"Đói" tiền tỷ giữa ngày "giáp hạt"

"Đói" tiền tỷ giữa ngày "giáp hạt"

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Hàng chục cầu thủ sắp hết hợp đồng “nhấp nhổm” ra đi đẩy bóng đá Đồng Tháp vào nguy cơ đối mặt một cuộc chiến khủng hoảng mới.

Nhiều năm qua, Đồng Tháp đã chứng kiến quá nhiều đợt "chảy máu nhân tài", từ các cầu thủ ngôi sao đến những người làm bóng đá tâm huyết. Không có biện pháp "cầm máu", bóng đá Đồng Tháp yếu dần, để đến giờ phải lẹt đẹt trong Top những đội có nguy cơ xuống hạng.

Nhưng ngay cả khi "vượt khó" được qua mùa giải này, thì người Đồng Tháp cũng lại phải sống giữa nỗi ám ảnh, khi hơn chục cầu thủ của họ sắp hết hợp đồng, mà lãnh đạo đội bóng này thì vẫn chưa biết đào đâu ra hàng chục tỷ đồng để "níu chân" họ ở lại.

Bóng đá Quốc tế - 'Đói' tiền tỷ giữa ngày 'giáp hạt'

Hơn chục cầu thủ sắp hết hợp đồng khiến CS.ĐT phải lo một khoản tiền chuyển nhượng quá lớn (Ảnh: Minh Hoàng)

Truyền thống mất tài năng

Trừ thời điểm thịnh vượng nhất của bóng đá bao cấp hồi cuối những năm 1990, giai đoạn sau đó là giai đoạn mà bóng đá Đồng Tháp liên tục chứng kiến cảnh "chảy máu" tài năng. Đầu tiên là thế hệ của những Minh Nghĩa, Trung Vĩnh, Vĩnh Nghi, Duy Quang người về B.Bình Dương, kẻ lên Hoàng Anh Gia Lai hay gia nhập bóng đá thành phố.

Sau đó, đến lượt những Việt Cường, Quý Sửu, Thanh Bình, Phong Hòa, Văn Pho dứt áo với bóng đá Đồng Tháp, mà điểm đến vẫn là những địa chỉ quen thuộc vốn lắm tiền nhiều của như Hoàng Anh Gia Lai, Becamex Bình Dương hay The Vissai Ninh Bình.

Vài năm trở lại đây, tuy không còn cảnh mỗi mùa mất trắng một thế hệ, nhưng Tập đoàn Cao su Đồng Tháp (CS.ĐT) vẫn đều đặn chảy máu nhân tài, như chuyện trung vệ Văn Ngân về Vicem Hải Phòng, Minh Triết, Được Em đến Navibank Sài Gòn, hay Tấn Trường về Sài Gòn Xuân Thành.

Điểm chung của những cuộc tháo chạy này là CS.ĐT không thể đáp ứng nhu cầu tài chính cao của những người ra đi, không thể cho họ những hợp đồng khủng như các đại gia đã và đang tạo ra cho các tài năng này.

Ở đây, cũng khó trách người ra đi, nhưng Phan Thanh Bình hay Đoàn Việt Cường đã nói rất thật: "Chỉ cần CS.ĐT đáp ứng cho tụi em khoảng 70 - 80% giá trị những bản hợp đồng mà tụi em có ở nơi khác, tụi em sẵn sàng ở lại với bóng đá quê hương. Ngặt nỗi, với xứ bưng biền Đồng Tháp quanh năm lo chạy lũ, 70-80% của mức 8-9 tỷ đồng như con số mà những Việt Cường hay Tấn Trường đã nhận khi rời Đồng Tháp là con số mà người làm bóng đá Đồng Tháp có nằm mơ cũng không thấy”.

Thành ra, cứ mỗi cuối mùa hay đầu mùa bóng mới là CS.Đồng Tháp lại điêu đứng vì nạn "chảy máu" nhân tài, phải loay hoay với kế hoạch đôn "lúa non" từ các đội trẻ lên để lấp vào khoảng trống của những người ra đi.

