Quá khứ khó khăn
Chị Đỗ Thị Đường (Nickname Đường Minh Châu, SN 1984, quê ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), hiện đang sinh sống tại Hà Nội, được biết đến là một người phụ nữ không chỉ thành đạt trong công việc kinh doanh, mà còn là người có tấm lòng thiện nguyện cao cả.
Chị Đường cho hay: “Tôi sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, tôi là con thứ 3 trong nhà. Bố mẹ làm nông nghiệp vì thế, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã biết phụ giúp cha mẹ nhiều việc, từ việc đi đắp bờ kè, bờ đập, bán cá tôm lo trang trải cuộc sống”.
Dù cuộc sống khó khăn là thế, gia đình lại đông anh chị em, thế nhưng chị Đường chưa khi nào nghe thấy cha mẹ phàn nàn hay kêu ca sẽ cho các con thôi học.
Chị Đường ngậm ngùi nhớ lại: “Hồi mấy anh chị em chúng tôi còn học ở quê, sau 1 đêm thức dậy, 17 con ngỗng nuôi nhốt dưới đập không biết vì lý do gì mà biến mất. Chỉ thấy nét mặt bố thất thần vì toàn bộ nguồn thu của gia đình trông vào đàn ngỗng.
Lúc đó tôi còn nhớ như in hình ảnh bố tôi lo viết, lo xin xác nhận “Đơn đề nghị vay vốn ngân hàng” để có 10 triệu làm vốn chăn nuôi, nhưng rất vất vả và khó khăn để được ngân hàng đồng ý giải ngân.
Từ khi nhìn thấy tờ đơn đó, tôi đã bị ám ảnh một cách mãnh liệt. Tôi thấy thương bố mẹ của mình nhiều lắm vì tần tảo nuôi chúng tôi, điều đó càng thôi thúc tôi phải phấn đấu vươn lên”.
Chính từ sự kỳ vọng của bố mẹ và khát vọng thoát nghèo của bản thân, năm 2004, chị Đường khăn gói ra Hà Nội học ngành Công nghệ thông tin, trường đại học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh, chi nhánh Hà Nội.
Xuống Hà Nội học tập, chị Đường tìm việc làm thêm để tự lo chi phí trang trải cuộc sống. Cứ thế, đến khi ra trường chị vừa có thêm kinh nghiệm sống cũng thêm kinh nghiệm trong xin việc làm.
Không giống như những người phụ nữ khác, mong muốn học xong ra trường kiếm được một công ty làm việc ổn định. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, chị Đường đã có một quyết tâm cháy bỏng đó là tự mở công ty, tự quản lý và trả lương cho nhân viên. Nhưng thực tế đâu dễ dàng như vậy. Vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Vốn, mối quan hệ, và kinh nghiệm.
“Ra trường, tôi đi làm nhân viên kiểm tra chất lượng máy của một công ty, ngày ấy tôi đạp xe đạp đi làm 8 cây số. Những tuần đi làm ca ngày thì còn đỡ, tuần đi làm ca đêm tôi luôn khóc và tự mình đặt câu hỏi rồi bỏ lửng “mình đi học để làm gì? Và mơ ước lớn nhất của mình là gì?”. Vậy là, tôi quyết định nghỉ việc và ra thành lập công ty riêng về máy tính”.
Đối với chị Đường, ngày mà chị thành lập công ty riêng là ngày chị mang nhiều tâm sự nhất: “Bố tôi mất tháng 7/2007 vì căn bệnh ung thư, khi đó tôi mới ra trường. Ngày bố tôi còn, tôi thường chia sẻ với bố về ước mơ trở thành một nữ giám đốc. Kỷ vật duy nhất tôi giữ lại khi bố mất là tờ “Đơn đề nghị vay vốn ngân hàng”.
Hóa ra bố viết đơn này còn chưa gửi tới ngân hàng hoặc vì 1 lý do nào đó mà vẫn còn tờ đơn này ở lại. Giờ đây, tờ đơn đó lúc nào tôi cũng giữ ở vị trí dễ nhìn nhất của tủ tài liệu để nhắc tôi luôn phấn đấu”.
