Làm từ thiện từ năm 12 tuổi
Đến phố Nguyên Hồng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) hỏi thăm nhà bà Dung, ông Tỉnh, ai cũng biết đôi vợ chồng già từ lâu đã nổi tiếng làm từ thiện cả khu phố. Ở tuổi 80, bà Hoàng Lan Dung mái tóc đã bạc trắng, lưng còng nhưng vẫn say mê làm từ thiện. Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Than (Hà Nội), trong một gia đình khá giả, có truyền thống cách mạng. Từ những năm 1945 đói khổ, cô bé Lan Dung khi ấy mới 12 đã luôn giúp đỡ những người đói, rét trên phố bằng những bát cháo hoa. Trong tâm trí, bà Dung vẫn nhớ như in năm đó, cứ mở mắt ra ngoài đường, xác chết nằm ngổn ngang, người đói rét đi vật vờ khắp phố. Hình ảnh người đàn ông chừng 30 tuổi, quê Thái Bình, sau khi ăn nắm cơm xong đã lăn đùng ra chết. Có lẽ người đàn ông chết vì nghẹn bởi nhịn đói đã quá lâu, hình ảnh này khiến bà không bao giờ quên.
Bà Hoàng Lan Dung chia sẻ: "Xã hội đang còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, người có hoản cảnh éo le. Nhà nước hiện cũng chỉ lo được một phần nào đó. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng mình may mắn hơn họ thì cần làm điều gì đó dù là nhỏ bé để san sẻ giúp họ vơi đi nỗi đau, sự bất hạnh, sống có ích với đời".
Đối với trẻ em, bà Hoàng Lan Dung luôn dành những tình cảm đặc biệt và động viên các cháu sống sao cho thật tốt dù trong hoàn cảnh nào cũng phải vươn lên sống có ích cho xã hội. "Trẻ em như búp trên cành, ngây thơ và đáng yêu lắm. Các cháu nhỏ sống ở các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm từ thiện thiệt thòi đủ thứ. Trong khi đó, nhiều đứa trẻ khác sống trong điều kiện đủ đầy cả về vật chất và tinh thần, có bố có mẹ chăm sóc, nâng niu chiều chuộng nhưng lại không biết trân trọng điều đó", bà Dung chia sẻ.
Bà Dung ngậm ngùi kể: "Nhiều hoàn cảnh khiến tôi xúc động lắm, như trường hợp của cháu Giang tại trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (Thụy An, Ba Vì, Hà Nội) rất ngoan và đánh đàn khá hay mặc dù cháu chỉ có 3 ngón tay. Tôi nghĩ ngoài phần giúp đỡ về vật chất, các cháu đáng được thỏa mãn phần nào mặt tinh thần. Nhớ những ngày đầu đến trung tâm không có loa, mic, chỉ có chiếc tivi. Chưa tìm được nhà hảo tâm nào tài trợ thì có một cô Việt kiều ở Anh về ủng hộ hơn 6 triệu đồng, chúng tôi quyết định mua luôn một bộ ampli, mic, còn con trai tôi ủng hộ đôi loa, mỗi người ủng hộ một thứ thành một bộ để các cháu chơi nhạc. Các cháu và các cụ già vui lắm vì có chỗ sinh hoạt văn nghệ. Những ngày nghỉ, ngày lễ tết cháu đàn, cháu hát, cháu múa, các cụ già ngồi xem rất vui và phấn khởi. Cảm động nhất là các cháu hát những bài hát không biết đi đâu về đâu, những mảnh đời bất hạnh. Chúng tôi nghe mà không kìm được nước mắt".
Ông Tỉnh, bà Dung cảm thấy hạnh phúc sau mỗi lần đi làm từ thiện
Trong mỗi chuyến đi, bà Dung luôn tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, lắng nghe và chia sẻ để họ vơi đi sự cô đơn, đặc biệt đối với người cao tuổi. "Tôi thật không ngờ, những cụ già lang thang cơ nhỡ ở đây đa phần không có con cái hoặc bị con cái bỏ rơi. Tuổi già rồi không buôn bán, không kiếm ra tiền nữa mà bơ vơ không nơi nương tựa phải xin vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tết Nguyên đán vừa rồi, chúng tôi đi đúng vào dịp gần tết để xem trẻ em, cụ già chuẩn bị tết nhất thế nào. Hôm đó trời rét lắm, tôi nhờ một người phụ nữ trong phường làm 300 cái bánh chưng, chỉ có 10.000 đồng một cái mà rất to và ngon. Các cụ cầm bánh chưng trên tay cảm động. Ai nghĩ rằng các cụ ở cái tuổi sắp về thế giới biên kia, ngày tết chẳng có con cái sum vầy".
Còn khỏe còn làm từ thiện
Chứng kiến tận mắt các cháu nhỏ, người già co ro trong cái lạnh cuối năm, bà Lan Dung trộm nghĩ: "Còn gì quý hơn đôi bít tất, chiếc quần len cho mùa đông giá lạnh?". Bà lại đi vận động mọi người ủng hộ để mang lên cho các cụ, các cháu. Ông bà luôn tiên phong trong mỗi lần đi làm từ thiện, thường ông bà trích 1-2 triệu đồng tiền lương để ủng hộ. "Trời rét mà các cháu, người già không có quần áo ấm mặc, bít tất đi, đáng thương và tội nghiệp lắm. Vợ chồng tôi ủng hộ hơn một triệu đồng để mua 150 đôi tất và vận động quyên góp được hơn 100 cái quần len".
