Nội dung văn bản số 1922 yêu cầu các sở, ban ngành thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội là chuyển công tác quản lý, vận hành, khai thác KĐT Nam Trung Yên từ Xí nghiệp Quản lý dịch vụ & khai thác KĐT sang cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (viết tắt là Tổng Nhà Hà Nội). Dư luận đặt câu hỏi, sự đổi thay, xáo trộn này có ngụ ý gì, cho ai hưởng lợi?
Tùy tiện với “nguyên tắc”
Qua tìm hiểu, tiếp cận với các văn bản về vấn đề trên, PV nhận thấy, văn bản 1922 là "lưỡng tính". Bởi nó chẳng phải là quyết định, cũng không phải là thông báo nên thật khó hiểu giá trị pháp lý đích thực của nó. Nội dung văn bản 1922 có nhiều mâu thuẫn. Hình như, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội rất yêu thích cụm từ "đồng ý về nguyên tắc" thì phải (trong văn bản 4858 cũng có cụm từ này).
Nhưng, "đồng ý về nguyên tắc" gì, nguyên tắc nào, ra sao thì không giải thích. Văn bản 1922 giao cho sở Xây dựng hướng dẫn Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Tổng Nhà Hà Nội) và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tổ chức bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng nhà ở tái định cư tại KĐT Nam Trung Yên trong khi "đề án tiếp nhận, quản lý, vận hành, khai thác" khu tái định cư Nam Trung Yên của Tổng Nhà Hà Nội chưa hoàn thiện. UBND TP. Hà Nội còn "giục" Công ty này khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan để hoàn thiện đề án. Phải chăng, đây là sự thay đổi có chủ ý.
Một điểm trông xe ở KĐT Nam Trung Yên. (Ảnh Bảo Lâm).
Theo phân tích của một cựu cán bộ quản lý nhà (ở Hà Nội) thì, việc UBND TP. Hà Nội chuyển chủ quản lý KĐT như vậy là "chưa được" ở 3 lý do. Thứ nhất, Tổng Nhà Hà Nội có chức năng, nhiệm vụ xây dựng nhà, lo chỗ ở cho người dân chứ không có chức năng quản lý, vận hành, khai thác những tòa nhà đã xây xong.
Thứ 2, Xí nghiệp Quản lý dịch vụ & khai thác các KĐT (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý & Phát triển Nhà Hà Nội) có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, vận hành, khai thác các KĐT đang thực hiện nhiệm vụ tại KĐT Nam Trung Yên, phải bàn giao cho Tổng Nhà Hà Nội thì quá lãng phí trình độ chuyên môn của cán bộ công nhân vận hành quản lý. Xí nghiệp này có những nhiệm vụ được quy định như thu thuế nhà nộp ngân sách nhà nước, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà... cho các hộ dân, trong khi Tổng Nhà Hà Nội thì không có.
Thứ 3, muốn thay đổi "chủ" quản lý của KĐT thì cần phải tham vấn ý kiến của các hộ dân trực tiếp sống ở KĐT đó đó xem nguyện vọng của họ thế nào, từ đó mới xây dựng đề án. Ở đây, UBND TP. Hà Nội gần như áp đặt là trái với thỏa thuận, cam kết với các hộ dân vô hiệu hóa chức năng nhiệm vụ quản lý KĐT của đơn vị trược thuộc thành phố quản lý.
"Giọt nước làm tràn ly"
Theo phản ánh của các hộ dân KĐT Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) thì, văn bản 4858 cho phép Liên danh Hà Thành - Thăng Long "trúng thầu" khai thác sân chơi, lề đường làm nơi trông giữ ô tô, chỉ là "giọt nước làm tràn ly".
Sự xáo trộn về công tác quản lý KĐT này đã được UBND TP. Hà Nội thông báo tại văn bản số 1922, ngày 21/3/2012. Với các hộ dân, nội dung trong văn bản 1922 này thể hiện sự kém sâu sát, thiếu hiểu biết "lòng dân", trái với Điều 40 Nghị định 71/2010/NĐCP và điều 51 Luật nhà ở của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Nếu nó được thực thi, sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống của người dân.
Đồng thời, người dân thắc mắc, sự xáo trộn này để làm gì - trong khi Xí nghiệp quản lý dịch vụ & khai thác khu đô thị, một đơn vị của TP. quản lý đang vận hành tốt, có đầy đủ chức năng nhiệm vụ thực hiện đang quản lý KĐT Nam Trung Yên - vậy để cho ai được hưởng lợi trong việc xáo trộn này?
Ông Phan Thanh Hòa - cán bộ hưu trí, ở nhà B3D - KĐT Nam Trung Yên bức xúc: "Lãnh đạo thành phố ở trên, cứ mang cái "nguyên tắc" ra nói đi, nói lại ở các văn bản như thế phải lắng nghe ý kiến của nhân dân đang sinh sống ở đây đã, chúng tôi thấy không ổn.
Hãy căn cứ vào thực trạng đời sống của chúng tôi mà giúp đỡ chúng tôi sống ổn định, tốt hơn chứ cứ xáo trộn thế này, chúng tôi mệt mỏi lắm".
N.P.V (Còn nữa)