Đơn hàng nửa cuối năm và cơ hội cho doanh nghiệp dệt may xuất khẩu

Đơn hàng nửa cuối năm và cơ hội cho doanh nghiệp dệt may xuất khẩu

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 5, 27/04/2023 20:46

Kỳ vọng lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may nửa cuối năm sẽ tăng so với đầu năm, đưa tổng giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2022.

Hy vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng

Theo Thời báo Tài Chính, thông tin tại hội thảo “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu” tổ chức ngày 27/4 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas cho biết, trong quý I/2023, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may đạt hơn 5,8 tỷ USD, ước tính kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 có thể đạt thêm 3 tỷ USD, trong khi mục tiêu năm 2023 của ngành dệt may đặt ra là 47 tỷ USD.

Theo Tuổi Trẻ, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), lượng khách hàng từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... tới Việt Nam tìm hiểu sản phẩm dệt may đang có xu hướng tăng nhanh, hy vọng trong nửa cuối năm giá trị xuất khẩu sẽ được cải thiện.

Theo bà Mai, dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, sau thời gian dài im ắng, gần đây số lượng các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước, đặc biệt đối với phân khúc thời trang công sở.

Do đó, kỳ vọng lượng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tăng so với đầu năm, đưa tổng giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2022.

"Năm ngoái chúng ta xuất được hơn 44 tỷ USD, và mục tiêu năm nay là 45-46 tỷ USD, trường hợp thị trường chuyển biến tốt thì có thể lên 47-48 tỷ USD. Tuy vậy, giá trị xuất khẩu các tháng đầu năm đã giảm mạnh so với năm 2022, nên để cả năm 2023 được tăng trưởng, chúng ta phải nỗ lực rất lớn ở 2 quý cuối năm", bà Mai nhận định.

Kinh tế vĩ mô - Đơn hàng nửa cuối năm và cơ hội cho doanh nghiệp dệt may xuất khẩu

Kỳ vọng lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may nửa cuối năm sẽ tăng so với đầu năm, đưa tổng giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2022. Ảnh minh họa từ internet 

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Bình Dương cho rằng khó khăn đối với ngành dệt may bắt đầu từ giữa năm 2022, và thường theo chu kỳ, sau một năm thị trường sẽ dần cải thiện.

Ngoài ra, Việt Nam có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực nên số lượng các thị trường áp dụng thuế suất bằng 0% đối với hàng may mặc nhập từ Việt Nam sẽ ngày càng nhiều, đây là động lực kéo sự tăng trưởng.

Tuy vậy, theo vị này, xuất khẩu may mặc đang phụ thuộc rất lớn vào các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc... Do đó, nếu giá trị xuất đi các thị trường này vẫn sụt giảm mạnh, mục tiêu năm 2023 khó đạt được.

"Những năm xuất khẩu tốt, tăng trưởng về giá trị của ngành dệt may có thể đạt trên dưới 8%/năm, nhưng năm nay chúng tôi chỉ dám kỳ vọng khoảng 0,5-1%", đại diện doanh nghiệp may mặc ở Bình Dương nói.

Theo Thời báo Tài Chính, nhiều thách thức đặt ra với ngành dệt may trong bối cảnh hiện nay. Đó là tổng cầu giảm trên toàn thế giới do lạm phát, trong khi người tiêu dùng ở các thị trường lớn có tâm lí thắt chặt chi tiêu, vấn đề xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.... Bên cạnh đó, hàng tồn kho của các nhãn hàng trên toàn cầu hiện vẫn tương đối lớn, tạo áp lực cho các nước sản xuất như Việt Nam.

Hiện Vitas đang tích cực kết nối với các tổ chức tài chính quốc tế như IFC Việt Nam, Olea Việt Nam để hướng đến xây dựng một chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, có dự án đầu tư phát triển bền vững.

Những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Trong những nhóm giải pháp đặt ra cho dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp cần chú trọng sự linh hoạt và đa dạng hoá từ cơ cấu sản phẩm, khách hàng và thị trường. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản thì gần đây dệt may bắt đầu khai thác các thị trường mới cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Trong đó có Canada, Australia, Trung Đông, châu Phi và các nước thuộc cộng đồng SNG.

Tuy nhiên, một vấn đề áp lực với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may khi tiếp cận thị trường mới là an toàn dòng tiền. Do vậy, thông qua các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, Vitas mong muốn tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá mức độ tin cậy của những giao dịch quốc tế, đồng thời có giải pháp thu hồi dòng tiền khi xuất khẩu hàng sang các thị trường mới.

Bên cạnh sử dụng dịch vụ trung gian của các định chế tài chính quốc tế, lãnh đạo Vitas cho rằng, việc tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng của các nhãn hàng sẽ là sự bảo lãnh quan trọng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dòng tiền trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất đang đứng trước thách thức phải thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh. Song quá trình chuyển đổi như vậy cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Phía Vitas dẫn ra cách làm của Bangladesh, đó là các dự án chuyển đổi xanh được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp

Theo Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang dần mất lợi thế về nhân công giá rẻ, nên bắt buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng áp dụng công nghệ số, đầu tư máy móc để phát triển, tiết giảm nhân lực, đặc biệt trong ngành dệt may rất cần sự chuyển dịch này.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu của Việt Nam trong quý 1/2023 ước đạt 8,213 tỷ USD, giảm 24,6% so với quý 1/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may quý 1/2023 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022, do ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu.

Đào Vũ (T/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.