Vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái tại Anh đã trở thành một cái cớ để phương Tây phát động một cuộc chiến mới với Nga. Cho đến nay, Mỹ, Canada, Australia cùng 23 nước châu Âu và cả tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tuyên bố trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga. Một cuộc trả đũa ngoại giao tập thể mà ít ai ngờ tới.
Tuy nhiên, “đòn trả đũa tập thể” đó dường như chưa đủ để quật ngã Nga. Bởi lẽ xưa nay, nước Nga luôn có những biện pháp chống đỡ và đáp trả cứng rắn trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Ngày 29/3, Nga tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, đóng Lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg và sẽ làm tương tự với nhiều nước khác sau khi các nước phương Tây trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 31/3 rằng, Anh đã được thông báo về việc rút thêm hơn 50 nhà ngoại giao về nước để số lượng nhà ngoại giao ở mỗi nước cân bằng nhau.
Những đòn trục xuất hàng loạt này dường như đã xóa tan những kỳ vọng về khả năng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ, vốn được nhen nhóm sau khi Tổng thống Trump ngày 20/3 gọi điện chúc mừng người đồng cấp Putin tái đắc cử.
"Đây là cái kết của một ảo mộng về cuộc đàm phán lớn với ông Putin, điều mà ông Trump đã ấp ủ bấy lâu nay", William Burns, Chủ tịch tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie cho biết.
Trong khi phương Tây có nhiều cách để trừng phạt Nga, Moscow cũng có thể đáp trả theo những cách khác, chẳng hạn như rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, cản trở hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, tấn công mạng, trục xuất nhiều nhà ngoại giao hơn, thậm chí là cả nhà báo nước ngoài, đóng cửa các hãng tin của nước ngoài tại Nga...
Thậm chí, các biện pháp đáp trả trên có thể châm ngòi cho nguy cơ nổ ra cuộc đối đầu toàn diện tại những “điểm nóng” ở Syria, Iran, Ukraine, Triều Tiên… nơi lợi ích của Nga xung đột với phương Tây.
Việc Nga và phương Tây quay lưng lại với nhau cũng sẽ khiến các cuộc chiến chống khủng bố, tấn công mạng, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang... càng khó có thể đạt kết quả.
"Ông Putin luôn muốn giành thế thượng phong và không bao giờ chịu từ bỏ. Ông ấy không chịu lùi bước. Ông ấy sẽ tìm điểm yếu của đối phương để tung đòn phản công mạnh gấp 10 lần những gì ông ấy hứng chịu", Nina Khrushcheva, giảng viên trường New School ở New York nhận xét.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai bên. Quan hệ Nga - Mỹ đang xấu đến mức "tương tự như thời Chiến tranh Lạnh", ông cảnh báo.
Xem thêm >> Vụ đầu độc Skripal: Tổng thống Trump từ chối gây thêm áp lực cho Nga
Đ.V (Tổng hợp)