"Ông nhà tôi đang học bài trên gác"
Nhà ông bà Tài, Vân nằm tít trong con hẻm nhỏ quanh co ở địa bàn phường 3, nhưng chỉ sau một lúc hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm ra. Theo một số người dân ngụ ở đây thì do tên tuổi của ông bà với người dân phường 3 đã không còn xa lạ. Bà Lê Thị Bạch Vân tiếp chúng tôi với nụå cười tươi như nắng hạ trên gương mặt hiền từ phúc hậu. Bà đon đả kéo ghế cho chúng tôi, rồi nhẹ nhàng buông lời: "Ông nhà tôi đang học bài trên gác, để tôi lên kêu ông ấy xuống. Biết các chú tới chắc ông ấy ngỡ ngàng lắm. Vì học vậy chứ có nghĩ gì đến chuyện mình làm được chuyện lạ gì đâu". Đấy là trong suy nghĩ của những người luôn cho việc học hành là bổn phận, trách nhiệm còn đối với mọi người ông bà chính là tấm gương để đời cho con cháu.
Bằng cử nhân Luật trên tay hai lão sinh viên U60.
Sinh ra trong kháng chiến, sống cảnh bần hàn nhưng chưa khi nào ông bà Tài, Vân bỏ nghiệp con chữ. Ông bà luôn cho rằng mình cần phải học để biết, để giúp đời và để sống có nghĩa. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tài cho biết: "Chúng tôi bắt đầu đi dạy học từ năm 1969. Khi ấy bà Vân đỗ đại học ra trường và dạy môn sinh học của một trường cấp ba. Còn tôi là bộ đội hải quân được cử đi dạy. Chúng tôi đều dạy ở Sài Gòn và quen nhau. Sau giải phóng, tôi làm đơn tình nguyện đi vùng sâu, vùng xa để mở mang con chữ. Thế là chúng tôi xa nhau, chưa tỏ tình, không hứa hẹn, chẳng thư từ. Năm 1980, tôi về công tác lại ở Sài Gòn, gặp cô giáo Vân giờ đã 35 tuổi vẫn chưa chịu lấy chồng. Tôi ngỏ lời cầu hôn, chúng tôi lấy nhau và có một thỏa hiệp. Đó là sau này vợ chồng tôi sẽ học từ nay đến cuối đời và chỉ học chung với nhau thôi".
Chuyện tưởng như đùa ấy lại trở nên sự thật hy hữu. Bà Vân kể, khi cha bà mất để lại trên vai mẹ bà một "gánh con" và "một gánh khổ". Vì thế mà sau này cứ ông Tài học gì thì bà học nấy. Ban ngày hai ông bà vẫn dạy học chăm chỉ làm lụng nuôi chí. Bà Vân kể lại: "Năm 1985, ông Tài đã đăng ký học Anh văn rồi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm và chuyển qua dạy tiếng Anh. Đến năm 1989, chúng tôi đi đăng ký để học nhân viên nhà thuốc tại Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Y tế TP.HCM, sau một năm thì lấy chứng chỉ. Quyết định đi học này là bởi cũng muốn có một cái nghề mà sau này về hưu để làm. Năm 1997, chúng tôi đăng ký học dược tá và đỗ bằng năm 2002, lấy bằng dược trung cấp năm 2004".
Chưa kịp đỗ khóa học này, ông bà đã đăng ký học khóa khác. Năm 2001, ông bà lại đăng ký học Đông y của trường đại học Y dược TP.HCM và lấy bằng năm 2006. Vào lúc này tuổi của ông bà đã gần 70. Mọi người bàn tán kêu rằng ông bà hơi lập dị mà sinh ra đi học. Nhưng ông bà cũng mặc kệ. Ông Tài cho hay: "Tôi và bà xã đếm ra chắc cũng phải hơn 20 cái bằng cấp mỗi người. Riêng về y học cũng đã hơn chục cái. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mở tiệm bán thuốc, không mở phòng mạch hay thăm khám gì cả. Học là để cho biết, cho nên cứ học xong cái này lại thấy thiếu thiếu cái gì đó, lại thấy cái kia mình chưa biết, thế nên cứ học mãi. Học để bảo vệ chính mình và giúp đời thì cuộc sống mới cảm thấy có ý nghĩa".
Hai lão sinh viên bên "kho" bằng cấp của mình.
Còn sức là còn học
Nghỉ ở nhà một thời gian để bán thuốc, ông bà cứ nghĩ rằng mình sẽ chẳng đi học nữa. Thế rồi đầu năm 2008, sau cuộc họp mặt với nhóm học trò cũ giờ đã đỗ đạt ông bà lại tiếp tục nghiệp chữ. Ông Tài kể lại: "Trong cuộc họp mặt có một học trò cũ của tôi là tiến sĩ luật, cậu này mới ngỏ ý rằng "thầy cô có còn sức học tiếp không?". Nghe câu ấy tôi liền bảo rằng dư sức. Thế rồi cậu ấy làm giấy tờ cho chúng tôi học lớp đại học từ xa của trường đại học Huế, chuyên ngành Luật. Sở dĩ muốn học luật cũng là để nâng cao kiến thức hiểu biết luật, làm cho đầu óc mình không bị mai một, mụ mị và cũng để trợ giúp những người nghèo".
