Đối thoại với tác giả của poster 'Chào đồng bào tôi đi'

Đối thoại với tác giả của poster 'Chào đồng bào tôi đi'

Thứ 7, 19/10/2013 21:28

“Chào đồng bào, tôi đi” - Poster của họa sĩ trẻ Hoàng Anh (Hà Nội) được sáng tác và đưa lên Facebook ngay sau khi anh được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã tạo xúc cảm mạnh mẽ đối với cộng đồng mạng và khiến Ban Biên tập báo Lao Động đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ: Chọn poster này làm ảnh trang nhất cho một số báo về Đại tướng.

Hết tuần Quốc tang, tôi tìm gặp hoạ sĩ Hoàng Anh để cùng ngẫm lại nguồn cơn của những cảm hứng rất đặc biệt đó.

Hoàng Anh sinh năm 1976 - thế hệ của thời bình và chưa một lần được trực tiếp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng câu chuyện lại cho thấy anh có sự hiểu biết và kiến văn sâu sắc về cuộc đời Đại tướng, về lịch sử đất nước cùng nhiều nhân vật khác... Anh nói:

“Từ nhỏ tôi đã mê tìm hiểu các loại vũ khí, yêu thích lịch sử quân sự. Tôi làm rất nhiều mô hình quân sự để thoả mãn đam mê của mình. Nhưng muốn làm được mô hình thì phải có hiểu biết về lịch sử, về quân sự thì mới làm được chính xác, vậy nên tôi ép mình đọc rất nhiều sách. Tôi cũng rất sùng bái các vị anh hùng dân tộc. Bởi vậy, tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đối với tôi có thể nói là “sét đánh ngang tai”.

Chiều tối hôm đó, tôi biết tin Đại tướng qua đời khá sớm. Cũng như hàng triệu người dân Việt Nam khác, tôi dự liệu sớm muộn rồi cũng có ngày này, nhưng tôi vẫn không kìm nén được cảm xúc tiếc thương của mình...”.

Và poster “Chào đồng bào, tôi đi” ra đời ngay lúc đó?

- Đúng vậy! Sau khi biết tin Đại tướng qua đời là chính xác, tôi mở máy tính sáng tác ngay poster “Chào đồng bào, tôi đi”. Và chỉ 45 phút sau, poster được đưa lên Facebook. Lập tức nó lan truyền rất nhanh và tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.

Lúc đó tôi cảm thấy rất ấm áp vì có những phản hồi “đọc” đúng điều tôi muốn gửi gắm. Chẳng hạn: “Poster của hoạ sĩ Hoàng Anh đã gây cho tôi sự xúc động mạnh mẽ. Nó cho thấy sự cống hiến và thanh thản của Đại tướng lúc còn sống và khi về trời”.

Hoặc: “Ai đã viết dòng chữ “Chào đồng bào, tôi đi” thế này? Mà sao tôi càng cố nhìn thì nó càng nhoà đi…”.

Xã hội - Đối thoại với tác giả của poster 'Chào đồng bào tôi đi'

Poster "Chào đồng bào tôi" đi gây xúc động.

Tôi nghĩ, ngoài yếu tố thông tin nhanh ở thời điểm đó, poster của anh còn lay động lòng người bởi hình ảnh của Đại tướng mà anh chọn. Vì sao lại là bức ảnh ấy và câu nói ấy?

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều ảnh đẹp, nhưng trong trường hợp này, tôi muốn gửi đến mọi người một hình ảnh Đại tướng giản dị với nụ cười thanh thản; chung quanh không quốc kỳ, không hàm tướng, không khói lửa, binh đao...

Sau rất nhiều cân nhắc, tôi quyết định chọn một lời chào với hai chữ “đồng bào” mà ngày trước Bác Hồ vẫn thường dùng, có ý nghĩa khơi gợi, gắn kết cội nguồn thân thương, ruột thịt… Tôi muốn chuyển tải đến mọi người một tình cảm không bi lụy. Sự qua đời của Đại tướng là mất mát vô cùng
lớn lao của cả dân tộc, nhưng mặt khác, đó cũng là những ngày gắn kết mọi người dân Việt.

Tại sao anh quan tâm đến việc thiết kế các poster về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam như vậy?

- Tấm poster đầu tiên của tôi là vào năm 2012, nhân sự kiện 30.4. Ngày đó, thấy cộng đồng mạng đang có những tranh cãi đa chiều về sự kiện này, tôi đã sáng tác một poster nhằm tạo ra một không khí, chính xác hơn là kêu gọi mọi người hãy có niềm tin và cách nhìn đúng đắn về một sự kiện lịch sử.

