Chúng tôi tìm đến xóm Gò Mả vào một buổi trưa nắng phương Nam gay gắt của ngày đầu năm mới. Dù trong không khí mùa xuân nhưng cuộc sống của người dân xóm nghĩa địa vẫn ảm đạm và thấp thoáng những nỗi buồn...
Sống trong nghèo đói
Hầu hết người dân đều không biết xóm nghĩa địa này tồn tại từ khi nào. Chỉ biết ở đây chủ yếu là dân nhập cư tứ xứ, vì cuộc sống có nhiều khó khăn nên tìm đến đây cất nhà ở tạm. Mới thoáng qua, chúng tôi không thể nào phân biệt được đâu là nhà, đâu là mộ. Mộ và nhà nơi đây cứ như một sự gắn kết, nằm xen lẫn vào nhau. Mộ ở trước, nhà ở sau, thậm chí mộ ở ngay trong nhà hay trên nền nhà. Vậy mà, sau nhiều năm gắn bó, nghĩa địa ấy đã trở thành một cái nôi yêu thương không thể thiếu đối với mỗi người dân đang sinh sống trên mảnh đất này.
Cụ bà Đinh Thị Lùn (73 tuổi), một người dân sống lâu đời nhất ở nơi đây kể lại: "Khi chúng tôi mới đặt chân đến mảnh đất này, đây là một vùng ngập nước. Một mảnh đất trống trơ trọi chỉ có cỏ xanh và những nấm mồ làm "điểm nhấn". Thế nhưng, vì cuộc sống quá khó khăn nên chúng tôi phải dựng tạm những chiếc lều để sinh sống, làm ăn. Mỗi khi nước lên chẳng biết làm gì ngoài cách đứng nhìn, chờ con nước rút xuống. Có những đêm đang ngủ, mọi người phải lồm cồm ngồi dậy vì nước dâng mà không hề có sự báo trước. Cứ thế, nhiều hôm, chúng tôi phải đứng mà ngủ. Ấy vậy mà, cũng đã gần 40 năm trôi qua, bao mảnh đời đã được sinh ra và lớn lên trong sự chật chội, khốn khó của cuộc sống nơi đây”.
Bà Cao Thị Nhang (ngụ tại xóm Gò Mả) nhớ lại: "Tôi không thể quên được cảm giác hồi mới đặt chân lên mảnh đất này. Lần đầu tiên sống chung với những người chết, chỉ cần quay người một cái là đụng phải một mồ mả khiến tôi sợ hãi, nhiều đêm không ngủ được. Trong màu đen tối của màn đêm, dường như tôi cảm thấy mình như nghẹt thở đến phát khóc vì sợ những bóng ma. Thậm chí, dù đói run người nhưng không dám cầm cái gì để ăn khi nghĩ đến âm khí của cõi chết và cái mùi hôi thối của xác người bốc lên từ lòng đất...".
Cảnh sinh hoạt của người dân xóm Gò Mả
Thế nhưng, gắn bó với mảnh đất nơi đây nhiều năm, giờ đây họ đã quen với việc sống chung với "thế giới cõi âm". Hàng ngày, người dân vẫn giặt giũ, phơi phóng, nấu nướng bên cạnh hay trên các nấm mộ. Vì không gian chật chội, bọn trẻ con cũng coi những nấm mộ như một sân chơi lí tưởng để vui đùa. Những người đàn ông lớn tuổi, lẫn các cậu thanh niên vẫn nhấp nháp rượu bia bên cạnh những nấm mộ mà đầy ắp tiếng cười, niềm vui. Dưới những bóng cây giữa xóm nghĩa địa, người nằm, kẻ ngồi lên thành mộ…
Những ngôi nhà tạm ở nơi đây được dựng lên từ những mái tôn, ván gỗ mục gỉ chỉ chừng 25-30m2. Thậm chí, gia đình chị Ngô Thị Hương (35 tuổi), gồm 9 người sinh sống trong căn nhà xiêu vẹo chỉ với 20m2. Thế nhưng, họ vẫn tươi cười đon đả và cho rằng, có chỗ chui ra chui vào đã là may lắm rồi. Để tồn tại với cuộc sống, dân cư xóm Gò Mả phải lăn lội với nhiều nghề cực nhọc như làm phu hồ, bốc vác, chạy xe ôm, bán vé số… Cuộc sống của họ cứ thế lay lắt trôi qua trong khó khăn, vất vả. Chị Ngô Thị Hương tâm sự thêm: "Bước đường cùng mới phải sống chung với người chết, chứ có ai muốn sống như thế này đâu. Ở đây, đi ra đi vào lúc nào cũng đụng mả, thậm chí đêm ngủ, mở mắt ra là nhìn thấy mả. Cuộc sống tạm bợ riết rồi quen, chỉ tội lũ trẻ, ngay cả nước sạch cũng không có để dùng".
Điều khiến chúng tôi cảm thấy lo ngại là xóm Gò Mả chỉ với hơn chục trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng phần lớn đều phải bỏ học để bán vé số, nhặt ve chai, ni lông phụ giúp gia đình. Những đứa trẻ hồn nhiên ấy hàng ngày vẫn phải lăn lội với cuộc sống kiếm ăn từng bữa mà chẳng cần để ý đến cái tương lai mù mịt của mình sẽ ra sao. Cái vòng luẩn quẩn, khốn khó ấy cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, xóm Gò Mả nghèo vẫn hoàn nghèo.