Đồng hành cùng với bà Dung trong mỗi chuyến đi làm từ thiện có chồng bà, ông Lê Văn Tỉnh, 84 tuổi, cán bộ quân đội đã nghỉ hưu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một người lính Cụ Hồ, ông không ngồi yên một chỗ mà bắt tay đi làm từ thiện cùngå với bà. Vừa nói ông vừa lật giở những tấm hình trong hai cuốn album lưu lại kỉ niệm mỗi lần ông bà đi làm từ thiện. "Trước khi vận động quyên góp từ thiện, chúng tôi đến các trung tâm hoặc gọi điện trước xem họ cần gì, những thứ cần thiết nhất. Sau khi đã thống nhất, chúng tôi mới lên kế hoạch xem số tiền để mua hiện vật khoảng bao nhiêu. Như tết vừa rồi, tôi liên hệ với một trung tâm bảo trợ xã hội, họ nói cần gạo, mỳ tôm, dầu ăn, bột giặt... Sau đấy chúng tôi mới bắt tay vào kêu gọi các cá nhân, tổ chức tài trợ.
Trước tiên là bản thân mình ủng hộ, sau đó kêu gọi người thân họ hàng, bà con khu phố, các tổ chức, doanh nghiệp, họp chi bộ ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít. Chi hội phụ nữ của khu dân cư cùng tham gia vận động, mua sắm, tập hợp hàng hóa, chuẩn bị mọi thứ và tập kết ở một nhà chờ đến ngày lên đường. Quan điểm của chúng tôi là không ủng hộ bằng tiền mặt mà quy ra hiện vật. Ủng hộ như thế vừa có ý nghĩa lại tránh những tiêu cực không đáng có. Trừ làm từ thiện ở chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), chúng tôi mới ủng hộ bằng tiền mặt để nhà chùa mua sữa cho các cháu nhỏ bị bỏ rơi", ông Tỉnh cho biết.
Cách làm của ông Tỉnh, bà Dung được nhiều bà con ủng hộ nhiệt tình, bởi sau mỗi lần đến nơi nào làm từ thiện, đơn vị nhận từ thiện sẽ gửi giấy cảm ơn đã nhận chi tiết những gì. Ông bà cẩn thận photo giấy cảm ơn đó cho từng cá nhân, tổ chức đã tài trợ: "Làm công tác từ thiện cần phải mình bạch, rõ ràng. Có như thế người ta mới tin và ủng hộ nhiệt tình", bà Dung nói.
Nhiều địa chỉ từ thiện khi nhắc đến ông Tỉnh, bà Dung, họ đều dành cho ông bà những tình cảm tốt đẹp và sự trân trọng sâu sắc. Địa chỉ ông bà thường xuyên lui tới để làm từ thiện hàng năm là trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (Thụy An, Ba Vì, Hà Nội), chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), làng trẻ Hữu Nghị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) và rất nhiều những mảnh đời khốn khổ được bà giúp đỡ qua báo đài và các phương tiện truyền thông khác. Đặc biệt, vợ chồng bà Dung đã giúp đỡ bà lão nghèo không có gia đình, con cái trên đường Trần Xuân Soạn trong suốt nhiều năm ròng.
Tình cảm của ông Tỉnh, bà Dung được nhiều người trong khu phố xem như một tấm gương điển hình về sự yêu thương con người. Nhiều cháu ở các trung tâm Bảo trợ xã hội đã coi bà như người thân trong gia đình. Mỗi khi bà đến thăm, chúng cứ bám lấy, quấn lấy bà không chịu rời như: Em Lương ở trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 bị câm nhưng rất tình cảm; em Giang đánh đàn hay và chỉ có 3 ngón tay hay bà cụ già cô đơn chờ bà đến thăm để nói chuyện. Có lẽ tất cả những tình cảm đơn giản mà ý nghĩa như thế đã thôi thúc bà lên đường, làm từ thiện không biết mệt mỏi.
Bà Hoàng Lan Dung từng là cán bộ hội Liên hiệp Phụ nữ, Hiệu trưởng trường mầm non. Mỗi công việc lại giúp bà đến gần với những số phận bất hạnh. May mắn hơn nhiều người khác, bà vinh dự được 2 lần gặp gỡ, nói chuyện với Bác Hồ (năm 1955, 1958). Những lời Bác dặn, gửi gắm như giúp bà có thêm tình thương, lòng nhân ái với cuộc sống. Ông Tỉnh, bà Dung có bốn người con đều đã trưởng thành và thành đạt. Các con của ông bà hiện người đã nghỉ hưu, người vẫn đang làm việc nhưng tất cả đều nhất mực ủng hội việc làm của bố mẹ mình. Mỗi lần đi làm từ thiện, dù ít dù nhiều các con bà đều ủng hộ. Điều mà ông bà mong muốn là có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục làm từ thiện giúp người, còn khỏe mạnh là còn giúp người. |
Thiên Vũ