Tôi là Minh Hiền, hiện đang sống và làm việc tại Bình Dương. Tôi với chồng tôi đã kết hôn được 2 năm, do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên chúng tôi đã quyết định ly hôn. Vậy, theo quy định thì đơn xin ly hôn phải viết tay hay đánh máy?
Luật sư trả lời:
Bộ luật Tố tụng dân sự, luật Hôn nhân và Gia đình không bắt buộc đơn ly hôn phải viết tay hay đánh máy. Điều này có nghĩa, đơn ly hôn theo hình thức viết tay hay đánh máy, dù là thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn, thì vẫn có thể được tòa án chấp nhận.
Theo đó, đơn xin ly hôn viết tay là chọn lựa nhanh chóng nếu như bạn không có thời gian và điều kiện để sử dụng đến các thiết bị như máy tính, máy in. Chỉ cần một tờ giấy và một chiếc bút thì mọi thông tin và nguyện vọng đề đạt của bạn sẽ được soạn thảo nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian khi di chuyển hoặc tìm kiếm đến những đơn vị dịch vụ nhờ sự hỗ trợ.
Ngoài ra, với một mẫu đơn xin ly hôn viết tay thì tất cả những nguyện vọng đề đạt của bản thân người đệ đơn sẽ được thể hiện chi tiết, với một sự chân thành ở đó và phía Tòa cũng sẽ có những quyết định thẩm phán với sự ưu tiên nhất định nào đó về quyền lợi cũng như thủ tục giải quyết ly hôn. Nên viết mạch lạc, rõ ràng, chữ ngay ngắn và đúng chính tả sẽ thể hiện được sự nghiêm túc trong việc đề đạt đơn.
Với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, giới hạn về thời gian thì con người đã chọn lựa giải pháp là đơn xin ly hôn đánh máy thay vì mẫu đơn xin ly hôn viết tay. Chọn lựa này phù hợp với những người thường xuyên tiếp xúc với công nghệ, muốn tối ưu hóa và đảm bảo tính thẩm mỹ trong lá đơn đề đạt. Rất nhiều người đã tự mình soạn thảo một lá đơn trên laptop của mình sau nhiều thời gian đấu tranh tư tưởng. Tuy nhiên, có đệ đơn hay không còn tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi người rất nhiều.
Tuy nhiên, dù là đơn ly hôn đánh máy hay viết tay cần phải tuân thủ mẫu chung của những văn bản hành chính.
Hiện nay, mẫu đơn ly hôn đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
Cụ thể, đơn ly hôn được coi là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung như:
Một là, ngày, tháng, năm làm đơn.
Hai là, tên tòa án nhận đơn.
Ba là, họ tên, nơi cư trú, số CMND (hộ chiếu) của người viết đơn.
Bốn là, tên, nơi cư trú của vợ/chồng
Năm là, nội dung xin ly hôn.
Sáu là, về con chung.
Bảy là, về tài sản chung
Tám là, họ tên và chữ ký của người viết đơn…
Trong đó nội dung xin ly hôn đề cập đến thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm sống ban đầu ở đâu, hiện nay có còn sống chung với nhau hay không, tình trạng hôn nhân hiện tại và nguyên nhân dẫn đến quyết định ly hôn…
Về con chung: Nếu đã có con chung ghi thông tin các con chung như họ tên, ngày tháng năm sinh…, nguyện vọng và đề nghị nuôi con...
Nếu hai vợ chồng đã thỏa thuận được việc nuôi con thì ghi nội dung thỏa thuận.
Nếu không thỏa thuận được việc nuôi con thì ghi "hai bên không thỏa thuận được quyền nuôi con, đề nghị tòa án căn cứ theo các quy định pháp lý hiện hành và phân chia quyền nuôi con và cấp dưỡng theo đúng quy định của pháp luật".
Về tài sản: Nếu có tài sản chung và yêu cầu Tòa án phân chia thì liệt kê toàn bộ thông tin về tài sản, trị giá thực tế, đề nghị phân chia. Nếu không có tài sản chung ghi "không có". Nếu không yêu cầu tòa án phân chia thì ghi 2 bên tự thỏa thuận, không yêu cầu tòa án phân chia.
Nếu có nợ chung ghi cụ thể số nợ, chủ nợ là ai, thời gian trả nợ và đề nghị phân nghĩa vụ trả nợ trong đơn. Nếu không có nợ chung ghi "không có". Nếu có nợ chung nhưng không cần phân chia thì ghi "nợ chung do hai bên tự nguyện thỏa thuận không yêu cầu tòa án phân chia".
Hoàng Mai