Hai hoàn cảnh, hai thân phận
Anne Bonney, sinh ra ở County Cork, Ireland, là con gái bất hợp pháp của luật sư William Cormac và giúp việc gia đình của ông. Họ di cư sang Mỹ sau khi sinh của Anne vào cuối những năm 1600 và định cư ở một đồn điền gần Charleston, Nam Carolina. Là một người phụ nữ trẻ cứng đầu "với một tính khí khốc liệt và can đảm", cô đã bỏ trốn theo một chàng trai trẻ ăn không ngồi rồi tên là James Bonney trái ngược với mong muốn của cha cô.
James đã đưa cô đến hang ổ của hải tặc ở New Providence ở Bahamas. Năm 1718, khi đô đốc Bahamas Woodes Rogers thực hiện lệnh ân xá của nhà vua với những nguời làm nghề cướp biển, James quay sang làm người cung cấp thông tin, sống trong chuẩn mực của luật pháp. Quá chán ghét với sự hèn nhát của chồng, Anna sau đó đã gặp và đem lòng yêu vị thuyền trưởng cướp biển ngang tàng Jack Rackham.
Mary, Anne Bonney và Rackham
Ngụy trang như một nam nhi, cô bắt đầu đi biển với ông này trên chiếc thuyền Vanity với lá cờ hình đầu lâu và dao găm đan chéo điển hình của dân cướp biển, bắt đầu chuyến đi săn tìm những chiếc tàu rời khỏi Cuba và Hispaniola mang theo kho báu của người Tây Ban Nha.
Cô đã mang thai với Jack và chỉ tạm nghỉ hành nghề trong một thời gian rất ngắn đủ để sinh con. Đứa trẻ sau đó được gửi cho một bạn của cô ở Cuba để mẹ nó, Anna quay về với cuộc sống phiêu lưu của cô trên những con sóng đại dương.
Mary khác với Anne, có một tuổi thơ khá bất hạnh. Cô sinh ra tại Plymouth nước Anh vào khoảng năm 1.690. Người cha danh nghĩa của Mary là một người đi biển chuyên nghiệp, yêu biển hơn gia đình, ông đã bỏ nhà theo một chuyến hành trình dài vô tận mà không bao giờ quay lại nữa. Ông để mặc người vợ khốn khổ đang mang thai vò võ chờ chồng. Người vợ đến kỳ cũng sinh hạ được một bé trai ốm yếu, dặt dẹo. Cuộc sống khốn khó khiến đứa trẻ này không sống được đến tuổi trưởng thành. Khi bà mẹ mang thai và sinh nở lần hai với một nguời đàn ông lạ thì cậu cũng trút hơi thở cuối cùng. Mary là đứa con ngoài giá thú và là đứa trẻ duy nhất trong gia đình còn lại. Người mẹ sau nhiều năm chờ chồng quay về một cách vô vọng cũng kiệt sức, thêm nữa là gia cảnh nghèo túng dẫn tới không còn đồng nào để nuôi nổi Mary. Bà đành mang Mary tới London, cầu xin sự giúp đỡ về tài chính của mẹ chồng.
Biết mẹ chồng mình đã già và không thích con gái nên nguời mẹ đã cải trang Mary thành một cậu bé và dặn cô bé giả vờ làm con trai bà. Bà lão già cả đã bị gạt thành công và hứa sẽ giúp đỡ hai mẹ con họ. Mary vẫn tiếp tục sống trong trang phục nam giới trong nhiều năm, ngay cả khi bà nội đã mất và sự trợ giúp tài chính không còn nữa.
Được hơn mười tuổi thì Mary được thuê làm người hầu - footboy - cho một phụ nữ Pháp. Tuy nhiên, nơi này cô chẳng ở được lâu vì sớm phát triển tính cách ngang tàng mạnh mẽ và tâm lý dao động. Mary trốn lên tàu của một người lính để làm phục vụ một thời gian rồi cũng bỏ đi tìm miền đất mới.
Vào những năm 1700, cuộc sống đối với một phụ nữ khó khăn hơn nhiều so với việc làm nam giới. Nhận thức được điều đó, Mary quyết định quay về ăn vận như nam nhi và bắt đầu cuộc sống phiêu bạt, lần này là đi biển trên một tàu buôn Hà Lan hướng về vùng biển Caribbean.
Trong chuyến đi cuối cùng, con tàu bị cướp bởi hải tặc Anh. Mary bị bắt và trong một sự tình cờ của số phận, cô đã quyết định trở thành cướp biển. chung vai sát cánh chiến đấu cùng những người này cho tới khi họ chấp nhận sự tha thứ của đức Vua vào năm 1718.