Sau khi poster đầu tiên được cộng đồng mạng hưởng ứng và chia sẻ rất tích cực, tôi thấy vui và tiếp tục sáng tác nhiều poster với nhiều chủ đề khác nhau.

Ngoài các chủ đề, sự kiện có tính phổ thông như ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7); 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”; Sinh nhật Bác Hồ (19.5)…, một lượng lớn poster của tôi liên quan đến các chủ đề, sự kiện không mấy khi được nhiều người nhắc tới, thậm chí là quên lãng như: Ngày “phục sinh” chùa Một Cột (29.5.1995); Ngày giải phóng Hải Phòng quê hương tôi (13.5)...

Ban đầu, đó chỉ là những poster đơn giản có tính gợi nhớ về sự kiện. Sau này, qua những bình luận và phản hồi của người xem, tôi thấy chỉ gợi nhớ không thôi thì vẫn chưa đủ nên mới quyết định lồng thêm ý tưởng vào, kiểu như: “Bạn không thể điều khiển được những gì đã xảy ra. Nhưng bạn có thể điều khiển được thái độ và suy nghĩ của mình”.

Trên FB của anh tôi tìm thấy một poster rất ấn tượng: “Ở Việt Nam bây giờ ít có người còn niềm tin vào những điều tử tế”…

- Đó là nguyên văn nhận xét của ông Nguyễn Hữu Thái Hoà - Giám đốc Tiếp thị của Tập đoàn FPT. Poster đó một dạo cũng gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, lúc này, nhân sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, chúng ta thấy những đoàn người xếp hàng dài để chờ đến lượt được vào viếng Đại tướng; lại có những tình nguyện viên, những người dân hăng hái mang nước, bánh mì đến phát miễn phí cho dòng người tưởng niệm… Đó là một trong nhiều ví dụ cho thấy, mọi người vẫn tin rằng trên đời vẫn còn rất nhiều điều tử tế, rằng điều tốt không phải là sự hoang đường…

Xã hội - Đối thoại với tác giả của poster 'Chào đồng bào tôi đi' (Hình 2).

Hoạ sĩ Hoàng Anh, tên đầy đủ là Lê Hoàng Anh, sinh năm 1976 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2003 và đã kinh qua nhiều vị trí, công việc ở nhiều công ty truyền thông và quảng cáo. Hiện Hoàng Anh sống ở Hà Nội và hoạt động tự do trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ, quảng cáo thương mại, nhiếp ảnh…

Một phóng viên nước ngoài, khi tường thuật về đám tang Đại tướng đã viết đại ý, các giá trị sống của giới trẻ Việt Nam khác với Đại tướng và họ cũng sẽ sống cuộc sống khác với Đại tướng, “nhưng trong một khoảnh khắc, vị anh hùng thời chiến đã chiếm trọn trái tim của cả dân tộc”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, giới trẻ xếp hàng để vào nhà 30 Hoàng Diệu tưởng niệm Đại tướng số đông là theo phong trào và chính poster của anh là một trong những tác nhân gây nên phong trào đó?

- Tôi rất thích nhận xét của nhà văn Nguyễn Đình Tú trên một tờ báo, nói rằng trong đời sống luôn xuất hiện những “đám đông”. Có những đám đông có ý nghĩa, nhưng có những đám đông vô nghĩa. Nhưng dù ý nghĩa hay vô nghĩa thì nó cũng nói lên một điều gì đó.

Dòng người trẻ tuổi khắp nơi tìm đến viếng Đại tướng trước và trong ngày Quốc tang trên khắp cả nước cho thấy có những đám đông được kích hoạt từ mạch nguồn sâu thẳm của tinh thần dân tộc. Tôi cũng thích một phản hồi trên Facebook của mình từ một bạn trẻ: “Có người nói đi tưởng niệm Đại tướng là phong trào. Tôi cũng đi theo phong trào và đó là phong trào lớn nhất cuộc đời mà tôi được tham gia”.

Nói theo ngôn ngữ mạng, thì có vẻ như anh là một “thanh niên nghiêm túc”, với đúng nghĩa đen của từ này, trên FB thời nay nhỉ!

- Qua những poster của mình, tôi chỉ muốn truyền đến mọi người cảm hứng yêu nước và gợi những quan điểm sống tích cực…

- Xin cảm ơn anh!

Theo Lao động

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.