Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Đầu tư (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ", vì đây là vấn đề thị trường.
Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ, cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, dẫn tới nhiều hệ lụy.
Đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) dẫn số liệu tính đến tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký. “Quá trình kinh doanh cho thấy, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ thủ tục đầu tư kinh doanh và quy định pháp luật, làm phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực. Vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố, gây hoang mang cho con nợ. Thậm chí, nhiều nơi xuất hiện biến tướng thành lập băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa nêu thực trạng.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa, cần thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp đòi nợ thuê hoạt động đúng pháp luật, mức thuế đóng góp của những công ty này là bao nhiêu và có bao nhiêu vụ phạm pháp liên quan đến hành vi đòi nợ thuê gây ra.
Nhận định về kinh doanh đòi nợ thuê, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) thẳng thắn “chỉ mặt” công ty hoạt động đòi nợ thuê chính là “cái bóng” hợp pháp cho tín dụng đen cư trú.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, cơn sóng ngầm tín dụng đen đang len lỏi khắp nơi. Với lãi suất cho vay “cắt cổ” và những mánh lới đòi nợ đầy bất lương, tín dụng đen gieo rắc nỗi sợ hãi khôn cùng cho những nạn nhân, gây bất ổn về an ninh trật tự... Khi hoạt động tín dụng đen hoạt động ngày càng lan rộng thì nhiều vụ án liên quan đến đòi nợ thuê đã xảy ra.
Mặc dù pháp luật có nhiều quy định khác nhau về xử lý nợ như: Khởi kiện ra tòa, mời trọng tài kinh tế, mua bán nợ…, tuy nhiên, thủ tục khá phức tạp, hiệu quả không cao. Thậm chí, khi bản án có hiệu lực, việc thi hành án cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, người dân tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả. Đó cũng là lý do khiến “luật rừng” lại được áp dụng công khai.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có quy định chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn để quản lý kinh doanh đòi nợ thuê đồng thời quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện hành vi thu hồi nợ kiểu “xã hội đen” và xử lý nghiêm minh nhằm đảm bảo sự bình yên của người dân.
N.Giang