Cuộc gặp gỡ định mệnh và sự kết thúc trớ trêu
Chán sống cuộc sống trong vòng cương tỏa của luật pháp, Mary quay lại làm cướp biển. Chẳng được bao lâu sau năm 1718, con tàu của Mary lại đụng độ với tàu Vanity của thuyền trưởng Jack Rackham. Anne Bonney lúc đó là một thành viên trong nhóm Rackham. Cô và Mary nhanh chóng phát hiện ra bí mật của nhau và trở thành đôi bạn thân.
Mặc dù mang vẻ bề ngoài nghiêm khắc và lãnh đạm, cuối cùng Mary cũng phải lòng một chàng trai khác trên thuyền. Trái tim họ gặp nhau sau một lần Mary xả thân cứu anh ta trong một trận tử chiến. Ở giây phút nguy kịch nhất, Mary đã lao vào chiến đấu với đối thủ của chàng trai này, dùng thanh kiếm và khẩu súng lục chết người của cô để kết thúc cuộc sống của hắn trước khi gã có thể làm hại tới người chồng tương lai của cô.
Vào một đêm cuối tháng 10/1720, khi tàu Rackham đang neo đậu ngoài khơi bờ biển Point Negril, Jamaica để kỷ niệm chiến thắng vừa qua theo truyền thống của họ bằng một trận rượu sống chết thì đột nhiên một chiếc tàu Hải quân Anh, đứng đầu là thuyền trưởng Jonathan Barnet ập đến. Những tên cướp biển nam giới say mèm nhanh chóng chui tọt xuống boong tàu trốn, để mặc Anne và Mary chiến đấu để bảo vệ con tàu của họ. Những người phụ nữ này đã hét lên với những tên cướp biển khác rằng: “Đến đây, đồ hèn, hãy chiến đấu như những người đàn ông". Hai người đàn bà trong cơn giận điên cuồng thậm chí đã đánh cả đồng bọn, giết chết 1 người đồng thời làm bị thương một số khác. Tuy vậy, cuối cùng họ vẫn đo ván bởi lính hải quân Anh. Toàn bộ toán cướp bị bắt và đưa đến Jamaica để hầu tòa.
Thuyền trưởng Jack và các thành viên nam của thủy thủ đoàn bị xét xử ngày 16/11/1720, và bị kết án treo cổ. Anne được phép đến thăm người yêu của mình trong ngục trước khi ông này phải thi hành án. Thay vì nói những lời an ủi, yêu thương, động viên được mong đợi, cô đã dùng những ngôn từ gay gắt cay độc còn lưu lại mãi trong lịch sử: "Nếu anh đã chiến đấu như một người đàn ông thì đừng chui đầu vào rọ treo cổ như một con chó. "
Anne và Mary bị xét xử một tuần sau cái chết của Rackham và cũng bị kết tội. Khi quan tòa hỏi xem liệu họ còn bất cứ điều gì để nói nữa không, cả hai đều trả lời: "Thưa ngài, hãy nhìn xuống bụng của chúng tôi”. Cả hai lúc đó đều đang mang thai, và kể từ khi luật pháp Anh cấm giết chết một đứa trẻ chưa sinh, lời nói đó giúp họ tạm thời được ở lại với cuộc sống.
Sống cuộc đời ẩn dật khi thoát khỏi sự phán xét của công lý? Anne ngược lại không có tài liệu nào về cuộc đời cô sau vụ xét xử đó. Một số người nói rằng, người cha giàu có của cô đã mua chuộc tòa án và giúp cô tại ngoại sau khi cho ra đời một đứa trẻ kháu khỉnh. Hai mẹ con sau đó sống im hơi lặng tiếng trên một hòn nhỏ thuộc vùng biển Caribbean. Những người khác tin rằng cô đã sống phần đời còn lại ở phía nam nước Anh, sở hữu một quán rượu nhỏ nơi bà thường mua vui cho người dân địa phương bằng những câu chuyện về cướp biển và giết chóc của mình. Những người khác nói rằng, Anne và Mary chuyển đến Louisiana, nơi họ nuôi dạy những đứa trẻ lớn lên cùng nhau và làm bạn tri kỷ cho đến hết đời. Cũng có tin cho rằng, Mary được cho là đã chết vì trận sốt dữ dội trong nhà tù Town, Tây Ban Nha năm 1721, trước khi sinh hạ đứa con đầu lòng. Tuy nhiên nhiều tài liệu lại cho rằng, bà ta đã giả vờ chết và đã lẻn ra khỏi nhà tù cùng tấm vải liệm. |
Minh Nguyệt (Theo Toptenz)