Đổi thay tộc người ngủ ngồi: Giải cứu người Đan Lai khỏi suy thoái giống nòi

Đổi thay tộc người ngủ ngồi: Giải cứu người Đan Lai khỏi suy thoái giống nòi

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 2, 27/01/2020 14:07

Sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài nên các hủ tục lạc hậu đang khiến tộc người Đan Lai bị suy thoái giống nòi. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát.

Đổi thay ở tộc người ngủ ngồi, đẻ ngồi, chỉ có hai dòng họ Lê và La


Ở không được, đi cũng không xong

Tộc người thiểu số Đan Lai hiện nay chỉ còn duy nhất ở tỉnh Nghệ An, trong đó phần lớn tập trung tại bản Cò Phạt và bản Búng, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Trình độ dân trí thấp, được núi cao và sông sâu bao phủ nên cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, hằng ngày chủ yếu săn bắt, hái lượm. Mãi sau này, người Đan Lai mới biết thêm việc đốt nương làm rẫy, trồng rau nuôi trâu bò để thêm thức ăn.

Văn hoá - Đổi thay tộc người ngủ ngồi: Giải cứu người Đan Lai khỏi suy thoái giống nòi

Nơi ở của người Đan Lai nằm sâu trong rừng.

Tuy nhiên, vào năm 2001, vườn quốc gia Pù Mát được thành lập với tổng diện tích là 94.804 ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An. Điều đáng nói, nơi ở của người Đan Lai lại nằm hoàn toàn trong vùng lõi của vườn quốc gia. Vì vậy, khi cơ quan chức năng phân định ranh giới, xác nhận trong tổng diện tích thuộc quyền quản lý của đơn vị có cả quỹ đất mà người Đan Lai sinh sống bấy lâu thì họ rơi vào cảnh “ăn nhờ ở đậu”.

Không được lên rừng săn bắn, chặt cây, cuộc sống của người Đan Lai càng trở nên khốn khó hơn bao giờ hết. Tư liệu sản xuất không có, không biết các kỹ thuật trồng lúa, người Đan Lai bị nghèo đói bủa vây. Đặc biệt hơn là hủ tục lạc hậu như đẻ ngồi, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống càng khiến cho nòi giống của họ bị suy thoái, thậm chí có thời điểm báo động có khả năng tuyệt chủng.

Văn hoá - Đổi thay tộc người ngủ ngồi: Giải cứu người Đan Lai khỏi suy thoái giống nòi (Hình 2).

Cuộc sống có nhiều hủ tục khiến người Đan Lai bị suy giảm nòi giống.

Trước thực trạng trên, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án Bảo tồn, phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lại tại vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát (gọi tắt là Đề án 280). Thời điểm đề án được phê duyệt, tại 2 bản Cò Phạt và Búng chỉ có 176 hộ sinh sống. Theo kế hoạch 146 hộ sẽ được di dời đến nơi ở mới tại xã Thạch Ngàn, 30 hộ còn lại sẽ tiếp tục sinh sống ở bản Cò Phạt với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, khai thác và gìn giữ nét đặc trưng văn hóa.

Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, cách chỗ ở cũ khoảng 60 km. Tuy nhiên sau đó, dự án bất ngờ bị đình trệ, hàng trăm hộ dân khác vẫn loay hoay không biết nên đi hay ở. Sau hơn 10 năm, tộc người Đan Lai ở vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát đã tăng lên gần 230 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư mới do nhiều năm bỏ hoang đã có nhiều dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.

“Những cặp vợ chồng mới cưới muốn dựng nhà cũng không được vì không biết lấy đâu ra gỗ và đất. Mọi người sinh sống nhiều đời từ trong này rồi, vườn quốc gia thì mới thành lập, nhưng khi đo đạc lại lấy luôn đất của người dân cho vào bản đồ. Bây giờ sinh sống, canh tác của người dân rất cực khổ. Ruộng thì ít, đi hái măng kiểm lâm cũng không cho”, ông La Văn Hồng, người dân bản Cò Phạt cho biết.

Văn hoá - Đổi thay tộc người ngủ ngồi: Giải cứu người Đan Lai khỏi suy thoái giống nòi (Hình 3).

Trẻ em Đan Lai không được tiếp xúc với nền văn minh xã hội.

Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông cho biết, khó khăn khi thực hiện đề án này là thiếu vốn. Do nguồn vốn rót nhỏ giọt, nên từ 93 tỉ đồng phê duyệt ban đầu, đã đội lên hơn 320 tỉ đồng, nhưng mục tiêu vẫn dang dở. Dự án phê duyệt thực hiện trong 3 năm, từ 2007 đến 2009, nhưng phải kéo dài thêm 10 năm sau vẫn chưa về đích. Trong khi đó, ở 2 bản này đã phát sinh thêm 87 hộ.

Một dự án tái định cư cho 42 hộ khác cũng ở xã Thạch Ngàn theo đề án đã bị đổ vỡ vì quỹ đất không đủ. Thậm chí, nếu sau khi 35 hộ vào giữa năm 2019 ra khỏi rừng, hai bản Búng và Cò Phạt này vẫn còn 188 hộ dân. Không những vậy, còn một khó khăn nữa là lối sống quen ở trong rừng đã bám vào tiềm thức của người dân, muốn đi thì phải di chuyển toàn bộ anh em, họ hàng. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện nay, mục tiêu chỉ còn 30 hộ dân sống trong rừng ở bản Cò Phạt như Đề án 280 kỳ vọng đã không thành hiện thực.

Hành trình di dời mang tính lịch sử

Tuy nhiên, ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khẳng định, không thể bỏ dở cuộc “giải cứu” này khi cuộc sống người dân Đan Lai ở đây vẫn chưa thoát được đói nghèo. Mục tiêu chính là vẫn thực hiện Đề án 280, đó là đưa các hộ dân ra khỏi vùng lõi vùng quốc gia vườn Pù Mát. Vừa nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người này, đồng thời đảm bảo khu vực an ninh biên giới, bảo vệ hệ sinh thái vườn quốc gia Pù Mát.

Vì đặc thù người Đan Lai có sự cố kết anh em, dòng họ, chỉ cần một người nói không đi là những người khác sẽ nghe theo. Vì vậy, để tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết về nơi ở mới, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã dày công đi từng cửa, gõ từng nhà. Ngoài ra, huyện Con Cuông đã tập trung tạo điều kiện giúp các hộ nào đồng ý trước thì di dời trong tháng 7/2019 sớm ổn định cuộc sống, để các hộ khác thấy rõ “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.

Văn hoá - Đổi thay tộc người ngủ ngồi: Giải cứu người Đan Lai khỏi suy thoái giống nòi (Hình 4).

Chính quyền cùng các già làng làm lễ tại nơi ở mới.

Ông Lô Văn Thao cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại với dân nhằm vận động, thuyết phục các hộ tại hai bản dân cư đang sinh sống tại vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát là Cò Phạt và Khe Búng ra nơi ở mới. Bên cạnh đó tổ chức đưa người dân đến tham quan tại khu tái định cư để bà con yên tâm về nơi ở mới”.

Về khu tái định cư mới, ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Ngoài việc lên phương án thống kê chi tiết tài sản, số hộ, số khẩu để chuẩn bị công tác di dời. Chúng tôi đã tu sửa các hạng mục cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng và các công trình phụ tạo điều kiện để cho bà con tái định cư yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới”.

Văn hoá - Đổi thay tộc người ngủ ngồi: Giải cứu người Đan Lai khỏi suy thoái giống nòi (Hình 5).

Xây dựng khu tái định cư để đón 22 gia đình Đan Lai ra khỏi rừng.

Trước sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cuối cùng đã có 22 gia đình đồng ý đến nơi ở mới. Những ngày cuối tháng 7/2019, mọi người đã tạm biệt nơi “chôn rau cắt rốn” ở trong rừng để đến khu tái định cư Bá Hạ – Kẻ Tắt, thuộc xã Thạch Ngàn. Trong năm đầu tiên tại nơi ở mới, các hộ sẽ được hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, lương thực, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất và mua sắm công cụ lao động… và còn được cấp các loại bìa liên quan đến đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp và đất nông nghiệp.

Như vậy, phải sau 12 năm từ lần di dời đầu tiên của 42 hộ dân người Đan Lai thì đến nay mới tiếp tục thêm 22 gia đình khác được “giải cứu”. Đây là thành công bước đầu để tiến tới việc di dời các hộ còn lại. Tuy nhiên, trao đổi thêm về việc này, ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay: “Mặc dù đã có thành công, tuy nhiên chúng tôi vẫn còn đang rất trăn trở khi vẫn còn rất nhiều hộ dân Đai Lai đang ở trong rừng sâu. Chúng tôi đang tiến hành tham mưu với tỉnh Nghệ An về vấn đề này để có thể đảm bảo cuộc sống cho người Đan Lai trong vùng lõi vườn quốc gia”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.