Phá thế cô lập của người Đan Lai
Chỉ cách trung tâm khoảng 40km nhưng bản Búng và Cò Phạt, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An gần như thuộc về thế giới riêng biệt. Bình thường để vào 2 bản, chỉ có thể đi bằng thuyền trên sông Giăng, gặp mùa nước cạn thì phải theo đường bộ vượt hàng chục con dốc và khe suối, còn khi lũ lên thì gần như không thể vào nổi.
Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Bởi vì sống hoàn toàn trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát nên cuộc sống của người dân nơi đây hoàn toàn dựa vào rừng và sông suối. Thế nhưng hiện nay, thú rừng đã hết, vườn quốc gia được thành lập nên họ không được phép chặt cây làm rẫy nữa, cuộc sống lại càng thêm khó khăn. Ở 2 bản này, 100% là hộ nghèo”.
Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất chính là nhận thức và tư duy của người Đan Lai. Họ không có tri thức, sống hoang dã, tư tưởng bảo thủ, lại có nhiều hủ tục lạc hậu, vì vậy dẫn đến dân số càng ngày càng giảm. Có thời điểm, dân tộc Đan Lai chỉ còn hơn 3.000 người.
Trước nguy cơ này, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát. Đề án đặt mục tiêu 146 gia đình tộc người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu.
Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, cách chỗ ở cũ khoảng 60 km. Người dân được xây nhà, cấp ruộng nước, đất rừng và được trợ cấp gạo ăn trong 1 năm. Năm 2019, 22 hộ tiếp theo đã được định cư ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn.
Tuy nhiên, vấn đề khiến các cấp chính quyền “đau đầu” chính là những hộ dân còn lại ở vùng lõi vườn quốc gia này. Ngoài việc đề án đang bị tạm dừng thì chính những người dân này không chịu rời khỏi nơi “chôn rau cắt rốn”. Vì vậy, bắt buộc các cấp chính quyền phải tìm biện pháp để giúp cuộc sống của người dân thoát khỏi cảnh “đói ăn từng bữa”.
Một trong những biện pháp UBND huyện Con Cuông đang tiến hành làm đó là “khai thông” sự biệt lập của người Đan Lai nơi đây và biến những điểm hạn chế thành thế mạnh khi tạo điểm du lịch cộng đồng.
“Huyện đang bảo tồn ngôn ngữ, lưu giữ mái nhà tranh của người Đan Lai để xây dựng bản Cò Phạt thành điểm du lịch độc đáo. Năm 2013, huyện thực hiện dự án tái định cư đồng bào Đan Lai của Trung ương, mở tuyến đường xuyên núi song song sông Giăng, dài hơn 20 km. Hiện đi xe máy từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Cò Phạt mất hơn 1 giờ. Huyện đang kêu gọi đầu tư rải nhựa tuyến đường để giảm thời gian xuống 20 phút”, ông Sơn nói.
Trước mắt, các hộ dân còn lại ở bản Cò Phạt và bản Búng thì sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái. Bắt đầu từ việc các cấp chính quyền và lực lượng biên phòng đã tiến hành làm con đường chạy vắt vẻo qua các sườn núi được mở thông suốt từ trung tâm xã Môn Sơn chạy qua Cò Phạt và vào tận bản Búng. 4 cây cầu treo qua suối được xây dựng xong, phá thế cô lập hàng trăm năm nay của họ với thế giới bên ngoài.
Vì vậy, từ nay ngoài con đường men theo khe dòng nước thì con đường mòn này chính là lối đi tiện lợi nhất để đưa hàng hóa vào trong bản. Các chiến sĩ bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ đồng bào Đan Lai canh tác lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại rau, đậu, tự sản xuất hàng hóa để giảm dần sự lệ thuộc và tự nhiên, chủ động được cuộc sống của mình.
Các giáo viên đến tận nhà vận động nên trẻ em Đan Lai cũng đã được đến trường đầy đủ với điểm trường tiểu học và mầm non đóng ngay tại bản. Bà con ốm đau đã có trạm y tế quân y thăm khám, cấp thuốc kịp thời. Đặc biệt hơn, năm 2018, một bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây khi họ bắt đầu có điện lưới, rồi sóng điện thoại.
Đặc biệt, bản Cò Phạt đã có chi bộ Đảng với 8 đảng viên làm nòng cốt trong việc gương mẫu phát triển kinh tế gia đình và tuyên truyền tới bà con những chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
Người Đan Lai đầu tiên “xuất ngoại”
Một trong những tấm gương làm ăn kinh tế giỏi, cũng là Đảng viên gương mẫu nhiều năm liền được khen thưởng là ông La Văn Linh, Bí thư chi bộ bản Cò Phạt. Không những vậy, ông Linh chính là một trong những người tiên phong “mở đường” cho tộc người Đan Lai thoát nghèo nàn, lạc hậu bằng việc đưa các con của mình đi xuất khẩu lao động.