Nỗi ám ảnh cũ lại hiện về

So với thời điểm cách nay 1-2 năm, thị trường chung của cầu thủ Việt Nam đã xuống giá rất nhiều, những đội bóng nhà giàu kiểu HA.GL, Sài Gòn XT, Navibank Sài Gòn, V.Ninh Bình hay B.Bình Dương cũng không còn sẵn sàng mua sắm theo kiểu "vung tay" như trước vì khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, không vì thế mà những người làm bóng đá Đồng Tháp bớt đi được gánh nặng chảy máu tài năng.

Cơ bản là CS.ĐT vẫn còn nghèo, trong khi số tiền họ cần để đổ vào bóng đá, số tiền họ cần để ký hợp đồng mới và giữ chân các tài năng vẫn rất lớn. Hiện tại, có hơn chục cầu thủ chuẩn bị kết thúc hợp đồng với CS.ĐT khi mùa giải này kết thúc. Phần lớn các cầu thủ này không thuộc dạng ngôi sao, nhưng để đáp ứng nhu cầu cho hơn chục con người ấy thì CS.ĐT vẫn phải bơm một khoản tiền khổng lồ, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đấy là lý do mà một lãnh đạo CS.ĐT phải than: "Nhiều lúc chúng tôi cứ nghĩ rằng thôi thà rớt hạng như ĐT.LA còn đỡ lo. Thà rớt hạng rồi làm lại từ đầu còn đỡ hơn chuyện năm nào cũng lo thiếu người vì các trụ cột ra đi".

Nhưng đấy vẫn chỉ là cái lo ở mùa tới, còn ngay hiện tại, CS.ĐT vẫn cứ phải đôn đáo đi tìm tiền để ký tiếp hợp đồng mới với hơn chục cầu thủ trụ cột. Vì chưa biết chắc được tương lai nên tâm lý giữ chân, tránh chấn thương đã bắt đầu xuất hiện nơi nhiều cầu thủ? Những trận đấu vừa qua, CS.ĐT đã bị la ó khi không còn thể hiện được tinh thần thi đấu máu lửa quen thuộc như bình nhật.

Rõ ràng, các cầu thủ sẽ chẳng "dại" đá sống chết khi chờ đợi họ là những bản hợp đồng, những lời chào mời hậu hĩnh sau khi mùa giải 2012 khép lại. Chỉ khổ CS.ĐT, đội bóng đang khốn khổ trong cuộc chiến tránh xuống hạng vô cùng khắc nghiệt, nên một khi cầu thủ không hết mình, hậu quả là CS.ĐT thua thê thảm mấy tuần liền, đồng thời hàng loạt sai lầm bắt đầu xuất hiện ở hàng phòng ngự, tuyến xung yếu nhất.

Một cầu thủ tâm sự: "Chưa biết mùa tới tôi có còn được thi đấu ở đây hay không. Hiện tại, chỉ mong mọi việc liên quan đến hợp đồng mới sớm được giải quyết để chúng tôi còn yên tâm cho tương lai của mình”. Một số trường hợp khác vì không đủ kiên nhẫn chờ đội bóng cũ để chủ động cắt hợp đồng, để tìm đến bến đỗ mới, như trường hợp của hậu vệ Trương Văn Hùng, người đã ra đi từ giữa mùa bóng năm nay, sau khi nhận được lời đề nghị từ nơi khác.

Đấy có thể là dấu hiệu đầu tiên cho một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi đội bóng miền Tây Nam bộ vốn luôn gặp toàn cảnh khó vì lỡ mang phận con nhà nghèo này.

Ngay cả các HLV cũng không muốn ở CS.Đồng Tháp

Không chỉ chảy máu tài năng sau sự ra đi của các cầu thủ, các HLV của CS.Đồng Tháp đều không muốn gắn bó dài lâu với đội bóng quê hương. Có thể kể ra đây trường hợp của Lại Hồng Vân tại Kiên Giang, Phạm Văn Tuấn ở Tây Ninh hay Phạm Công Lộc tại Navibank Sài Gòn. Không phải CS.Đồng Tháp không muốn giữ họ, mà cơ bản những người này chủ động tìm về bến đỗ mới, dù chưa chắc bến đỗ ấy đỡ vất vả hơn CS.Đồng Tháp. Không HLV nào nói nhiều về quyết định ra đi của mình, nhưng có thể họ cảm thấy gì đó không hạnh phúc nếu ở lại CS.Đồng Tháp.

Viễn Kiều


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.