Các trường hợp phải đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân
Khoản 1 Điều 3 Luật căn cước công dân 2014 quy định Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân.
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân (khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014).
Ngoài ra, tại Điều 23 Luật căn cước công dân 2014 quy định, các trường hợp phải đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân bao gồm:
- Công dân vừa đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi hoặc đủ 60 tuổi, trừ trường hợp Căn cước công dân đã được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước các mốc tuổi quy định.
- Chứng minh nhân dân hết hạn.
- Mất Chứng minh nhân dân.
- Chứng minh nhân dân hư hỏng, không sử dụng được.
- Thay đổi họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh.
- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
- Xác định lại giới tính.
- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Khi công dân có yêu cầu.
Thủ tục cấp đổi từ Chứng minh nhân dân (dành cho người đã có chứng minh nhân dân 9 số hoặc 12 số) sang thẻ Căn cước công dân theo các bước sau:
Bước 1: Mang theo Sổ hộ khẩu, điền vào Tờ khai Căn cước công dân - mẫu CC01 tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện.
Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân, cần làm thêm đơn CMND01 xin xác nhận của công an cấp xã.
Bước 2: Xuất trình sổ hộ khẩu để đối chiếu thông tin với Tờ khai. Nộp lại Chứng minh nhân dân cũ:
Đối với Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục.
Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
Ngay sau khi nhận Chứng minh nhân dân đã cắt góc hoặc sau đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc Chứng minh nhân dân 9 số có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
Trường hợp mất Chứng minh nhân dân 9 số làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất cho công dân.
Đối với Chứng minh nhân dân 12 số, cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông bên phải là 1,5cm, ghi vào hồ sơ, trả CMND đã cắt góc cho người đến làm thủ tục.
Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay, nhận Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân kiểm tra và ký xác nhận.
Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân và nộp lệ phí: 30.000 đồng.
Thời gian trả kết quả từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết); nơi trả kết quả tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện.
Thời hạn giải quyết không quá 7 ngày làm việc. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc (khoản 1 Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014).
Đổi Căn cước công dân có phải đổi sổ bảo hiểm xã hội không?
Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định các trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội như sau:
- Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng.
- Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch.
Với quy định này, có thể thấy, không ghi nhận trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội khi đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân.
Trước đó, Công văn 3835/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ bảo hiểm xã hội và Chứng minh nhân dân có nêu, nếu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số Chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp Giấy Chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, khi người lao động thay đổi từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân hoặc thay đổi thông tin trên các loại thẻ này đều không phải thực hiện thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, số Chứng minh nhân dân hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, người lao động nên lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS) để cơ quan bảo hiểm xã hội cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.
Xem xét giảm phí đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
Đây là một trong những loại phí mà Bộ Tài chính đang xem xét giảm theo đề nghị của Bộ Công an.
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Công an đã có công văn gửi Bộ Tài chính rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang xin ý kiến về dự thảo thông tư quy định mức thu, nộp phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, lệ phí cấp Căn cước công dân.
Theo dự thảo Thông tư, mức thu nộp lệ phí cấp Căn cước công dân sẽ giảm như sau:
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cũng sẽ được giảm 50% mức phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC.
Như vậy, nếu chiếu theo Thông tư 59/2019/TT-BTC thì mức phí cấp căn cước công dân mới theo dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính sẽ như sau:
Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân sẽ nộp phí 15.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Mức thu phí đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ khi công dân có yêu cầu sẽ là 25.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Mức thu phí cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam sẽ là 35.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Hoàng Mai