Tạo "mục tiêu ảo" cho ma quỷ ám... thoải mái
Người Orochi là một dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở phía Tây vùng Siberi, nước Nga. Đây là một dân tộc ít người, ước tính chỉ còn khoảng một nghìn người. Lối sống của người Orochi cũng tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ thích chọn những ngọn núi cao nhất, ở những nơi hẻo lánh và lạnh giá nhất để sinh sống, hình thành một cộng đồng khép kín.
Người Orochi sống biệt lập tại các vùng hẻo lánh.
Dù vậy, cộng đồng nhỏ bé này lại có nhiều phong tục tập quán rất độc đáo và cực kỳ thông minh, khiến người khác phải bất ngờ. Bên cạnh việc theo tín ngưỡng đa thần (thờ thần Gấu, thần Hổ, thần Lửa...), cầu xin sự bình an và may mắn, người Orochi cũng nghĩ ra một "chiêu độc" vô cùng tinh quái để phòng tránh những tai họa mà ác quỷ có thể gây ra.
Đó là tạo ra các "hình nhân thế mạng" làm "mục tiêu ảo" cho lũ quỷ này nhắm tới, để bản thân mình được bình an vô sự. Không giống như nhiều nước châu Á, hình nhân thế mạng thường là hình nộm, người Orochi dùng... chính bản thân họ để lừa ma quỷ. Nghi thức này thường được tiến hành vào ngày đầu năm mới, để nó có thể phát huy tác dụng cho cả năm.
"Thủ đoạn" độc đáo này xuất phát từ quan điểm của người Orochi, vận mệnh của mỗi gia đình sẽ được các vị thần và lũ ác quỷ quyết định trong từng năm, tại thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới. Các vị thần sẽ ban phước lành, còn lũ quỷ thì giáng tai họa vào các đôi vợ chồng - chủ nhân của mỗi gia đình. Để nhận được sự che chở của các vị thần, họ lập đền thờ và cúng tế quanh năm. Nhưng làm sao để tránh bị lũ quỷ ám?
Tổ tiên của người Orochi đã nghĩ ra một biện pháp cực kỳ ranh mãnh là... tráo đổi các đôi vợ chồng với nhau. Những cặp đôi này sẽ là chủ mỗi gia đình trong ngày đầu năm mới và lũ quỷ sứ sẽ nhằm vào họ mà gieo rắc tai họa. Nhưng sau ngày đầu năm, ai về nhà nấy, những đôi vợ chồng thực sự lại sống bên nhau mà không sợ gặp phải tai ương, vì lũ quỷ đã bị đánh lừa. Các đôi vợ chồng mà chúng biết đến trong ngày đầu năm đã không hề tồn tại trong suốt cả năm. Đó là các mục tiêu giả, chỉ tồn tại trong đúng một ngày nhưng lại thay họ gánh chịu rủi ro trong những tháng ngày sau đó.
Màn kịch hoàn hảo
Trước thềm năm mới ít ngày, một "hội đồng hoán đổi" gồm các phụ nữ quá lứa, lỡ thì được thành lập. Họ sẽ quyết định việc hoán đổi - ai sẽ là vợ/chồng giả của ai trong ngày đầu năm mới. Tên tuổi của các đôi vợ chồng trong làng được tập hợp và hội đồng sẽ hoán đổi họ với nhau. Người chồng của gia đình này sẽ được chọn để ghép đôi với người vợ của một gia đình khác, và ngược lại, vợ của anh ta sẽ phải đi làm vợ một người đàn ông khác.
Việc tráo đổi được đảm bảo làm sao để các "mục tiêu giả" này không bị lặp lại qua từng năm. Khi công việc hoàn thành, họ sẽ đi đến từng gia đình và thông báo cho người chồng biết, "vợ mới" của anh ta trong năm mới là ai. Các bà vợ cũng không hề biết mình sẽ phải đi làm dâu nhà nào, họ vẫn chuẩn bị nhà cửa, bếp núc cho dịp năm mới bình thường. Trước giao thừa, các ông chồng sẽ thông báo với vợ danh tính "vợ mới" của mình và đi đón họ về. Lúc này, các bà vợ của họ cũng sẽ được những ông chồng khác đến đón đi.
Chính vì phong tục này mà vào đầu năm mới, những người phụ nữ Orochi đã có gia đình thường trang điểm rất đẹp. Vừa là để đón chào năm mới, đồng thời cũng để "ra mắt nhà chồng" mới luôn. Họ như thể lại làm cô dâu lần nữa vậy. Một điều thú vị là mặc dù việc hoán đổi này chỉ mang tính chất hình thức, nhưng nếu muốn, các đôi vợ chồng giả hoàn toàn có quyền... "động phòng". Không ai cảm thấy phiền về điều đó, mà ngược lại, nó lại càng làm cho "mục tiêu giả" này trở nên thật hơn, lũ quỷ sẽ càng dễ bị đánh lừa hơn. Hành động này được khuyến khích một cách không chính thức.
