Đối thoại ASEAN và APEC: Cùng xây đắp tương lai chung

Đối thoại ASEAN và APEC: Cùng xây đắp tương lai chung

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Chủ nhật, 12/11/2017 08:00

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra từ ngày 5 – 11/11/2017 tại Đà Nẵng, có một sự kiện rất đáng chú ý, đó là cuộc đối thoại cấp cao không chính thức lần đầu tiên giữa Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Với chủ đề “Cùng tạo động lực mới vì một châu Á – Thái Bình Dương kết nối toàn diện”, cuộc đối thoại đặc biệt này nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kết nối giữa APEC với tư cách là Diễn đàn hàng đầu khu vực về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và Hiệp hội ASEAN hiện đang đóng vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề then chốt ở khu vực.

Tiêu điểm - Đối thoại ASEAN và APEC: Cùng xây đắp tương lai chung

Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam. 

Tham dự cuộc đối thoại có lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế APEC và 10 quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có 3 thành viên ASEAN nhưng chưa phải là thành viên của APEC là Lào, Campuchia và Myanmar, cùng với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Đây là sáng kiến của Việt Nam nhằm tăng cường đối thoại, thúc đẩy kết nối để tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa APEC và ASEAN – hai cơ chế đa phương hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cuộc đối thoại đã thu hút sự quan tâm lớn của tất cả các bên; không khí đối thoại cởi mở, thẳng thắn và rất thành công. Nội dung đối thoại nổi lên 4 điểm nhấn quan trọng và rất đáng chú ý.

Thứ nhất, các thành viên APEC và ASEAN đều chia sẻ những lợi ích chung to lớn ở khu vực và trên thế giới. Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính năm 2008-2009 đến nay, nền tảng của kinh tế thế giới đã và đang thay đổi rất cơ bản.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế phải không ngừng nắm bắt xu thế cải cách, phát triển xanh, bền vững, không ngừng sáng tạo, ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu...

Các thành viên APEC và ASEAN đều có nhu cầu tìm kiếm động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế, thương mại ở khu vực. Đặc biệt, ASEAN từ khi hình thành Cộng đồng ASEAN (2015) đến nay, hơn bao giờ hết lại càng có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với các đối tác để duy trì động lực tăng trưởng, thúc đẩy cải cách…, mà trong đó các thành viên APEC đều là những đối tác quan trọng và phù hợp nhất.

Thứ hai, các thành viên ASEAN và APEC đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy kết nối toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực rất đa dạng, trải dài trên một khu vực địa lý rộng lớn ở cả hai bờ Đông và Tây Thái Bình Dương.

Do vậy, tăng cường kết nối là phương thức quan trọng hàng đầu để đưa các thành viên trong cộng đồng xích lại gần nhau, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Nhận thức rõ tầm quan trọng của kết nối nên từ nhiều năm qua, cả APEC và ASEAN đều coi tăng cường kết nối khu vực là những ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của mỗi tổ chức/diễn đàn.

Tuy có nhiều điểm tương đồng như vậy, nhưng chỉ đến cuộc đối thoại lần này tại Việt Nam, ASEAN và APEC, với tư cách là hai cơ chế đa phương quan trọng nhất ở khu vực, mới ngồi lại với nhau, cùng nhau đối thoại để hiểu nhau hơn và cùng tìm biện pháp thúc đẩy hợp tác, kết nối toàn khu vực.

Các thành viên đều nhất trí sẽ thúc đẩy kết nối toàn diện, từ hạ tầng cơ sở, tới tài chính-ngân hàng, hậu cần, dịch vụ, du lịch, văn hóa và quan trọng nhất là kết nối con người thông qua tăng cường giao lưu nhân dân.

Thúc đẩy kết nối đang trở thành hướng hợp tác then chốt không chỉ giữa ASEAN với APEC, mà còn với nhiều đối tác khác nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển ổn định, năng động và bền vững lâu dài.

Ba là, năm 2017 cũng là thời điểm ASEAN đang thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1967 - 2017). Nhìn lại 50 năm qua, từ một khu vực nghèo nàn, lạc hậu và bị chia rẽ sâu sắc, ASEAN đã trở thành nhân tố đoàn kết, góp phần quan trọng đưa Đông Nam Á trở thành khu vực tương đối hòa bình, ổn định và phát triển năng động.

ASEAN đã xây dựng thành công các cơ chế đối thoại, hợp tác với rất nhiều đối tác trong và ngoài khu vực, đóng vai trò không thể thiếu trong các cấu trúc và các liên kết kinh tế khu vực.

Đối thoại với APEC, kết nối với các nền kinh tế thành viên APEC là một hướng đi đúng đắn của ASEAN, có thể giúp ASEAN phát huy được các thế mạnh của mình trong 50 năm qua và góp phần vào duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đồng thời góp phần bảo đảm cho tương lai tương sáng của ASEAN trong 50 năm tới.

Bốn là, từ khi gia nhập ASEAN (1995) đến nay, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên có trách nhiệm, ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực cho ASEAN. Việc đề xuất ý tưởng và triển khai cuộc đối thoại này trên thực tiễn cho thấy Việt Nam đang và sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy các ưu tiên của ASEAN, góp phần định hình những xu hướng hợp tác lớn của ASEAN trong tương lai và góp phần củng cố ASEAN như là một cơ chế quan trọng trong trật tự khu vực hiện nay.

Hơn nữa với tư cách là chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam mong muốn làm cho APEC ngày càng thiết thực, hiệu quả. Cuộc đối thoại là một nỗ lực nhằm góp phần nâng cao vị thế của APEC trong việc thúc đẩy các liên kết kinh tế - thương mại khu vực sâu rộng hơn; quảng bá APEC rộng rãi hơn trong cộng đồng khu vực và trên thế giới, tạo tiền đề để APEC bước vào thập niên phát triển thứ 4 với thế và lực mới.

Nói tóm lại, cuộc đối thoại lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN đã diễn ra thành công với những nội dung và đồng thuận quan trọng, đúng như dự kiến của nước chủ nhà, đã chuyển tải đầy đủ các thông điệp của lãnh đạo cấp cao hai bên, góp phần thúc đẩy các xu hướng đối thoại, liên kết, hợp tác hướng tới mục tiêu chung là cùng nhau tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung cho một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, ngày càng gắn bó, phát triển năng động và bền vững lâu dài.

Tiến sĩ Trần Việt Thái
Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược
Học viện Ngoại giao

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.