Ông bà Tài, Vân đã mấy chục năm đứng trên giảng đường, nên tâm tính cũng trở nên hiền hậu, thương người. Ông bà chứng kiến nhiều lớp trẻ sống buông thả, dựa dẫm vào cha mẹ, không có ý chí phấn đấu vươn lên và bản lĩnh yếu hèn nên không đành lòng. Ông Tài chia sẻ: "Tôi là một giáo viên, dạy học trò mà mình không làm được thì chúng không nghe. Vợ chồng tôi luôn muốn học trò của mình có thể tự ý thức được bản thân, nên muốn làm một tấm gương cho chúng noi theo. Già như chúng tôi còn học được, huống hồ trẻ khỏe như chúng. Vì thế, vợ chồng tôi cũng đã khuyên nhủ được nhiều cháu đi học bằng này bằng nọ để mà sống tốt trên đường đời".
Chuyện tưởng như không tưởng nhưng lại có thật từ tiết lộ chuyện học của vợ chồng ông bà Tài, Vân. Giải thích vấn đề này, ông Tài cho hay: "Thay vì chỉ ở nhà để đọc báo, xem phim hay ngồi mà không động não thì làm người mình ì ra, vì thế đi học chính là cách mà mình luyện tập đầu óc, cơ thể. Nhờ chuyện học hành mà vợ chồng tôi mới còn minh mẫn thế này. Mấy ngày đầu đi học Luật, vợ tôi có e ngại vì tuổi mình đã cao quá, người trong lớp thì toàn trẻ. Tôi cố gắng động viên bà ấy theo học vì kiến thức mình có thể bỏ qua mọi thứ. Hơn nữa, ở trong lớp mọi người rất kính trọng và có vẻ phục chúng tôi. Nói thế là bởi trong lớp chúng tôi khá gương mẫu, là vợ chồng nhưng không ngồi gần nhau, về tới nhà là học hành chăm chỉ, không bỏ một giờ dạy nào của thầy, cô".
Năm nay ông Tài đã 69 tuổi, bà Vân cũng đã 66 nhưng ông bà vẫn còn nuôi mộng học hành. Trong tâm thức của ông bà cũng như ông bà dạy cho học trò của mình rằng đã học thì phải học tới nơi tới chốn. Ông Tài cười nói: "Mình còn sức là còn học, học mãi đến khi kiệt sức thì thôi. Vợ chồng tôi đã học được bằng cử nhân Luật thì phải quyết tâm thêm, học thêm để trở thành Luật sư. Có như thế thì con cháu, học trò của mình nó mới noi theo. Có như thế thì mọi người mới tin tưởng và mình mới có thể tư vấn giúp mọi người được. Có một điều rất thú vị là sau sáu tháng học để trở thành Luật sư, vợ chồng tôi sẽ thực tập tại văn phòng của học trò tôi ngày trước. Nhưng điều đó không quan trọng, vấn đề của mình là kiến thức và kinh nghiệm được bao nhiêu thôi". Nói rồi hai ông bà cùng cười. Tiếng cười toả sáng lấp lánh như những chân trời tri thức mà ông bà đã chinh phục.
Chuyến đò duyên muộn màng Hai ông bà Tài, Vân đều sinh ra trong hai gia đình đông con, cuộc sống khó khăn. Bà Vân nói: "Nhà nghèo nên tôi cũng không nghĩ đến chuyện chồng con. Tôi làm tất cả vì gia đình, đến khi gặp lại ông Tài thì ông ấy cũng đã 38 tuổi, tôi thì đã 35. "Chuyến đò duyên" muộn màng ấy cuối cùng cũng đã cập bến sau khi gia đình tôi đã đủ đầy". |
Quyết có bằng Luật để giúp người nghèo Đối với hai ông bà chuyện đi học Luật cũng xuất phát từ tấm lòng nhân ái. Bà Vân chia sẻ: "Tôi hiện cũng là Chủ tịch hội khuyến học của phường 3 (quận 6). Tôi được tiếp xúc với nhiều người dân, nhất là người nghèo có nhiều khi những điều luật đơn giản họ cũng không biết. Vì thế vợ chồng tôi ngoài việc đi học cho biết luật, còn muốn sau này có thể tư vấn cho những người nghèo không có tiền, không có điều kiện để họ hành xử theo đúng luật pháp". |
Hoàng Minh