Tuy nhiên, đa phần các đôi vợ chồng giả này chỉ dừng lại ở mức ngồi trò chuyện, tâm sự với nhau. Đến cuối ngày, ai sẽ về nhà nấy. Mặc dù vậy, có trời mới biết “ma ăn cỗ”. Không ai được phép truy vấn bạn đời của mình có "làm gì" trong lúc hoán đổi hay không. Đây là một việc cấm kỵ. Nếu đề cập đến chuyện đó, chuyện "đánh lừa" sẽ bị quỷ biết được và trở nên mất thiêng.
Một gia đình người Orochi trong ngày đầu năm mới.
"Số thầy thì để cho ruồi nó bâu"
Như đã nói ở trên, đóng vai trò quan trọng trong nghi lễ đánh lừa ma quỷ này là hội đồng các phụ nữ lỡ thì. Họ có toàn quyền sắp xếp các đôi vợ chồng trong ngày đầu năm mới, mà tính thật - ảo của nó không biết đâu mà lường.
Thế nhưng, chính những người phụ nữ cô độc này lại không có quyền sắp xếp cho mình một ông chồng - dù chỉ là hình thức theo nghi lễ. Họ giúp người khác thành đôi thành lứa để tránh tai họa, nhưng chính bản thân thì vẫn cô đơn trong ngày đầu năm này.
"Thật thật, giả giả" Tộc người ít ỏi và mang nhiều nét "nguyên thủy" Orochi còn có những quy định rất… phóng khoáng để giải quyết hậu quả phát sinh của những cặp đôi tạm. Theo lẽ thường, mối quan hệ "giả vờ" chỉ tồn tại duy nhất một ngày đầu năm, nhưng nếu các đôi vợ chồng giả ấy muốn biến "hư thành thực" do có tình ý với nhau, thì nguyện vọng ấy cũng sẽ được xem xét một cách nghiêm túc. Các bô lão trong bộ tộc sẽ tổ chức cuộc họp toàn thể. Nếu người chồng đồng ý cho vợ mình đi làm vợ kẻ khác, mọi chuyện sẽ được an bài theo ý nguyện của các bên. Còn nếu người chồng không muốn mất vợ, hai bên sẽ phải thương lượng. Trong trường hợp cuộc "đàm phán" đi vào bế tắc, người vợ sẽ buộc phải về với chồng thật của mình. Mặc dù quy định chi tiết đến cả những tình huống như vậy, nhưng từ nhiều năm nay, chuyện này chưa từng xảy ra. Tất cả các cặp đôi được hoán đổi đều ý thức được rằng, đây chỉ là hình thức để tránh tai ương, xui xẻo cho cả năm. Nếu có tình ý gì với nhau, họ hoàn toàn có quyền "tình một đêm", biến giả thành thật và mọi chuyện chỉ nên dừng ở đó. |
Nhiều người Orochi tin rằng, ngoài các đôi vợ chồng "ảo" chỉ tồn tại trong ngày đầu năm ra, thì chính "tác giả" của các "mục tiêu giả" này (tức các phụ nữ đơn thân) cũng là mục tiêu của quỷ dữ.
Chính họ đã tạo ra các "mục tiêu giả", và cùng chịu sự tác oai tác quái của quỷ dữ. Thực tế cho thấy, những người phụ nữ này thường chịu nhiều đau khổ, tai ương hơn các đôi vợ chồng. Phải chăng họ đã phải chịu tội thay cho những người khác?
Trong quan niệm của người Orochi không đề cập đến việc này. Bản thân họ cũng rất vui vẻ và lấy làm vinh dự khi được làm "đạo diễn" vở kịch hoàn hảo nhằm qua mặt lũ quỷ.
Những phụ nữ này tự hào vì đã làm một việc có ích cho cộng đồng và hoàn toàn không hề quan tâm đến hậu quả mà bản thân có thể phải gánh chịu, cũng như hoàn cảnh oái oăm "số thầy thì để cho ruồi nó bâu" của mình. Người Orochi tin rằng, quỷ dữ chỉ làm hại các gia đình có đủ vợ lẫn chồng, còn những người không lập gia đình không phải đối tượng của chúng, nên không phải lo lắng.
Tục lệ đánh lừa ma quỷ độc đáo này của người Orochi đã được lưu truyền từ nhiều đời nay, nhưng chỉ mới được biết đến sau khi một nhóm nhà thám hiểm người Nga có dịp lưu lại cộng đồng này tại đúng thời điểm đón năm mới. Một nhà nghiên cứu người Nga cho biết, ông bất ngờ trước "mánh khóe" này của người Orochi, nhưng không hề thấy sốc.
Đó là một phong tục đẹp, có tác dụng tinh thần rất lớn cho một cộng đồng nhỏ bé, sống giữa thiên nhiên này. Nó không chỉ khiến người ta quên đi lo lắng về vận hạn, rủi ro mà còn khiến tinh thần họ phấn chấn, yên tâm khi bắt đầu một năm mới.
Hồng Nhung (Theo Pravda/Kommersant)