Tinh thần “thép” vì nhiệm vụ hòa bình
Sáng 18/7, tại Tượng đài liệt sỹ xã Nam Toàn (Nam Trực, Nam Định) long trọng tổ chức lễ đón thi hài liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa.
Quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa, sinh năm 1986 tại xóm 5 (xã Nam Toàn)công tác tại Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa thuộc đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Nam Trung Bộ được 16 tháng.
Ngày 21/3/2010, trong khi làm nhiệm vụ quan trắc các yếu tố hải văn tại Đảo Trường Sa lớn thuộc huyện đảo Trường Sa, Hoàng Văn Nghĩa đã hy sinh. Sau khi quan trắc viên mất trong khi làm nhiệm vụ, với đặc thù là của ngành phục vụ an ninh, quốc phòng trung tâm KTTV Quốc gia, bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn tất thủ tục đề nghị công nhận Liệt sỹ đối với quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa.
Theo nguyện vọng của gia đình, trung tâm KTTV Quốc gia trước đây nay là Tổng cục KTTV đã đề xuất với bộ Tư lệnh Hải quân về việc quy tập mộ liệt sỹ về quê hương tại xã Nam Toàn.
Sáng 17/7, lễ truy điệu liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa được tổ chức tại UBND huyện đảo Trường Sa với sự tham dự của quân và dân huyện đảo Trường Sa, bộ tư lệnh Hải quân, Tổng cục KTTV và đại diện gia đình thân nhân liệt sỹ. Sau đó bàn giao và quy tập về nghĩa trang xã Nam Toàn trong ngày 18/7.
Trong buổi lễ trang nghiêm, rất đông người dân đã đến tham dự, khóc thương cho chiến sỹ trẻ đã hy sinh khi mới ở tuổi xuân xanh. 9h sáng 18/7, lễ truy điệu tại Tượng đài liệt sỹ xã Nam Toàn diễn ra, người thân, anh em, hàng xóm khóc thương cho người con quê hương ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cao cả.
Ngồi khóc cạn nước mắt bên linh cữu con, bà Nguyễn Thị Mão (SN 1950) nghẹn giọng: “Cuối cùng con cũng về với mẹ, nơi con sinh ra”. Tâm sự với chúng tôi, bà Mão cho biết, sau khi tốt nghiệp khoa Khí tượng thủy văn tại trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường chưa được 1 tuần, không về thăm gia đình, năm 2008 Nghĩa xung phong ghi tên mình ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Mặc dù ủng hộ, nhưng ngày đi bà Mão vẫn bồn chồn và muốn giữ chân con để ngày khác lên đường. Nhưng Nghĩa vẫn quyết tâm lên đường, và hứa với mẹ: “Ba năm con sẽ về”.
Trong khoảng 2 năm đầu, Nghĩa thường xuyên gọi điện liên lạc về cho gia đình. Thậm chí, ngày cuối cùng trước khi hy sinh, anh Nghĩa vẫn vui vẻ gọi điện khoe cuộc sống của mình tại Trường Sa.
“Nhà có 2 anh em, anh nó công tác tận trong Tây Nguyên, nhà còn mỗi mình tôi, nên khi công tác tại Trường Sa, Nghĩa hay gọi điện về cho tôi tâm sự. Ngoài đó mặc dù rất khó khăn, vất vả không có nước sạch để dùng nhưng vì nghề yêu thích nên Nghĩa không nản lòng”, bà Mão chia sẻ.
Nhắc đến ngày liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa nhận nhiệm vụ, bà bật khóc: “Ngày con đi, balô chỉ có tấm bằng vừa mới tốt nghiệp, vài bộ quần áo. Thậm chí quần áo Hải quân được phát con cũng gửi lại quê lưu niệm. Đi hơn 2 năm thì nhận được tin con mất, tôi đang đi đường nghe tin sốc quá ngất luôn tại đường”.
Tự hào về người con quê hương
Anh Hoàng Văn Chính (SN 1978, anh trai liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa) tâm sự, khi đang công tác tại Tây Nguyên, nghe được tin em trai hy sinh, mặc dù đau lòng nhưng anh vẫn kìm nén động viên mẹ tại quê nhà, năm 2012 anh Chính cùng đoàn thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường ra thăm mộ liệt sỹ Nghĩa tại Trường Sa. Ấp ủ, mong mỏi, được đưa thi hài em về đất liền sau bao nhiêu năm cuối cùng cũng đã hoàn thành.
“Mặc dù đau lòng về sự mất mát, nhưng vẫn tự hào vì Nghĩa đã làm tốt nhiệm vụ của mình, đã cống hiến hết mình vì nhiệm vụ của Tổ quốc, của Đảng và nhà nước. Gia đình rất tự hào về em, nay được về với quê hương, nguyện vọng của mẹ tôi cũng như gia đình với Nghĩa cũng đã toàn vẹn”, anh Chính nói trong niềm tự hào về liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa.
Là hàng xóm, bà Lê Anh Khoa (65 tuổi, xã Nam Toàn), mặc dù tuổi đã cao nhưng khi được nghe tin đón liệt sỹ Nghĩa về quê nhà, bà đã có mặt từ rất sớm, chia buồn cùng gia đình: “Chục năm trời, cuối cùng mẹ Nghĩa cũng đã an lòng khi thi hài nó được đưa về quê nhà, được nằm cùng đồng đội tại đất mẹ. Cảm ơn chính quyền xã, huyện, và Trung ương đã giúp đỡ gia đình bà Mão rất nhiều trong lần đưa thi hài Nghĩa về với quê hương”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Hoàng Văn Duy - Chủ tịch UBND xã Nam Toàn - cho biết, cả xã có 83 liệt sỹ, duy nhất liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa xuất thân không phải từ lực lượng vũ trang.
"Những năm vừa qua chúng tôi luôn tạo những điều kiện tốt nhất có thể để giúp đỡ gia đình liệt sỹ Nghĩa. Sự hi sinh của liệt sỹ Nghĩa là tấm gương sáng cho lớp trẻ địa phương noi theo", ông Duy nói thêm.
Hy sinh thầm lặng của chiến sỹ ngành Khí tượng Thủy văn
Được biết Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa và Song Tử Tây có một tầm quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, là những trạm tiền tiêu đón gió bão trước khi vào đất liền, hơn nữa trong chiến lược bảo vệ chủ quyến biển đảo của Nhà nước ta hiện nay. Có được sự bình yên cho Tổ quốc này trong thời chiến tranh hay giữa thời bình, vẫn có những hy sinh ở bất cứ nơi đâu, trên biên giới hay Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa hay ngay giữa thành phố.
Ở nơi Hải đảo giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc ngoài những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có những viên chức lặng thầm của Ngành Khí tượng Thủy văn những "người lính" không mặc áo lính nhưng họ đã và đang ngày đêm sát cánh cùng quân và dân đảo tiền tiêu bảo vệ vùng biển, vùng trời của tổ quốc.