Tính toán “chốt” đơn hàng
Đầu tháng 6/2024, ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy các doanh nghiệp dệt may đã chủ động tìm kiếm đơn hàng đến ít nhất 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8 và tháng 9/2024.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu – Đan thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý 2/2024 phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức từ 10-15%. Đơn hàng vẫn ở quy mô nhỏ nhưng phân khúc sản phẩm đa dạng giúp doanh nghiệp sản xuất “dễ thở” hơn.
Còn ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng cho biết, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng gần đủ cho quý 3/2024. Dự kiến, đơn hàng cho quý cuối năm 2024 sẽ còn dồi dào hơn, bởi đây là thời gian bước vào mùa cao điểm sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường mùa lễ, Tết.
Với Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, đơn hàng may cho khách hàng Nhật Bản về cơ bản đã có đủ đơn hàng tới hết quý 3/2024. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các doanh nghiệp trong ngành, mặt bằng chung về đơn giá chưa có sự cải thiện nhiều so với 2023.
Báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ ra, 5 tháng đầu năm 2024, dệt may vẫn nằm trong top ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, đạt 13,116 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự tăng trưởng của ngành phần lớn nhờ vào kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may duy trì đà tăng ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản.
Các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Hiệp hội Dệt may Việt Nam để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
Năm 2024, dự kiến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44 tỷ USD có thể trở thành hiện thực. Nếu tình hình kinh tế thế giới không có biến động lớn so với hiện nay, cũng như không có thêm các cuộc xung đột địa chính trị, hoạt động sản xuất của ngành dệt may sẽ có chiều hướng phục hồi và khởi sắc tốt.
Bài toán sản xuất chuyển đổi xanh
Ngành dệt may Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, mở rộng biên độ thị trường rất lớn. Nhưng các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe.
Theo TS. Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), để tận dụng các cơ hội mà FTA mang lại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nỗ lực hơn để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về phát triển bền vững, kết nối, hợp tác. Đặc biệt, là tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để tận dụng được các thành phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Cty TNHH Việt Thắng Jean nhìn nhận, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới đang thay đổi.
Họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Trong khi đó, dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng, phụ thuộc nguyên liệu ngoại.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá: “Một trong những thách thức lớn với ngành dệt may không thể không kể đến đó chính là quá trình chuyển đổi số và hướng đến sản xuất thông minh. Đây là xu hướng tất yếu nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng, bằng việc dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành từ đó làm tăng lợi thế cạnh tranh”.
Thách thức lớn đối với doanh nghiệp dệt may đó là, lao động Việt Nam đang mất lợi thế giá rẻ.
Trong đó, có những dự án FDI đầu tư vào Việt Nam lên tới hàng tỷ USD, thu hút từ 3.00-5.000 lao động, các doanh nghiệp này đang cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ngành dệt may trong thu hút nguồn lao động.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng tới chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh. Đó là yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp phải lựa chọn, song để chuyển đổi sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần đi từng bước, từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng tự động hóa.