“Người dân bản còn nghèo quá, khổ quá. Nhưng do dân bản không dám đi ra làm ăn, không dám mở rộng quan hệ, tìm cái hay cái mới. Vì vậy tôi nghĩ chỉ có đi ra khỏi bản thì mới thay đổi được. Vì vậy, năm 2015, khi có chủ trương của Nhà nước, tôi đã tiên phong đưa con gái đi xuất khẩu tại Arab Saudi”, ông Linh kể.
Thời điểm đó, khi biết tin chị La Thị Sài (SN 1987, con gái ông Linh) đi xuất khẩu lao động, rất nhiều người trong bản nói thẳng rằng ông đang bị điên, hoặc có lẽ ông đã bán con rồi. Phải đến năm 2017, cả bản lại xôn xao: “Con gái ông Linh về rồi, về thật rồi”.
Dẫn tôi vào ngôi nhà mới xây, to và đẹp nhất bản, ông Linh cười nhớ lại: “Có những thời điểm tôi vô cùng mệt mỏi khi bà con dân bản không tin tưởng, nhưng đến khi con gái tôi trở về, thì tôi lập tức đưa nó đến trước cuộc họp rồi bảo phải đi mới đủ ăn được, lúc đó mọi người mới tin”.
Sau bước đi của con gái, ông Linh tiếp tục đăng kí cho con trai La Văn Thái (SN 1993) đi Malaysia. Rồi hai người con gái út đi vào miền Nam làm nhân công may mặc, lắp ráp điện tử của các công ty. Giờ đây, cuộc sống ấm no của gia đình ông Linh khiến người dân đã phải thay đổi nhận thức.
Ông Linh nói: “Chúng làm trong đó giờ có gia đình cả rồi đấy. Chính lớp trẻ này đã phá bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết do trước đây quanh năm sống co cụm trong rừng nên anh em lớn lên chỉ biết lấy nhau vì không biết lấy ai. Chúng lấy chồng xa, tôi đồng ý hết miễn là chúng hiểu nhau, yêu thương nhau”.
Học theo ông Linh, giờ trong bản Cò Phạt đã có thêm 4 người con của các ông La Văn Kiệm, La Văn Đoàn, La Văn Phú đi lao động ở Arab Saudi. Riêng nam nữ thanh niên bản Cò Phạt đi làm nhân công các công ty ở phía Nam thì không kể hết.
Biến điểm yếu thành thế mạnh
Dịp Tết Nguyên đán 2019, lần đầu tiên huyện Con Cuông tổ chức Hội chợ phiên của 13 xã, thị trấn tại Mường Quạ, xã Môn Sơn, giới thiệu sản phẩm của đồng bào các dân tộc trong huyện. “Ngoài 13 gian hàng của 13 xã, thị trấn, huyện dành riêng một gian hàng cho tộc người Đan Lai. Mặc dù bà con chỉ bày bán những củ sắn, đọt chuối rừng, lá rừng để nấu canh nhưng đây là “cú huých” để bà con Đan Lai xóa bỏ tâm lý tự ti, sống khép kín, dần dần tiếp xúc với kinh tế thị trường”, ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết.
Với mục tiêu tích cực tìm hướng đi cho cộng đồng người Đan Lai, ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho hay, đã trình kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho chủ trương điều chỉnh, bổ sung phạm vi, địa điểm thực hiện đề án hỗ trợ người dân Đan Lai để đồng hành với huyện Con Cuông xây dựng khu du lịch cộng đồng tại vùng sinh sống của 186 hộ trên thượng nguồn khe Khặng.
“Việc làm này sẽ giúp bà con vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa, vừa tạo sinh kế để duy trì ổn định cuộc sống. Còn đối với những hộ dân đã tách khỏi đất của vườn Quốc gia Pù Mát, cần quy hoạch để bố trí đủ đất ở, đất sản xuất và những công trình hạ tầng căn bản để cung cấp nước sinh hoạt, điện lưới cho bà con ổn định cuộc sống”, ông Hải nói.
Liên quan đến việc này, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tỉnh Nghệ An trong việc đồng lòng thực hiện các chính sách, công tác dân tộc trong thời gian qua.
Bà Tòng Thị Phóng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước với trách nhiệm cao nhất, giúp nâng cao vị thế của các dân tộc rất ít người để họ không còn là “lõi nghèo” của tỉnh. Từ đó, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.