Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu tình trạng "chéo cẳng ngỗng" không xảy ra trong việc thành lập các đội tuyển đại diện quốc gia tham dự giải đấu. Cảm giác như VFF đang tận dụng câu lạc bộ nhiều hơn là trao cơ hội cho họ.
Hợp tác đôi bên cùng có lợi
Bóng đá trẻ Việt Nam trong năm 2013 khởi đầu bằng việc đội tuyển U17 học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG, được đại diện tham dự Sanix Cup tại Nhật Bản (tháng 3/2013). Câu hỏi đặt ra là tại sao và như thế nào, không phải là đội tuyển U17 Việt Nam, được thành lập thông qua vòng chung kết U17 toàn quốc – Cúp Báo Bóng đá diễn ra hằng năm hay ít nhất một cuộc tuyển mộ quy mô và căn cơ, mà lại là đội bóng của một học viện?
U17 HA.GL – Arsenal – JMG chỉ về thứ 5 ở festival bóng đá trẻ châu lục, nhưng đó cũng được xem là thành công ngoài mong đợi và tất nhiên, VFF cũng được tiếng thơm. Tình huống tương tự với các đội tuyển U13 PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng trẻ bóng đá Việt Nam), khi liên tục được đại diện cho Việt Nam tại các giải đấu khu vực, cũng như châu lục. Họ vừa mới trở về, sau thất bại ở chiến dịch vòng loại U14 châu Á tại Myanmar.
|
Đội U13 PVF VĐ giải bóng đá thiếu niên toàn quốc |
Có hai luồng dư luận thời gian qua. Thứ nhất, VFF nhân danh tổ chức xã hội nghề nghiệp và là đầu não của nền bóng đá đã có phần ưu ái cho học viện của bầu Đức có cơ hội thử lửa ở một trong những giải đấu quốc tế đầu tiên, trước khi lứa cầu thủ này xuất xưởng. Ý khác lại cho rằng, VFF chỉ toàn dùng đồ ăn nhanh và sẵn, không mất công đầu tư, lại được hái quả ngọt (như dùng U13 PVF chẳng hạn)?
Hay là…
Việc VPF nhận trách nhiệm tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp (V-League, hạng Nhất và Cúp QG) từ hai năm nay, giúp VFF rảnh tay hơn rất nhiều trong việc phát triển bóng đá trẻ Việt Nam (từ U23 trở xuống), cũng như chăm sóc các đội tuyển quốc gia Việt Nam. Thế nhưng, thực tế lại là một câu chuyện khác. Bóng đá trẻ không những không được chăm bẵm, mà việc thành lập các đội tuyển lại theo kiểu giật gấu vá vai.
Chúng ta đều biết là, trung tâm đào tạo trẻ bóng đá Việt Nam (VFF) đã được xây dựng từ cách đây hơn 3 năm, thông qua các gói hỗ trợ những nền bóng đá kém phát triển của FIFA (như Goal). Một hệ thống 3 sân tập hiện đại (trong đó có một sân mặt cỏ nhân tạo chuẩn FIFA), cùng chỗ ăn ở tập trung cho vận động viên…, mọc lên ngay đại bản doanh VFF (Lê Quang Đạo, Hà Nội) cực kỳ hoành tráng. Nhưng có khi phải đợi đến… sang năm, mới tuyển sinh khóa đầu tiên.
Khi những nhà làm bóng đá Việt Nam vẫn than trời và đổ thừa cho câu lạc bộ để hổng hệ thống đào tạo trẻ, thì ngay bản thân họ, cũng đã làm được gì cho nền bóng đá?! Trong khi ông Trưởng ban Đào tạo thường xuyên bận bịu đứng lớp cho các khóa học bằng C, B, A HLV, kể cũng khó trách, thì đã không một ai đứng ra phụ việc. Phải chăng vì bóng đá trẻ ít “màu” hay vì VFF vẫn chỉ có thói quen ăn sẵn, lụy vào các câu lạc bộ?! Thực tế đã chứng minh cho điều đó rồi!
Đúng là: “Buổi chợ đông con cá hồng anh chê lạt. Buổi chợ tàn, con tép bạc anh cũng mua” (ca dao Nam bộ).
Theo Thể thao Văn hóa