Chống chọi với bệnh tật
Không chỉ lay lắt với cái nghèo, người dân xóm Gò Mả còn phải đối diện với nỗi đau của bệnh tật. Gia đình chị Ngô Thị Hương, mẹ của bé Ngô Thị Kim Thủy mới thấm thía cái gọi là đường cùng của bệnh tật cộng với nghèo khổ. Thuỷ đã phải sống chung với nhiều căn bệnh nan y, trong đó bệnh thận lu gút đã lấy đi sự hồn nhiên, vui tươi của em từ năm 7 tuổi. Vì bệnh tật và cuộc sống khó khăn, Thuỷ đã phải bỏ học từ năm lớp 2 để đi bán vé số phụ giúp mẹ lo cho gia đình và chi phí bệnh tật. Nối bước chân của Thuỷ, cô em gái thứ 2 cũng rời bỏ mái trường từ năm lớp 4. Cái đói khổ và bệnh tật cứ đeo đẳng, khiến cả gia đình chị Hương héo hắt giữa xóm nghĩa địa. Ngắm nhìn căn nhà nhỏ trống rỗng, xiêu vẹo được dựng bởi những tấm tôn gỉ nát của gia đình chị, chúng tôi không khỏi xót xa.
Là lao động chính trong gia đình, chị Hương đã phải bươn chải bằng nhiều nghề từ lượm ve chai, thợ hồ, gỡ bao xi măng khoán... đến tối mịt mới về để lo cho gia đình và chữa bệnh cho con. Nhưng sự cố gắng, nỗ lực ấy của chị vẫn không đủ để chữa bệnh cho con mỗi tháng. Và cũng chính cái nghèo đói đã khiến cho hạnh phúc gia đình chị tan vỡ, để lại hai đứa con thơ bệnh tật. Cuộc sống càng ngặt ngoèo hơn khi chị phải lo cho bố mẹ già, hai mẹ con cô em gái và một người cậu mắc bệnh thần kinh. Chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn cảnh 9 người trong gia đình chị Hương chui lủi trong cái túp lều tạm bợ, tồi tàn hơn hai chục mét vuông ấy.
Phải đối diện với những khắc nghiệt của cuộc đời, chị Hương tần ngần: "Gia đình tôi sống ở đây hơn 10 năm nay mà chưa một lần tôi cảm thấy được bình yên trong cái nghèo. Thân gái dặm trường, nhiều lúc tôi cảm thấy chồn chân, mỏi gối. Tôi cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc khi phải đối diện với đói nghèo, bệnh tật. Chẳng những thế, tài sản duy nhất của gia đình là chiếc xe đẩy để bán bột chiên nhưng vì thiếu nợ chạy chữa thuốc thang, tôi cũng đành phải bán đi để lấy tiền trả nợ".
Chị Hương nói trong nghẹn ngào: "Tôi cảm thấy rất tủi thân khi hai đứa con của mình phải nghỉ học từ rất sớm, lại đèo bồng trên mình nỗi đau của bệnh tật. Bản thân vừa làm mẹ lại vừa làm cha, tôi chỉ mong mình không bỏ cuộc trước những tối tăm của cuộc sống. Tôi mong sao có một công việc để kiếm tiền lo cho các con và mọi người trong gia đình dù phải chịu nhiều vất vả". Đứng bên cạnh chị, bé Thuỷ ngây thơ trả lời khi chúng tôi hỏi em về những ước mơ cho tương lai: "Em mong muốn mình hết bệnh và có thể đi học trở lại cùng bạn bè, thầy cô để sau này thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi chữa bệnh cho những người bệnh như em. Nhưng nhà em nghèo lắm!".
Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Văn Lộc (40 tuổi) cũng lần lượt mất đi những người thân do bệnh tật hiểm nghèo. Cách đây mười năm, mẹ anh mất vì bệnh ung thư gan và sau đó không lâu, người cha của anh cũng phát bệnh qua đời. Đối diện với căn nhà rách rưới của chị Hương là nhà bà Đinh Thị Lùn, người sống lâu nhất ở đây cùng với 8 người con. Thế nhưng, hai người con trai của bà đã yên nghỉ ở nghĩa địa trước nhà vì bệnh tật.
Năm 2013, sẽ di dời nghĩa địa Ông Lê Minh Thông (phó chủ tịch UBND phường 15, quận 8), cho biết: "Xóm Gò Mả có 50% dân là người nhập cư. Cả xóm có 24 gia đình sinh sống ngay tại sân nghĩa trang. Ngoài ra, phường có tất cả 8 khu nghĩa địa nằm trên đất công và một khu nghĩa địa nằm trên đất tư. Trong đó, xóm Gò Mả có dân cư sinh sống nhiều nhất. Mặc dù chưa có công trình khoa học nào chứng minh người dân sinh sống trên các nghĩa địa dễ mắc bệnh nhưng trên thực tế, với môi trường sống ở những khu vực này thì cũng có phần ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người. Vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ cho người dân các khu nghĩa địa nói chung và xóm Gò Mả nói riêng, quận sẽ tổ chức di dời mồ mả về nơi quy hoạch nhằm làm sạch môi trường, đồng thời tạo sân chơi cho trẻ em trong năm 2013. Bên cạnh đó, đây là phường có tới hơn 1.000 hộ dân nghèo và cận nghèo. Vì thế, các cơ quan ban ngành luôn dành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để chăm lo cho cuộc sống cho người dân nơi đây về cả vật chất và tinh thần". |
Thơ Trịnh