Có những người mẹ khi biết thai nhi là gái đã phá thai. Nhiều cặp vợ chồng khi quyết định chỉ có một con, đứa con duy nhứt đó thường là trai. Thì, ai cũng hiểu, trong xã hội mình nam trọng nữ khinh mà. Còn gì khổ hơn làm phụ nữ ở nước Việt Nam?
Nỗi lo về chênh lệch giới trong dân số không chỉ riêng ở xứ mình, mà ở tuốt bên Mỹ các nhà xã hội học cũng lo, chỉ có điều là họ lo xã hội Mỹ ngày càng “nữ hóa”: phụ nữ Mỹ muốn sinh con gái hơn con trai, và thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3 đã chứng kiến sự chuyển đổi quan trọng: phụ nữ đi làm ngày một đông. Đến đầu năm 2011 thì lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, phụ nữ chiếm đa số lực lượng lao động. Nữ không chỉ lấn át nam về số lượng: phần lớn vị trí quản lý là do phụ nữ nắm giữ. Tương lai càng ít có hy vọng đảo ngược tình thế: hiện nay ở bậc đại học Mỹ, cứ trong 5 sinh viên thì có 2 nam 3 nữ.
Chuyện gì đang xảy ra? Chuyện ở xứ mình có lẽ khỏi diễn giải dài dòng. Phụ nữ Việt cũng học giỏi, trình độ cao, làm việc tốt, nhưng khó mà “giành” được vị trí lãnh đạo. Nếu có gia đình, phụ nữ Việt phải vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Từ cuộc sống và kinh nghiệm của bản thân, phụ nữ khi chọn sinh con ắt nghĩ đến tương lai đứa con, ắt mong con mình “đỡ khổ” hơn mình, “chứ làm thân con gái” chịu đủ thứ thua thiệt trong một xã hội nam trị. Nam giới thống trị là điều xảy ra từ thời bắt đầu hình thành xã hội loài người, nhiều người coi đó là lẽ đương nhiên, không muốn thay đổi, hay không thể thay đổi. Thậm chí khi có dấu hiệu “âm thịnh dương suy” trong lĩnh vực nào đó, có người đã hô hoán lên như một sự suy thoái hủ bại về văn hóa xã hội.
Thôi thì nói chuyện nước Mỹ nghe chơi. Với tiến bộ khoa học kĩ thuật ngày nay, việc chọn giới tính cho đứa con mình muốn có là chuyện nhỏ. Những cặp vợ chồng có thể đến bệnh việc nhờ giúp đỡ để thụ thai đứa con như ý muốn. Khảo sát những trường hợp này cho kết quả bất ngờ: tỷ lệ ước muốn có con gái so với con trai là 2 trên 1. Theo Hanna Rosin của bài báo “The End of Men”- Thời mạt vận của đàn ông, đăng trên The Atlantic số tháng 7&8/2011 thì việc quyết định giới tính của đứa con ngày nay do người phụ nữ chứ không phải là ý ông chồng. Dĩ nhiên, người mẹ muốn đứa con mình là gái để nó kế thừa những gì mình đã làm được, để nó được sống một cuộc đời xứng đáng, như mình đã sống.
Đành rằng xã hội Mỹ vẫn còn là xã hội nam trị, ít nhứt cũng ở thượng tầng. Tuy phụ nữ Mỹ chiếm số đông trong lực lượng lao động, nhưng lương bổng kém hơn đàn ông. Và nếu có gia đình, phụ nữ Mỹ vẫn phải chăm sóc con cái. Nhưng xu hướng đang thay đổi. Nền kinh tế hậu công nghiệp không cần nhiều đến vai u thịt bắp, mà cần cái đầu có tri thức. Hiện nay trình độ học vấn và kỹ năng chuyên môn của phụ nữ Mỹ đang cao hơn nam, căn cứ vào tỷ lệ nam nữ sinh viên đang theo học các trường đại học và đào tạo nghề. Trong 15 ngành nghề sẽ phát triển nhứt trong thập niên tới thì phụ nữ sẽ chiếm số đông trong 13 ngành nghề. Cuộc đại suy thoái kinh tế ở Mỹ hiện nay cũng bộc lộ ưu điểm của lao động nữ: trong 8 triệu công ăn việc làm bị mất thì ba phần tư người mất việc là đàn ông.
Kinh tế và văn hóa có tác động tương quan mật thiết. Khi các nền kinh tế ở Á châu phát triển kịp các nền kinh tế Âu Mỹ thì những thay đổi về văn hóa trong các xã hội ấy cũng được nhận thấy rõ. Ở Hàn quốc, Ấn Độ, và cả Trung quốc, khi phụ nữ dần dà đóng một vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế thì vị trí xã hội của họ được nâng lên, tác động đến những khía cạnh văn hóa. Ở những nước này, tình trạng giết thai nhi gái đã giảm bớt và xu hướng chuộng sanh con gái gia tăng. Phụ nữ trên khắp thế giới đang trong quá trình thay đổi đáng kể. Một mặt, nhà nước muốn phát triển kinh tế không thể bỏ qua một nửa lực lượng lao động ở nước mình. Một mặt khác, trong nền kinh tế toàn cầu hóa phụ nữ nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới, thí dụ phụ nữ Ấn Độ học tiếng Anh giỏi để làm việc trong các công ty đa quốc gia, phụ nữ Trung quốc làm chủ 40% doanh nghiệp tư nhân ở nước đó.
Vậy “âm thịnh dương suy” là đáng mừng hay đáng lo? Thử hình dung cơ cấu gia đình trung bình trong tương lai gần: vợ có bằng cử nhân, việc làm ổn định, lương cao, là “rường cột” gia đình, còn anh chồng vừa đi chợ nấu ăn thay tã cho con vừa học hàm thụ để nâng cao tri thức hay chuyên môn hòng kiếm được việc làm khá hơn. Ai dà! Các ông thở dài. Nhưng mấy ngàn năm nay phụ nữ vẫn làm nội trợ ấy chứ! Nay thử đổi vai xem sao.
Nhà văn Lý Lan