nhiều người tỏ ra hoài nghi về chương trình này.
Có mặt tại những điểm bán hàng tại công viên Thống nhất, bốt Hàng Đậu, chúng tôi nhận thấy, một mũ bảo hiểm đổi người dân chỉ được hỗ trợ từ 30 - 70 nghìn đồng. Nhiều người cho rằng, mức giá hỗ trợ này quá thấp so với mong muốn của người dân và hoài nghi bản chất thực của chương trình. Đổi mũ giả lấy mũ xịn hay chỉ là chiêu thức bán hàng giảm giá?
Chị Nguyễn Thu Hoài, chủ một cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, từ ngày có quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, một số cửa hàng đã quyết định hạ giá bán xuống vài chục nghìn để "đi tắt đón đầu". Mục đích để kích thích người mua chuyển sang dùng mũ bảo hiểm xịn. Như vậy, dù mang tiếng là trợ giá từ 30 - 70 nghìn đồng nhưng giá bán mũ tại các điểm đổi vẫn ngang bằng giá bán tại đại lý, thậm chí nhiều điểm còn bán cao hơn.
Người dân Thủ đô xếp hàng chờ đổi mũ bảo hiểm
Để kiểm chứng thực hư mức độ chênh lệch về giá giữa mũ bảo hiểm được trợ giá và mũ bảo hiểm bán ngoài thị trường, PV Người Đưa Tin đã tiến hành khảo sát tại một số cửa hàng bán mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng trên địa bàn Hà Nội. Tại cửa hàng trên phố Mai Anh Tuấn, Đống Đa (Hà Nội), chúng tôi gặp nhân viên tên Long. Anh này cho biết, cửa hàng bán các loại mũ bảo hiểm Bcolor (của công ty Á Long), YAMAHA More (của công ty Đông Á), Cuxi, ANDES haly, GRS... với mức giá khác nhau. Trong đó, mũ bảo hiểm Bcolor của Công ty cổ phần Á Long được bán với mức giá trần là 120 nghìn đồng/chiếc, miễn phí vận chuyển tới tận tay khách hàng, áp dụng cho 7 quận nội thành cũ của Hà Nội.
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua với số lượng 10 chiếc, anh Long cho biết, cửa hàng sẽ giảm giá còn 100 nghìn đồng/chiếc. Cũng theo quan sát của phóng viên, những sản phẩm mũ bảo hiểm này đều được dán tem ghi rõ năm sản xuất, tên, địa chỉ công ty sản xuất. Bên cạnh đó, mũ bảo hiểm cũng được dán tem hợp quy của bộ Khoa học & Công nghệ. Không khó để nhận ra, những sản phẩm trên hoàn toàn đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định về mặt chất lượng và được bán với mức giá khá mềm. Trong khi đó, mũ Bcolor bán tại các điểm đổi mũ bảo hiểm có giá 170 nghìn đồng/chiếc, chưa kể được trợ giá từ 30 - 70 nghìn đồng.
Được biết, địa điểm tổ chức đổi mũ bảo hiểm của hãng Bcolor đã có sự chênh lệch khá lớn về giá giữa mũ bảo hiểm được trợ giá và mũ bảo hiểm xịn bán ngoài thị trường!?. Cùng là mũ xịn nhưng để được đổi theo kiểu trợ giá, khách hàng phải móc hầu bao thêm gần 100 nghìn đồng. Nhiều người lắc đầu ngao ngán khi phát hiện ra rằng, tuy trợ giá nhưng chẳng rẻ được bao nhiêu so với mua ở các đại lý. Đó là chưa kể tình huống, người tiêu dùng về tay trắng sau cả buổi xếp hàng phơi nắng do mũ được đổi với số lượng rất hạn chế!?.
Thiếu hàng vì cấm xe tải vào nội đô ban ngày
Cũng theo phản ánh của người dân, hầu hết số lượng mũ bảo hiểm được đem ra đổi đã hết veo ngay sau khi "trình làng" được khoảng một tiếng. Tại điểm đổi mũ của nhãn hiệu Bcolor khu vực vườn hoa Hàng Đậu, hàng trăm người đứng trước những quầy hàng bày mũ lớn, nhiều người lên tiếng phản đối vì mũ bán được khoảng 15 phút đã hết hàng.
Việc hết mũ, không đáp ứng đủ nhu cầu khiến người dân bức xúc. Một số người tỏ ra nghi ngờ về hiện tượng này, bởi đây là chương trình được chuẩn bị khá chu đáo từ trước. Những thắc mắc từ phía người dân đã được chúng tôi liên hệ trực tiếp với Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn Quốc gia Nguyễn Hồng Hiệp. Trong cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Hiệp xung quanh về những thắc mắc của nhiều người dân, ông Hiệp cho rằng, hiện nay chương trình đã được khởi động trong ba ngày. Những tín hiệu đều rất tích cực. Lượng hàng không đáp ứng đủ nhu cầu vì đến nay chỉ có hai doanh nghiệp tham gia và có 11 điểm giao dịch.
Theo ông Hiệp, theo dự toán cả thành phố Hà Nội phải có ít nhất 150 điểm mới đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Hiện tượng thiếu mũ do lượng cung không đáp ứng được lượng cầu, đặc biệt tại bốn điểm ngoài trời hiện nay. Do người dân đến hưởng ứng đông trong khi lượng cung không kịp, cùng với việc ban ngày xe tải không được phép vào nội đô nên hàng không thể chuyển để kịp thời để đáp ứng nhu cầu. Chính điều này là lý do mà ông Hiệp cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng "chợ chưa mở đã hết hàng". Ông Hiệp cũng khẳng định, hiện tượng này chỉ diễn ra tại những điểm giao dịch ngoài trời do lượng người đến quá đông, trong khi doanh nghiệp lại không có kho hàng để dự trữ. Còn những điểm bán hàng trong nhà, hiện tượng hết hàng chưa từng diễn ra trong mấy ngày qua.
"Không nhận bất kỳ một sự hỗ trợ tài chính nào từ ngân sách" Cũng xoay quanh về vấn đề trợ giá, ông Hiệp thẳng thắn trao đổi với chúng tôi, những doanh nghiệp tham gia chương trình của Uỷ ban An toàn Quốc gia lần này không nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào về tài chính từ ngân sách Nhà nước. Sở dĩ tại Đà Nẵng mũ bảo hiểm chỉ bán cho người dân 50.000 đồng/chiếc là do Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ đặc biệt. Cụ thể công ty nhựa Chí Thành được hỗ trợ vay 8 tỉ đồng không lãi suất nhằm triển khai xây dựng nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm chất lượng tại KCN Hòa Khánh. Ngược lại, nhà máy sẽ hoàn trả vốn trong hai năm bằng hình thức cấp cho thành phố 100.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn Việt Nam QCVN 2:2008/BKHCN. |
Như Hải - Anh Văn