Phương Tây cho rằng, các biện pháp trừng phạt và áp lực kinh tế sẽ khiến người Nga quay lưng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng họ đã sai lầm.
Khi những thông tin về chiến thắng của ông Putin được xác nhận chính thức, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga Aleksey Pushkov đã viết trên Twitter: "Sự phỉ báng của phương Tây đối với Putin đã gây hiệu quả ngược tại Nga. Thay vào đó, người dân càng ủng hộ cho ông ấy nhiều hơn. Và kết quả bầu cử đã khẳng định điều này”.
Cây bút Bryan MacDonald của tờ Russia Today cho rằng quan điểm này là chính xác. Chính những đòn công kích của phương Tây đã trở thành yếu tố rất lớn giúp làm nên chiến thắng của nhà lãnh đạo 65 tuổi.
Vào thời điểm năm 2011, Nga đã có sự phát triển kinh tế rất tốt. Giá trị đồng rúp ở mức ổn định và giá dầu tăng cao. Điều này đã giúp cho người dân Nga có được cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều so với thời điểm Liên Xô sụp đổ. Nhưng khi Tổng thống đương nhiệm (lúc đó) Dmitry Medvedev tuyên bố ông sẽ không tiếp tục tranh cử để ủng hộ ông Putin (khi đó đang trong vai trò Thủ tướng) trở lại Điện Kremlin, đã có những cuộc phản đối đến từ các phe chính trị đi theo chủ nghĩa tự do phương Tây.
Kết quả là, các cuộc biểu tình bắt đầu âm ỉ nổ ra, tập trung chủ yếu ở Moscow. Làn sóng đòi ông Putin từ chức cũng trở thành trở ngại cho việc ông trở lại chính trường. Trong đó cả cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng đã từng lên tiếng gây áp lực.
Rất nhiều người lo ngại việc một nhân vật nắm quyền quá nhiều năm như vậy sẽ khiến cho nước Nga rơi vào tình trạng khủng hoảng như Liên Xô trước kia.
Tổng thống Putin nhận ra rằng, trong hai nhiệm kỳ đầu tiên, ông có lẽ đã dành quá nhiều thời gian về việc lập lại trật tự chính trị và tìm kiếm sự ủng hộ từ giới tinh hoa ở Moscow mà quên đi yếu tố nền tảng là người dân.
Từ điều này, ông bắt đầu tập trung cho các mục tiêu dân sinh và các chính sách xã hội nhiều hơn trong nhiệm kỳ mới của mình.
Nhưng cũng đúng vào lúc nhà lãnh đạo Nga quan tâm cho vấn đề đối nội thì phương Tây bắt đầu đánh vào sự lơ là trong việc ứng phó trước sự can thiệp từ bên ngoài của Điện Kremlin.
Người Nga đều biết, thời gian qua phương Tây đã chống phá đất nước họ như thế nào và nói xấu Tổng thống của họ những gì.
Họ nhìn thấy điều đó nhan nhản trên các trang web tin tức, trên phương tiện truyền thông xã hội và trên truyền hình.
Thêm vào đó, ngoài sự công kích liên tục bằng truyền thông, chính sách trừng phạt của các nước NATO đã tạo ra tâm lý “nước Nga bị bao vây”.
Tháng 3/2012, ông Putin giành 63% số phiếu trên toàn quốc, nhưng chỉ nhận được 46% phiếu ở Moscow. Đó là con số nói lên việc uy tín của ông đã phần nào đó bị sụt giảm.
Nhưng điều bất ngờ trong cuộc bầu cử năm nay đó là ông đã hoàn toàn chinh phục được người dân Thủ đô khi giành được hơn 70% phiếu bầu.Và tại St. Petersburg, nơi ông chỉ nhận 58% số phiếu 6 năm trước, giờ đây ông có thể tự hào với số phiếu 75%.
Ngạc nhiên hơn, tỷ lệ ủng hộ ông Putin tăng cao rơi vào thời điểm người Nga phải chịu đựng một cuộc suy thoái sâu sắc hơn rất nhiều so với cuộc bầu cử trước đó.
Ngày nay, ngay cả những người theo chủ nghĩa tự do từng phản đối sự trở lại của ông Putin 6 năm về trước cũng cảm thấy phẫn nộ trước những gì phương Tây làm đối với nước Nga.
Vào những năm 2011-2012, nhiều người Nga coi Mỹ là một hình tượng khao khát về dân chủ và thịnh vượng. Nhưng hiện tại, họ đã thất vọng với Washington và tin rằng Mỹ về cơ bản là quốc gia luôn chống phá mọi lợi ích và không tôn trọng Nga.
Andrey Kondrashov, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Putin, đã kết luận điều này vào đêm thắng cử. "Số lượng người ủng hộ cao hơn dự kiến của chúng tôi trong khoảng 8-10%, mà có lẽ điều này tôi phải cảm ơn nước Anh", ông đề cập tới những cáo buộc trong vụ sát hại cựu gián điệp Nga gần đây.
"Chúng tôi đã bị áp lực ngay vào thời điểm cần sự ủng hộ của nhiều cử tri nhất. Bất cứ khi nào Nga bị cáo buộc về một cái gì đó bừa bãi và không có bằng chứng, người Nga lại liên kết với nhau xung quanh trung tâm quyền lực. Và trung tâm quyền lực ấy chắc chắn là Putin của ngày hôm nay”.
Do đó, trớ trêu thay, chính sách của phương Tây nhằm làm suy yếu ông Putin và làm giảm sự ủng hộ của người Nga đối với nhà lãnh đạo này đã thất bại hoàn toàn.
18 năm sau lần bước chân đầu tiên vào Điện Kremlin, vị thế của Tổng thống Putin chưa bao giờ mạnh mẽ hơn và an toàn hơn hiện tại.
Và ông có lẽ sẽ phải cảm ơn chính sách gây mất ổn định và phá hoại của Mỹ và châu Âu rất nhiều – những quốc gia không bao giờ biết người Nga thực sự nghĩ gì, cây bút Bryan MacDonald kết luận.