“Chỉ khi mình có điều kiện mới giúp đỡ được người khác”
Là một nữ giám đốc IT, lại kiêm thêm việc điều hành nhà hàng kinh doanh món đồng quê nên người phụ nữ này khá bận rộn với công việc của mình. Dù bận rộn là thế, nhưng chị Đỗ Thị Đường luôn cố gắng sắp xếp thời gian để đi làm thiện nguyện.
“Cho đến thời điểm hiện tại việc kinh doanh của tôi cũng đã đi vào quỹ đạo ổn định, phát triển. Lớn lên cùng cái nghèo, tôi luôn ước mình lớn thật nhanh để có điều kiện thoát nghèo. Tôi luôn nhắc nhở mình “không thể nghèo, chỉ khi có điều kiện kinh tế thì mới giúp đỡ được những người khác, đó là lý do vì sao tôi quyết định làm thiện nguyện, tất cả xuất phát từ tâm””, chị Đường nói thêm.
Nhớ lại về một chuyến đi thiện nguyện để lại cho chị Đường nhiều cảm xúc nhất, chị Đường nói: “Ngày 8/1/2017, tôi cùng với Hiệp hội IT thành phố đã về xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ phát 200 phần quà Tết cho bà con nhân dân nghèo ở nơi đây. Đây cũng là chuyến đi để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất.
Bởi, khi đó đoàn xe dừng nghỉ, thì tôi thấy một bạn rất thấp lại bị tật, đẩy một chiếc xe bán đồ nho nhỏ, tôi ra hỏi chuyện và tặng bạn ít tiền mới biết bạn này bị ung thư nhưng không muốn sống dựa vào người khác mà tự đi kiếm tiền chữa bệnh và sinh hoạt hàng ngày.
Ngay lúc đó, suy nghĩ trong đầu tôi là tại sao không thành lập một quỹ cho trẻ em ung thư, mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn? Trở về tôi đã quyết định rủ những người bạn thành lập quỹ cho trẻ em ung thư mang tên “Con cần được yêu thương”.
Để tạo nguồn cho quỹ, tôi quyết định xây dựng nhà hàng chuyên các món ăn đồng quê trong đó có món ngỗng mang những kỷ niệm về cha tôi. Cổ vũ mọi người cùng đồng hành để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư được nhiều hơn”.
Cho đến thời điểm hiện tại, chị Đường cho hay mảng kinh doanh công nghệ, cũng trích một phần lợi nhuận ra làm thiện nguyện. Bên cạnh đó, chị cũng là người tạo điều kiện cho những bạn tân sinh viên được mua máy tính trả góp. Đang trò truyện cùng PV thì chị Đường có điện thoại, đó là cuộc gọi của 1 bạn mua máy tính của chị nhưng đến khi ra trường, đi làm được 1 năm mới có điều kiện quay trở lại thanh toán nốt. Với chị Đường, cứ khi nào giúp đỡ được một hoàn cảnh nào khó khăn, một mảnh đời bất hạnh nào đó là chị lại thấy lòng mình thanh thản đến lạ thường.
Với phương châm sống “Cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại, không nhận được gì thì cũng đã nhận được là cho”, chị Đường cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ rằng: “Dù đi đâu hoặc làm gì thì bản thân mỗi chúng ta cũng nên chia sẻ may mắn của chúng bằng cách này hay cách khác với cộng đồng”. Sự giàu có về tâm đức là thứ tài sản cao quý và có giá hơn bất cứ loại tài sản nào khác.
Tôi khâm phục nghị lực của chị ấy! Đó là lời chia sẻ của chị Nguyễn Thu Phương (SN 1986, cùng quê Phú Thọ) khi nhắc đến chị Đường, chị Phương cho biết thêm: “Tôi biết chị Đường từ khi còn rất nhỏ nên tôi hiểu hoàn cảnh của chị ấy. Vì thế, tôi vô cùng khâm phục nghị lực của chị Đường cũng như cảm thấy ấm lòng với những việc mà chị ấy đã làm cho những mảnh đời éo le, bất hạnh”. |