Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng đã tham dự, phát biểu tại Đối thoại. Cuộc đối thoại còn có sự tham dự của các Bộ trưởng, lãnh đạo cấp Bộ của một số nền kinh tế thành viên, Tổng giám đốc điều hành ban Thư ký APEC, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) kiêm Trưởng đại diện FAO châu Á - Thái Bình Dương và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC.
Gần 700 đại biểu của các thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp cũng tham dự các hoạt động trong Tuần lễ an ninh lương thực.
Phát biểu định hướng tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, APEC gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực.
Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra rào cản cho sự phát triển chung. Điều này đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu, hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Thông qua đối thoại, Phó Thủ tướng đề nghị các nền kinh tế thành viên APEC tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị các nền kinh tế thành viên đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn đối thoại tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp; tăng cường hợp tác nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc các nền kinh tế thành viên cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một thị trường tiêu thụ lương thực toàn cầu bình đẳng dựa trên các quy tắc, thoả thuận thương mại đa phương, coi các hoạt động thương mại như một thành tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Việc đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới giữa các nền kinh tế cũng được Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặt vấn đề cuộc đối thoại cần chú ý thảo luận việc đẩy mạnh phát triển nông thôn - đô thị, nỗ lực kết nối với vùng sâu, vùng xa; phát huy vai trò của cộng đồng và doanh nghiệp thông qua mối quan hệ đối tác công – tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, viễn thông, internet, nhất là ở những vùng kém phát triển. Gắn kết các chương trình kết nối khu vực, trong đó có kết nối của ASEAN và các chương trình kết nối tiểu vùng Mê Kông.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng mong muốn cuộc đối thoại tích cực triển khai Khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, hợp tác xây dựng hệ thống phòng ngừa thiên tai, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát triển nông thôn bền vững và bảo đảm quyền lợi của cộng đồng ngư dân ven biển.
Kết thúc buổi làm việc cuối cùng, Đối thoại an ninh lương thực đã thông qua văn kiện mang ý nghĩa quan trọng bao gồm: Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu (MYAP).
Buổi làm việc cuối cũng ghi nhận việc thông qua Kế hoạch hành động (AP) thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.
Đặc biệt, đối thoại an ninh lương thực cũng thông qua văn kiện Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong tuần lễ an ninh lương thực cũng diễn ra nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa lãnh đạo các bộ, ngành phụ trách nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC. Theo đó, Australia và Việt Nam đã ký kết “Ý định thư hợp tác lâu dài trong nghiên cứu nông nghiệp” và “Bản ghi nhớ về phòng chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định”.
Cũng trong dịp này, lãnh đạo bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã có buổi làm việc với Phó Tổng giám đốc FAO kiêm Trưởng Đại diện FAO châu Á - Thái Bình Dương.
Thông qua buổi làm việc FAO khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thông qua tăng cường năng lực về chính sách, thể chế, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo gắn với sáng kiến “Không đói nghèo”, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.