Trong phim Zero Dark Thirty của Kathryn Bigelow, Jessica Chastain đã vào vai Maya, nữ chuyên viên phân tích duy nhất của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã giúp nước Mỹ triệt hạ bin Laden.
Không có một nữ anh hùng duy nhất
Nhưng một bộ phim tài liệu mới mang tên Manhunt do kênh truyền hình HBO vừa công chiếu hôm 1/5 đã cho thấy rõ rằng không chỉ có một nữ điệp viên của CIA ở trong cuộc chơi như Bigelow đã mô tả. Thay vì thế, đã có cả một đội các nữ chuyên gia phân tích, những người từng gióng lên hồi chuông báo động về Bin Laden cả thập kỷ trước vụ khủng bố 11/9.
Một cảnh trong phim Manhunt vừa được trình chiếu trên HBO. |
Bộ phim được đạo diễn Greg Barker mô tả là “câu chuyện thực" đằng sau 20 năm săn lùng Bin Laden. Nó gồm nhiều phỏng vấn với các thành viên của một đội chuyên viên phân tích được gọi là Sisterhood. Đây là nhóm đã được CIA giao nhiệm vụ lần theo dấu vết của Bin Laden.
Rất nhiều người được phỏng vấn, gồm các cựu nhân viên tình báo Nada Bakos, Cindy Storer và Barbara Sude, đã lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình để nói về vai trò của họ. Và tất cả họ dường như đã truyền cảm hứng cho việc tạo ra nhân vật Maya trong Zero Dark Thirty, từ nỗ lực kiên trì của họ trong việc thuyết phục các đồng nghiệp rằng Bin Laden là một mối đe dọa nghiêm trọng, cho tới việc đấu tranh để đồng nghiệp coi trọng nghiêm túc công việc của họ, các sức ép của công việc đã ảnh hưởng tới đời sống riêng.
Cảm thấy có tội với nước Mỹ
Trong những người phụ nữ ấy, Storer đã bắt đầu theo dấu Bin Laden từ đầu những năm 1990. Đó là thời điểm tổ chức khủng bố Al-Qaeda đang chối bỏ sự tồn tại của nó. Storer đã xuất hiện trên HBO với đôi mắt ngấn lệ, khi kể lại việc bà đã bị chỉ trích ra sao trong một bản đánh giá năng lực công tác, do đã "dành quá nhiều thời gian nghiên cứu về Bin Laden”.
"Người ta nói rằng chúng tôi là những chiến binh thập tự bị ám ảnh và bị cảm xúc chi phối" - Storer kể lại. Bà thừa nhận nhóm quả thực đã gần như bị ám ảnh bởiBin Laden, nhưng việc đó là để phục vụ cho những điều tốt đẹp.
Bà nhớ lại việc mình và các cộng sự đã chuyền tay nhau các lọ lớn chứa thuốc Tums chống đau dạ dày khi họ xem các đoạn video đầy kinh tởm mà các thành viên trong mạng lưới của Bin Laden đưa lên mạng. Dựa vào đó, họ đã tạo ra một hồ sơ khá đầy đủ về Al-Qaeda.
"Đó không phải là công việc hấp dẫn nhất" - Bakos kể lại trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Yahoo! News. Nhưng bà nói rằng công việc đã cho thấy phụ nữ đóng vai trò quan trọng ra sao cho CIA. Theo bà "phụ nữ có sự nhẫn nại và kiên trì". “Họ không tìm kiếm một công việc với mức lương hấp dẫn. Đây không phải là công việc giúp người ta được thăng chức. Họ làm việc là để bảo vệ đất nước" - bà nói.
Nhưng những phân tích và cảnh báo của các nữ phân tích đã không được coi trọng. Chỉ sau khi Bin Laden bắt đầu công khai đe dọa tấn công Mỹ, thông tin tình báo của nhóm Sisterhood mới được xem xét nghiêm túc.
Song bất chấp việc các nhà phân tích nói rằng đã có dấu hiệu về một số "hoạt động lớn" sắp diễn ra, nhà chức trách vẫn không thể ngăn chặn được các vụ khủng bố 11/9/2001. Sau vụ khủng bố, Storer và các cộng sự cảm thấy họ có tội với nước Mỹ và Manhunt đã mô tả điều đó trong phim.
Sự thực không như trong phim
Vụ 11/9 không khép lại cuộc săn lùng Bin Laden của nhóm Sisterhood mà chỉ mở rộng và kéo dài nó ra thêm.
Bakos, một nhà phân tích kỳ cựu của CIA, đã được gửi tới Iraq vào đỉnh cao của cuộc chiến tranh tại đây để lần theo dấu các lãnh đạo Al Qaeda. Bà dường như là nguồn cảm hứng chủ đạo cho nhân vật Maya.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ, Bakos thường phải tham gia các cuộc đột kích để tìm kiếm mục tiêu của bà, Abu Musab Zarqawi, nhân vật khi đó là lãnh đạo Al-Qaeda. Công việc khiến bà không hề thoải mái. Giống như nhân vật Maya, bà thường phải vật lộn để chống lại việc đã chứng kiến các màn thẩm vấn có hơi hướng tra tấn nhằm thu thông tin tình báo trên chiến trường.
Nhưng Manhunt không phán xét về vấn đề đạo đức trong các phương thức thẩm vấn hà khắc của CIA và Bakos nói rằng đó là một trong những lý do bà tham gia bộ phim. Bà cũng nói rằng đã cùng các đồng nghiệp tham gia Manhunt còn vì để khán giả hiểu hơn về công việc của CIA và giới tình báo.
Về bộ phim Zero Dark Thirty, Bakos ca ngợi nó vì đã mô tả chính xác "các khoảnh khắc căng thẳng" trong cuộc săn lùng Bin Laden. Tuy nhiên bà cho rằng phim của Bigelow đã không lột tả được "các sắc thái tình báo" mà bà và các cộng sự từng săn lùng Bin Laden phải đối mặt, cho tới tận giờ. Phim của Bigelow cũng không cho thấy rằng cuộc săn lùng Bin Laden được thực hiện bởi "một tập thể " làm việc cùng nhau, dưới áp lực khổng lồ của việc phải ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố.
Theo Thể thao & Văn hóa