Năm học mới đã tới rất gần nhưng ở nhiều địa phương tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 còn thấp, đặc biệt ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 29/8, tổng số mũi vắc-xin phòng Covid-19 đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi trên toàn quốc là 15.198.299, trong đó:
Mũi 1: 9.240.404 trẻ (đạt tỉ lệ 82,9%); tăng 0,2% so với ngày trước đó.
Năm tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp dưới 67% là Đà Nẵng (58,6%); Quảng Nam (58,0%); Bình Thuận (66,3%); Tp.HCM (54,8%) và Bình Dương (60,6%).
Mũi 2: 5.957.895 trẻ (đạt tỉ lệ 53,4%); tăng 0,2% so với ngày trước đó.
Năm tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp dưới 36% là Đà Nẵng (21,3%); Quảng Nam (19,7%); Đắc Lắc (35,5%); Tp.HCM (31,5%); Bình Dương (27,2%). Ba tỉnh có tỉ lệ tiêm cao: Bắc Giang (85,1%); Sóc Trăng (91,1%); Vĩnh Long (81,0%).
Nhiều chuyên gia nhận định, trước đây, khi dịch tạm lắng, số ca nhiễm giảm mạnh, theo nhiều dự báo, không riêng gì tại Việt Nam, sau khoảng 4-5 tháng có thể có một làn sóng dịch nhưng nhỏ dần nếu quần thể dân cư được tiêm chủng đầy đủ. Việt Nam đang có làn sóng dịch mới. Số ca mắc sẽ tăng lên, giống như nhiều quốc gia khác do sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Ngày 28/8, Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, thời gian gần đây số ca Covid-19 tại thành phố có xu hướng tăng. Số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong tuần qua là 164, trong khi tuần trước đó chỉ 127.
Cùng với đó, số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng, với trung bình 64 ca nặng mỗi ngày (tháng trước dao động vài ca đến khoảng 30 trường hợp). Hơn 250 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó khoảng 80 ca nặng cần hỗ trợ hô hấp. Hầu hết bệnh nhân thở máy đều nằm trong nhóm nguy cơ cao, lớn tuổi, bệnh nền, chưa tiêm đủ vắc-xin.
PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, phân tích: “Việc hoàn thành đủ mũi vắc-xin, ngoài tác dụng bảo vệ cho chính những người được tiêm mà thông qua đó hạn chế bớt khả năng lây nhiễm của người không may mắc bệnh sang cho người khác (thời gian đào thải virus ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn, hạn chế tái nhiễm). Đây chính là nền tảng cho miễn dịch cộng đồng. Ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, việc xuất hiện các biến chủng mới chủ yếu là do xâm nhập, không phải các biến chủng này được hình thành tại các quốc gia. Nếu tất cả các nước đều thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin thì bệnh lẽ ra được khống chế sớm hơn".
Vắc-xin phòng Covid-19 hiện tại có khả năng hạn chế trong việc phòng lây nhiễm đối với các chủng SARS-CoV-2 đột biến. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy, những vắc-xin này vẫn phòng được thể nặng và nguy cơ nhập viện cũng như phòng các triệu chứng hậu Covid-19.
Ngoài ra, những người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ đáp ứng tốt hơn khi họ nhiễm virus và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với người không tiêm, từ đó sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, hạn chế khả năng lây nhiễm của virus. Đây chính là giá trị cốt lõi của vắc-xin và cũng là lý do tại sao việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải được triển khai mạnh mẽ.
Bộ Y tế khuyến cáo mọi người tiêm vắc-xin để có miễn dịch phòng bệnh, gồm 2 mũi cơ bản đối với vắc-xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna và các mũi bổ sung, nhắc lại tùy nhóm đối tượng. Cụ thể, một mũi bổ sung và hai mũi nhắc lại với người người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người có nguy cơ cao phơi nhiễm Covid-19. Một mũi nhắc lại (mũi 3) với người khỏe mạnh.
Về trường hợp trẻ đã mắc Covid-19 có phải tiêm vắc-xin hay không, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa hoàn thành liều cơ bản mà đã mắc Covid-19 thì thực hiện tiêm chủng ngay sau khi khỏi bệnh 3 tháng.
“Việc thử test kháng thể sau khi mắc Covid-19 là không cần thiết vì nồng độ kháng thể giảm dần theo thời gian nên kết quả chỉ có giá trị tại thời điểm xét nghiệm. Trẻ em cũng như người lớn nếu chưa có miễn dịch bảo vệ thì có nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19, đặc biệt nhóm trẻ mắc bệnh lí nền, bệnh mạn tính, béo phì... Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới vẫn hiện hữu, các bậc phụ huynh cần đưa con mình đi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trước khi năm học mới bắt đầu”, PGS Hồng nói.
PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, trường hợp trẻ chưa tiêm chủng đủ liều thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc-xin cơ bản với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; với trẻ từ 12 đến 17 tuổi cần đưa trẻ đi tiêm nhắc mũi 3 sau 2 mũi tiêm cơ bản để bảo vệ các cháu và không trở thành nguồn lây cho bạn bè. những người xung quanh.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, VnExpress, Tiền Phong)