Gần đây môi trường sư phạm xảy ra nhiều việc. Chẳng hạn vụ củ ấu đâm vào tay học sinh mầm non hay gia đình tố giáo viên đánh vào đầu bé mầm non bị chấn động não ở trường mầm non SOS (Cầu Giấy)… Những việc này ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của môi trường sư phạm.
Trao đổi với Nguoiduatin.vn về những vấn đề nổi cộm này, bà Phạm Thị Yến, hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B cho rằng: “Đối thoại với phụ huynh học sinh là việc làm cần thiết. Khi phụ huynh có con cái vào lớp 1, nhà trường, giáo viên hay công khai số điện thoại, địa chỉ mail cho họ. Phu huynh là những thành phần tri thức cao của xã hội, ý kiến của họ rất quý giá cho trường”.
Trong môi trường sư phạm cần nhất là phải đối thoại (Ảnh: Phan Chính)
Cũng theo bà Yến, nếu ở trường mình có sự việc không may xảy ra, trước hết hãy nhận thiếu sót đó về mình. Lãnh đạo nhà trường cần trực tiếp đối thoại với phụ huynh học sinh. Đặt mình vào vị trí của phụ huynh học sinh để chia sẻ với họ.
Bà Yến nói thêm: “Ranh giới giữa cái được và cái mất rất mong manh, công tác làm quản lý là một nghệ thuật. Quản lý trong môi trường sư phạm cũng vậy. Mọi vấn đề cần bình tĩnh, tìm hướng giải quyết. Khi có sự việc xảy ra, tâm lý xót con, phụ huynh thường hay nóng vội. Do đó, thay vì vội vàng đưa nhau lên công luận để bàn ra tán vào mà nên chú ý đến những giá trị đích thực trong môi trường sư phạm. Cùng nhau nhìn nhận lại vấn đề để tìm phương hướng giải quyết”.
Theo bà Yến, hiện nay gia đình, xã hội, báo chí kiểm soát rất chặt chẽ nên việc trách phạt học trò ít đi rất nhiều. Thành ra bây giờ học trò rất thoải mái còn giáo viên thì cực kỳ vất vả. Nhiều giáo viên không cần dùng đao to búa lớn nhưng vẫn giữ được kỷ cương trường lớp tôi rất nể phục. Một giáo viên dạy giỏi ngoài trình độ chuyên môn còn phải có năng lực sư phạm và biết quản lý con người”.
“Những việc xảy ra gần đây có thể thấy, nhiều khi phía gia đình phụ huynh rất duy ý chí, bảo lưu. Nhưng bên cạnh đó, cũng do phía nhà trường chưa giải quyết thỏa đáng.
Cũng phải nói thêm rằng, những việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành giáo dục nước ta. Giáo viên đôi khi thiếu kiềm chế có thể tát học sinh một cái vào tay hay vào mông, những hành động này trên hết phải là sự giáo dục răn đe, để học sinh ngoan hơn” – bà Yến nhận định.
P. Chính