Đặt mục tiêu xác lập được nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư
Ngày 8/12, tại đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đoàn công tác Bộ NN&PTNT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tổ chức đối thoại “đầu bờ” với chủ đề “Thúc đẩy cộng đồng quản lý vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác. Cùng đi với đoàn có ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; các đại diện Hội Thủy sản Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Chương trình Tài trợ nhỏ, Sáng kiến Tài chính Đa dạng sinh học, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và lãnh đạo một số ban ngành, viện ở tỉnh Khánh Hòa.
Bà Phan Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa cho biết, Tổ dân phố Bích Đầm nằm gần phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun nên các hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, xả rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường làm nguy hại cho rạn san hô ở Hòn Mun rất dễ xảy ra.
Thực tiễn trong thời gian vừa qua, môi trường vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có rác thải nhựa.
“Trước thực trạng đó, nhằm xác lập mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư Bích Đầm, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang nói chung và biển Hòn Mun nói riêng…, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Chương trình phát triển Liên hợp quốc phê duyệt dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa”. Dự án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chủ trương thực hiện”, bà Bình cho biết.
Dự án có 3 mục tiêu chính, trong đó có mục tiêu xác lập được nền tảng kinh tế bền vững cho cộng đồng dân cư ở Tổ dân phố Bích Đầm và dân cư sống lân cận phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang.
Một trong những hoạt động quan trọng của dự án là tổ chức các diễn đàn đối thoại.
Thông qua đó, tìm giải pháp, huy động cộng đồng và khối tư nhân hợp tác với các bên liên quan thuộc khối nhà nước, cùng nhau bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và rạn san hô, giảm thiểu rác thải nhựa; giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng; xác lập và duy trì nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng Tổ dân phố Bích Đầm…
Hội nghị đối thoại “đầu bờ” giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với ngư dân đảo Bích Đầm nhằm tiếp nhận nguyện vọng; tìm hiểu khó khăn, thách thức khi người dân hoạt động nghề cá.
Ngư dân trên đảo Bích Đầm nêu lên các khó khăn
Ông Võ Ngọc Anh, người dân ở Tổ dân phố Bích Đầm cho biết, bà con ngư dân trên đảo chủ yếu là đánh bắt gần bờ nên thu nhập ngày càng ít đi, đời sống kinh tế của người dân địa phương còn gặp khó khăn.
Điện sinh hoạt ở đảo cũng đang thiếu, người dân chỉ có thể thắp điện từ 17h30-21h30 hàng ngày, còn lại là thắp đèn.
Vì vậy, ông mong muốn nhà nước có các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế cho người dân ở đảo như có các chương trình cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp để người dân vay; có nguồn điện lâu dài, thường xuyên để bà con có điều kiện phát triển kinh tế…
Ngoài ra, ông cũng đề cập đến việc cần trung tu đình Bích Đầm hiện đã xuống cấp.
Đồng ý kiến với ông Anh, nhiều ngư dân cũng cho rằng cần có điện để tổ dân phố phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn có phương tiện để đưa người dân ở đảo đi cấp cứu khi có ốm đau, bệnh tật xảy ra.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh mong muốn có sinh kế bền vững để phụ giúp gia đình.
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn đầu của dự án, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện phương tiện và sinh kế cho người dân trên đảo. Một trong những biện pháp hướng đến là phát triển du lịch cộng đồng để tạo công ăn việc làm.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, đã nắm bắt những nguyện vọng chính đáng của người dân trên đảo Bích Đầm như lắp điện để đảm bảo cuộc sống, trạm xá chăm sóc khi ốm đau hay phương án đưa người dân đi cấp cứu cũng như việc trùng tu, hỗ trợ nâng cấp đình.
“Tỉnh và Tp.Nha Trang cũng như địa phương đã có kế hoạch cụ thể để đáp ứng, đảm bảo cho cuộc sống người dân trên đảo Bích Đầm trong thời gian tới”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, trên đảo Bích Đầm có thể sẽ xây dựng hệ thống điện mặt trời do một đơn vị quản lý. Còn về phương án đưa người đi cấp cứu phường Vĩnh Nguyên phải có sự sắp xếp, bố trí tàu ca nô để hỗ trợ đưa người dân vào đất liền, cũng như phương án nâng cấp trùng tu đình Bích Đầm.
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ chính mình và thế hệ tương lai
Theo Đại tá Nguyễn Như Hưng, Giám đốc chi nhánh ven biển Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, để có nguồn lợi phát triển bền vững thì phải bảo vệ được hệ sinh thái, nhất là rạn san hô, rừng ngập mặn…
Bên cạnh đó, người dân phải có sinh kế bền vững để ổn định đời sống; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang, trong đó có phục hồi các rạn san hô.
Trò chuyện với người dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, do mang tâm lý “cạnh tranh” trong việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản, đua nhau ra khơi, dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy hải sản, không có khả năng tái tạo. “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ chính mình và bảo vệ cho thế hệ tương lai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, người dân cần chủ động chuyển đổi nghề phù hợp. Ông cũng gợi ý cho bà con rằng tại đây còn những cái chưa khai thác đó là lịch sử, văn hóa địa phương hay cảnh quan Bích Đầm.
Đây là những thứ còn mãi, bà con chỉ cần chăm chút, vun đắp thì thế hệ sau này sẽ tiếp tục khai thác. Do đó, Bộ trưởng mong bà con nơi đây cần thay đổi nhận thức.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc thay đổi nơi đây phải bắt đầu từ chính bà con. Bà con quyết tâm thay đổi thì có những người phía sau đẩy bà con lên. Còn bà con chỉ muốn cấp tiền để sắm tàu ra khơi đánh bắt cá thì chỉ dừng ở lại đó.
Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành để đưa Bích Đầm vào vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển xanh và bền vững để cùng chung tay cho bà con nhằm tạo ra hình ảnh mới.
Theo ông, những con cá khi bán đi sẽ mất, nhưng những con cá để lại, để cho du khách trải nghiệm, ngắm nhìn sẽ mang lại nhiều giá trị.
Bởi nghề cá bây giờ không còn là nghề kinh tế mà dần chuyển sang nghề cá giải trí. Thế giới bây giờ đang mong muốn tới những nơi có các loại hình đặc biệt để trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú và quý giá. Chúng ta đang sở hữu thiên nhiên tươi đẹp này thì đừng để mất đi.
Chính quyền địa phương và người dân cần chung tay khai thác tiềm năng du lịch thay vì “ăn xổi ở thì” những con tôm con cá. Khi đó, du khách sẽ ở trên tàu và bà con là hướng dẫn viên giới thiệu nét đẹp địa phương.
Dịp này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tặng 20 suất quà gồm nhu yếu phẩm và sách cho con ngư dân tại đảo Bích Đầm.
Châu Tường